Từ trái qua phải: Bà Malikat Rufai, bà Trần Thị Ái Liên và TS. Nguyễn Thị Hậu tại buổi chia sẻ về bạo hành phụ nữ
|
Chỉ 2/120 người tham dự biết Việt Nam có Luật Phòng chống bạo lực gia đình dù luật này đã ra đời cách đây 7 năm (2007); có 2/3 phụ nữ Việt Nam từng bị một trong các hình thức bạo lực về thể xác, tinh thần, tình dục nhưng lại không dám lên tiếng, không dám tìm sự trợ giúp của người xung quanh hay các tổ chức xã hội…
Đó là những con số rất cụ thể được đưa ra tại buổi chia sẻ “Hãy cùng hành động góp phần xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và bé gái” do Trung tâm Hoa Kỳ (thuộc Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ) tại TP.HCM tổ chức vừa qua.
Phụ nữ còn ngại dư luận
TS. Nguyễn Thị Hậu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhìn nhận: Bạo hành bằng bạo lực thể xác vốn đã tồn tại từ lâu trong xã hội Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác. Ngày nay, bạo hành phụ nữ không đơn thuần chỉ là hành vi bạo lực mà còn tồn tại dưới nhiều hình thức tinh vi khác ngay đến chính nạn nhân cũng không biết mình đang bị bạo hành. Nhiều người vợ bị chồng lạnh nhạt, chì chiết, bị cách ly tiếp xúc với bên ngoài xã hội, dùng quyền lực về kinh tế để áp chế các hoạt động thường ngày dẫn đến khủng hoảng, bi quan phải tìm đến các chuyên gia tâm lý để chia sẻ. Đây được coi là hình thức bạo hành về tinh thần, là căn cơ tạo nên những vết nứt trong gia đình.
TS. Nguyễn Thị Hậu cho biết trong những gia đình có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, rất nhiều người vợ khi mang thai bé gái đã bị chồng và những người thân trong gia đình chồng tỏ ra không quan tâm, khinh thường, ghẻ lạnh, thậm chí bị ép buộc bỏ thai. Hình thức bạo hành về thai nhi này không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý của người mẹ mà còn tác động đến sự phát triển, tâm lý của đứa trẻ sau này. Nói về vấn đề sức ép dư luận, TS. Nguyễn Thị Hậu cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến người phụ nữ không dám tố cáo hành vi bạo hành. Khi một người phụ nữ tố cáo mình bị ông chủ, đồng nghiệp hay người quen lạm dụng tình dục, kết luận đầu tiên của người xung quanh sẽ là “chắc chị ấy có sao nên người ta mới như thế”. Thậm chí có những người mẹ còn không dám lên tiếng khi con bị lạm dụng vì sợ khi nói ra thì con sẽ không sống được với lời đàm tiếu của thiên hạ. “Bản năng của dư luận khi gặp một việc gì đó là nói, đôi khi nói chỉ để nói chứ không nghĩ đến hậu quả, không nghĩ đến những tổn thương mà mình sẽ gieo thêm cho nạn nhân vốn đã hứng chịu nhiều tổn thương từ trước đó”, TS. Nguyễn Thị Hậu trăn trở.
Xã hội phải thực sự bình đẳng với phụ nữ
Bàn về nguyên nhân khiến nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em trở thành một hiện tượng “bình thường hóa”, bà Trần Thị Ái Liên, người sáng lập và điều hành Tổ chức từ thiện Bạn của bé, cho rằng thói quen bạo hành vốn đã hình thành từ rất lâu và ăn sâu trong tâm thức người Việt, người ta coi đó là chuyện bình thường, chuyện của gia đình người khác nên không lên tiếng can thiệp. “Xét về góc độ bạo hành trong gia đình, người ta không coi chuyện người chồng đánh vợ là điều bức xúc, là chuyện lớn. Thế nhưng, nếu người vợ đánh chồng thì đó lại trở thành một “hiện tượng”, người vợ sẽ bị lên án và bị coi là không thể chấp nhận được. Gia đình có bạo hành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của những đứa trẻ trong gia đình. Chúng sẽ lại sử dụng hành vi bạo hành để bạo hành lại người khác”, bà Trần Thị Ái Liên nhìn nhận.
Phân tích sâu hơn về góc độ xã hội, TS. Nguyễn Thị Hậu cho rằng quan niệm xã hội vẫn chưa thực sự bình đẳng khi đánh giá phụ nữ và nam giới. “Người ta vẫn khuyên phụ nữ phải nhún nhường, nhìn lại mình khi gia đình có bạo hành. Khi một người phụ nữ bị chồng đánh, xã hội sẽ đánh giá “chắc chị ấy thế nào mới bị chồng đánh” hay “chị phải xem xét lại mình đi”. Bên cạnh đó, chính quyền vẫn chưa mạnh tay khi xử lý các vụ bạo hành. Tất cả những vụ bạo hành gia đình nếu người vợ có làm lớn chuyện thì đều được giải quyết bằng hình thức hòa giải từ tổ dân phố, phường xã, thậm chí khi kiện lên tòa án cấp quận/huyện thì biện pháp đầu tiên vẫn là hòa giải. Nếu không chấp nhận hòa giải, họ sẽ bị rơi vào tình thế đơn độc, không hề có sự hỗ trợ của những người xung quanh. Vì thế, khi rơi vào đường cùng người vợ mới đâm đơn kiện chồng tội đánh vợ”, TS. Nguyễn Thị Hậu nói.
Ngăn chặn bạo lực: Phải bắt đầu từ giới trẻ
“Một viên cảnh sát Hoa Kỳ từng chia sẻ với tôi rằng: Nếu người vợ bị bạo hành báo với cảnh sát ngay thì chắc chắn là lỗi của người chồng, nhưng nếu người vợ không dám tố cáo thì đó là lỗi của cô ta”, bà Malikat Rufai cho biết.
|
Quan niệm người bị đánh có lỗi không chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Bà Malikat Rufai, Tùy viên văn hóa Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, cho biết trước đây, quan niệm này cũng đã từng tồn tại ở Hoa Kỳ. Chỉ đến khi vụ kiện người chồng đánh vợ đầu tiên diễn ra vào năm 1824, người dân nước này mới bắt đầu quan tâm và lên tiếng về vấn đề này. Kể từ đó, người ta coi hành vi bạo hành trong gia đình, bất kể là chồng đánh vợ hay vợ đánh chồng thì người đánh là người có lỗi. Nhưng có được một xã hội ít có nạn bạo hành phụ nữ, trẻ em như hiện nay, quốc gia này cũng đã phải trải qua gần 200 năm để xây dựng và hoàn thiện bộ luật gồm các biện pháp xử phạt, răn đe, đồng thời giáo dục người dân tuân thủ theo bộ luật đó. “Luật chống bạo hành với phụ nữ và trẻ em chỉ thực sự có tác dụng khi người dùng hành vi bạo hành biết rằng hành động của họ là tội ác, là vi phạm pháp luật. Ở Hoa Kỳ, nếu như một giáo viên biết học sinh của mình bị bạo hành mà không báo cảnh sát thì chính họ sẽ bị coi là vi phạm pháp luật”, bà Malikat Rufai khẳng định.
Cũng bởi có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành đối với phụ nữ và bé gái, nên TS. Nguyễn Thị Hậu và bà Trần Thị Ái Liên đều đề nghị giới trẻ phải cùng chung tay để giải quyết nạn bạo hành. “Nhận thức “thương cho roi cho vọt” để giải quyết những rắc rối trong gia đình cần phải được thay đổi và sự thay đổi đó phải được bắt đầu từ những người trẻ tuổi. Các bạn trẻ phải coi bạo hành gia đình là vấn đề xã hội nhưng cũng là vấn đề của chính gia đình mình để lên tiếng và ngăn chặn nó. Khi một đứa bé bắt đầu biết nhận thức, xã hội phải tuyên truyền đến các em về quyền con người, sự bình đẳng giới để các em ý thức vấn đề bạo hành trong gia đình. Ngăn chặn bạo lực phải có hai chiều “không sử dụng bạo lực và không sợ hãi bạo lực” thì lúc đó việc ngăn chặn mới có hiệu quả”, bà Trần Thị Ái Liên nói.
Bài, ảnh: Linh Vy
Bạo hành tình dục – khái niệm ít phụ nữ biết đến
TS. Nguyễn Thị Hậu cho biết nạn bạo hành tình dục đã xảy ra từ rất lâu và phổ biến tại các gia đình Việt Nam nhưng lại là khái niệm rất ít phụ nữ biết đến. Hàng triệu phụ nữ phải cắn răng chịu đựng sự hành hạ giường chiếu của người chồng hàng năm trời vì bổn phận hoặc trong tình thế bị ép buộc nhưng lại không dám hé môi nói nửa lời. “Xã hội coi đó là chuyện riêng, nói ra sẽ bị đánh giá này nọ nên người phụ nữ còn không dám đem chuyện của mình ra để tâm sự chứ chưa nói đến chuyện tố cáo. Họ thà nín nhịn chịu đựng bị hành hạ, chịu đựng bị tổn thương còn hơn là để chính mình bị dư luận “ném đá””, TS. Nguyễn Thị Hậu đánh giá.
|
Bình luận (0)