Số lượng thí sinh thi tuyển và theo học ngành may hằng năm rất đông nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu việc làm trên thực tế
|
Thiếu hợp tác giữa nhà đào tạo và người sử dụng lao động ngành may khiến sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều người có tay nghề nhưng không được tuyển dụng, còn doanh nghiệp thì luôn “kêu” thiếu nhân lực…
Tại hội thảo “Đối sánh chuẩn đầu ra theo nhu cầu xã hội” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức mới đây, ThS. Trương Việt Khánh Trang – Trưởng khoa Công nghệ may thời trang, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng – đã nhấn mạnh việc thắt chặt hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Việc dồi dào nhưng thất nghiệp… cao!
Theo ThS. Trương Việt Khánh Trang, có gần 65% sinh viên cho rằng doanh nghiệp không tham gia vào việc tuyển sinh của cơ sở đào tạo. Con số này ở giáo viên và chính cán bộ quản lý doanh nghiệp đều xấp xỉ 60%. Một số cơ sở đào tạo có liên kết với doanh nghiệp thì mức độ lại không thường xuyên. Nhiều ý kiến cũng đánh giá rằng hoạt động hợp tác đào tạo về phía doanh nghiệp cũng chưa thực sự đạt hiệu quả. Trên thực tế, các cơ sở đào tạo cũng mời doanh nghiệp tham gia các buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của người học nhưng chỉ dừng ở vai trò “khách mời” do không trực tiếp tham gia đào tạo.
Một khảo sát khác của Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng cũng cho thấy, hơn 55% cơ sở đào tạo chưa thực hiện liên kết về thiết kế và xây dựng chương trình đào tạo với doanh nghiệp. Gần 35% cho biết có sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo nhưng chưa hiệu quả. Trong khi đó, gần 60% doanh nghiệp cũng cho biết không liên kết xây dựng mục tiêu chương trình đào tạo với cơ sở. Điều này dẫn đến hệ quả chương trình đào tạo chưa sát thực tế, nặng lý thuyết, thiếu thực hành.
“Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng đào tạo ngành may chưa đáp ứng nhu cầu xã hội là do thiếu liên kết giữa người dạy và người sử dụng lao động. Nhà trường chủ yếu đào tạo dựa trên những cái mình có mà chưa quan tâm đến nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng muốn sở hữu nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao nhưng chưa chủ động tham gia đào tạo” – ThS. Trương Việt Khánh Trang thẳng thắn nhìn nhận.
Đây cũng là lý do mà nhiều hội chợ việc làm với đầy ắp cử nhân nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tuyển lao động, dù nguồn việc rất cao.
Rút ngắn khoảng cách
Ngành dệt may nước ta hiện thu hút khoảng 2,5 triệu lao động. Dự kiến đến năm 2015, con số này sẽ tăng lên 3,5 triệu lao động. Để đáp ứng nhu cầu lao động đó, nhất là đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng, bên cạnh nỗ lực đào tạo từ phía nhà trường thì việc “chung sức” từ phía các doanh nghiệp đã đến lúc cần được quan tâm đúng mức. Nhà trường cần đảm bảo sản phẩm đào tạo đáp ứng được nhu cầu đa dạng và đầy biến động của thị trường lao động. Thông tin thị trường lao động dĩ nhiên được cung cấp từ phía các doanh nghiệp. Khi đó, chính nhà trường cũng có lợi vì sản phẩm đầu ra đã được “đặt hàng” nhờ đào tạo đúng cái doanh nghiệp cần. Doanh nghiệp cũng dễ dàng tuyển được đúng người mà không phải tốn nhiều công sức tìm kiếm, đào tạo bổ sung.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, thực hành, tiếp cận thiết bị mới, hiện đại. Điều này hết sức quan trọng vì các cơ sở đào tạo do nguồn tài chính hạn chế nên chậm cập nhật công nghệ, thiết bị phục vụ dạy học. Thực tế, doanh nghiệp chưa thường xuyên hỗ trợ máy móc, thiết bị hay kinh phí cho cơ sở đào tạo.
ThS. Trương Việt Khánh Trang kiến nghị, việc hợp tác đào tạo, cải tiến chất lượng nguồn nhân lực ngành may còn cần sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp quản lý Trung ương và địa phương. Cần xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho nghề may phát triển, gắn trách nhiệm cao hơn đối với người sử dụng lao động trong công tác đào tạo, xây dựng “chuẩn đầu ra” cho ngành trong đó đưa vào các tiêu chí cần đạt được thông qua hợp tác đào tạo với doanh nghiệp. Đặc biệt, cần khen thưởng hoặc xử phạt đơn vị làm tốt hoặc chưa tròn trách nhiệm đối với việc nâng chất nguồn nhân lực.
Thục Trân
Khan hiếm nhân lực chất lượng cao
ThS. Trương Việt Khánh Trang – Trưởng khoa Công nghệ may thời trang, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng – cho biết trên địa bàn TP.HCM hiện có rất nhiều cơ sở đào tạo ngành may từ TC đến ĐH. Mặc dù số lượng sinh viên có qua đào tạo đông nhưng toàn ngành vẫn thiếu trầm trọng nhân lực chất lượng cao. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp ngành may cần quan tâm hơn đến vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc nâng cao chất lượng này phụ thuộc những yếu tố bên trong (chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất, ý thức người học…) và cả nhiều yếu tố bên ngoài khác như tình hình kinh tế, chính trị xã hội, quy hoạch và chiến lược phát triển ngành may.
|
Bình luận (0)