Kể từ ngày 20-2-1990, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đến nay đã hơn 33 năm. Nhưng trên thực tế cho thấy, do thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc tiêu cực, vì hạn chế hiểu biết về chức năng, vai trò gia đình, cha mẹ đối với trẻ em, đồng thời chịu sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường cũng như những thiếu sót trong quản lý xã hội mà dẫn đến liên tục những vụ bạo lực đối với trẻ em trong thời gian vừa qua mà chủ yếu do người thân gây ra đang trở thành tình trạng đáng báo động, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến nhiều người.
Học sinh vẽ tranh kêu gọi chống bạo hành trẻ em. Ảnh: IT
Bạo hành trẻ em – hậu quả khôn lường!
Ngày 16-5-2023, người mẹ Nguyễn Thị Phương Thảo (23 tuổi) trong trạng thái mệt mỏi, dỗ con trai 1 tuổi không nín nên đánh cậu bé đến mức tử vong. Mới đây, ngày 20-5-2023, bé Nguyễn Ngọc T.C (3 tháng tuổi, Đà Lạt) có mẹ là Nguyễn Phúc Hồng Ân, cháu bé bị người tình của mẹ là Trần Hoài Thương hành hạ dẫn đến tổn thương nội sọ, gãy xương cẳng tay, gãy xương đùi, gãy xương cẳng chân, suy thận cấp, suy gan. Trên đây là một số vụ việc điển hình được báo chí đăng tải, tuy nhiên đó chỉ là phần rất nhỏ, còn không ít những vụ bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần trẻ em trong cộng đồng xã hội mà do chính người thân gây ra vẫn là vấn đề nhức nhối, đau lòng, là góc khuất chưa được phanh phui.
Từ những vụ việc đã xảy ra, cho thấy hành vi bạo lực đối với trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ gia đình nào, thuộc mọi tầng lớp xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt trong cuộc sống hiện tại và tương lai của trẻ. Song, theo các chuyên gia tâm lý, bạo lực thường xảy ra nhiều hơn ở những gia đình mà các thành viên thiếu hụt hiểu biết về bình đẳng giới, về quyền và nghĩa vụ đối với trẻ em, nhất là về quyền lợi mà trẻ em có được. Trẻ em bị bạo lực gia đình có thể ảnh hưởng xấu đến sự hoàn thiện nhân cách, kết quả học tập, kỹ năng giải quyết vấn đề, mức độ thấu hiểu và cảm nhận kém. Bạo lực gia đình nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên có thể dẫn tới các hiện tượng bất ổn tinh thần sau chấn thương như trơ lỳ tâm lý, tê liệt cảm giác, hoặc bị ám ảnh bởi những hành vi bạo lực mà trẻ em là nạn nhân hoặc được chứng kiến. Nếu trẻ em sống trong một gia đình không hòa thuận, cha mẹ thường hay cãi nhau, chửi nhau, đánh đập nhau, thì nhất định trẻ em cũng chịu tác động xấu ở mức độ nhiều hay ít, tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình cụ thể. Nếu trẻ em thường xuyên hoặc thỉnh thoảng chứng kiến cảnh cha đánh chửi mẹ (hoặc ngược lại mẹ bạo hành cha) thì với con trai, dần dần các cháu sẽ hình thành suy nghĩ rằng: là đàn ông thì có quyền đánh đập phụ nữ, khi trở thành chồng thì chàng trai cũng có cách ứng xử như vậy đối với vợ. Không chỉ có vậy, cậu bé trai sẽ quan niệm trong cuộc sống “mạnh được yếu thua”, và coi đó như một chân lý trong quan hệ xã hội. Đối với các bé gái, khi chứng kiến cảnh cha mẹ mắng chửi, đánh đập nhau thì sau này cô gái cũng sẽ cam chịu cảnh bạo lực, luôn có ác cảm với nam giới. Hành vi bạo lực là một hành vi được “chuyển di”, bắt chước từ môi trường gia đình và xã hội, cá nhân buộc phải thích nghi để ứng phó với nó cũng bằng bạo lực. Trẻ em sống trong gia đình có hành vi bạo lực, lớn lên ra ngoài xã hội có thể sẽ tự ti, rụt rè, sợ hãi người khác, không dám bày tỏ suy nghĩ, chính kiến của mình, nhưng cũng có nguy cơ dùng bạo lực để giải quyết tất thảy vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.
Một số giải pháp hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em
Thứ nhất, định hướng cho cha mẹ biết lựa chọn cách ứng xử với con cái khi chúng có hành vi chưa ngoan, không đúng đắn hoặc lệch chuẩn. Cần có phương pháp trị liệu đối với cha mẹ có hành vi lạm dụng, ngược đãi con cái, hoặc bỏ mặc con cái. Hướng dẫn cho cha mẹ cách tìm kiếm sự giúp đỡ cho chính bản thân mình để giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống hằng ngày: như tâm sự với ai đó mà anh (chị) nghĩ rằng có thể giúp đỡ mình gỡ được những vướng mắc tâm lý chẳng hạn như một người bạn, một nhà tham vấn về tâm lý, một bác sĩ…
Trẻ em cần được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình và xã hội. Ảnh: IT
Thứ hai, đối với trẻ em bị bạo hành, ngược đãi, cần phải có những quan tâm chăm sóc về sức khỏe, tư vấn tâm lý từ phía cộng đồng. Chẳng hạn, với trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục, các em cần được: Đảm bảo rằng những gì đã xảy ra không phải là lỗi của các em; cần quan tâm chú ý đến cảm xúc, những nỗi lo lắng và vấn đề mà các em quan tâm; cần được đảm bảo rằng, nếu trẻ nói ra những chuyện bị lạm dụng tình dục thì chuyện đó sẽ được giữ bí mật. Trẻ được hỗ trợ trong quá trình điều trị sức khỏe, tư vấn và được nhận sự bảo trợ khác của xã hội. Trẻ em cần được bảo vệ liên tục, nếu người lạm dụng tình dục là một thành viên trong gia đình, hoặc người nào đó mà đứa trẻ tiếp tục gặp, thì trẻ em cần được bảo đảm về việc được bảo vệ an toàn.
Thứ ba, tổ chức tốt khâu tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, cảm xúc và hành vi trong chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục trẻ. Các chiến dịch để cải thiện hiểu biết của cộng đồng về sự nguy hại của bạo lực gia đình.
Thứ tư, cần thành lập các trung tâm tư vấn để hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Các trung tâm tư vấn có thể tư vấn về vấn đề trước hôn nhân cho bậc làm cha mẹ (hướng cho cha mẹ cách nuôi dưỡng và giáo dục con cái), tư vấn về gia đình hạnh phúc. Hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe thể chất, tâm lý giúp trẻ hồi phục dần về tinh thần và thể chất. Cung cấp các biện pháp bảo vệ tạm thời cho trẻ em (và cả thành viên trong gia đình trong các trường hợp có các thành viên khác bị bạo lực).
Thứ năm, nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân trong việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Trong điều 3, của Luật Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, đã quy định về bảo vệ và giáo dục trẻ em. Đặc biệt là vai trò và trách nhiệm của Nhà nước được thể hiện trong điều 19 của Công ước về quyền trẻ em: “Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ trẻ em chống lại tất cả các hình thức ngược đãi của cha mẹ, của những người chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ em và lập ra những chương trình xã hội thích hợp để ngăn ngừa sự lạm dụng, điều trị cho những trẻ em bị ngược đãi”. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và thích đáng với những ai có hành vi bạo lực đối với trẻ em.
ThS. Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý – ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)