Thời gian gần đây, câu chuyện người dân chủ động phân loại rác thải và xử lý bằng men vi sinh không còn xa lạ ở 2 phường Hòa Phát và Hòa Thọ Tây, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng. Sự đồng thuận từ mỗi hộ dân đã góp phần giảm thiểu đáng kể rác thải ra môi trường, chung tay xây dựng khu dân cư thân thiện môi trường…
Trình chơi Audio
Sạch rác, xanh rau
Nhiều tháng nay, đều đặn mỗi ngày khi thực hiện chế biến thực phẩm, chị Lương Thị Hạnh ở tổ 12, phường Hòa Thọ Tây đều chú ý phân loại rác. Các loại rác thải nhựa được thu gom để bán đồng nát, rác vô cơ khó phân hủy được chia vào túi cẩn thận để nhân viên vệ sinh môi trường mang đi, còn lại các loại rác thải từ rau, củ, quả, vỏ trứng, thức ăn thừa… chị Hạnh cho vào thùng để làm phân bón hữu cơ. “Trước khi chưa thực hiện phân loại, mình nghĩ đơn giản rác hữu cơ này rất ít nhưng bắt tay vào làm mới thấy nguồn rác hữu cơ từ công việc nấu ăn hàng ngày khá nhiều. Tôi thu gom và trộn với men vi sinh để làm phân bón. Sau thời gian hoai mục, phân từ rác đem bón cho rau rất tươi tốt. Nhờ đó, gia đình có rau sạch để ăn và lượng rác thải đổ vào thùng để nhân viên môi trường mang đi ít hẳn, mùi hôi vì thế cũng giảm, giảm cả ruồi nhặng, kiến” – chị Hạnh chia sẻ.
Gia đình bà Ngô Văn Đoàn, ở tổ 24, phường Hòa Thọ Tây cũng thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ. “Các loại rác thải từ rau, củ quả và thức ăn thừa không sử dụng được tôi sẽ mang đi ủ. Sau khi cho men vi sinh làm từ đường, nước và cám vào phần rác thải trộn đều, ủ lại một thời gian khoảng 3 đến 5 ngày thì có thể sử dụng được nước để tưới cây, phần xác rác thải tôi sẽ bón vào gốc cây, đậy kín đất để cây tươi tốt. Việc thực hiện phân loại rác thải này rất thiết thực, vừa giảm lượng rác đưa lên bãi rác xử lý vừa có thể bón phân cho cây rau để cung cấp thực phẩm an toàn cho gia đình mình”, bà Đông nói.
Đi dọc các khu dân cư ở hai phường Hòa Phát và Hòa Thọ Tây những ngày áp Tết, không khó để bắt gặp những luống rau xanh trong vườn nhà, trong các loại thùng xốp tái chế để dọc bờ rào, góc sân. Bà con vui vẻ chia sẻ về kinh nghiệm ủ rác thải thành phân hữu cơ để bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống kinh tế.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Trước đó, năm 2023, mô hình “Khu dân cư thân thiện môi trường” cũng được Phòng TN&MT quận Cẩm Lệ triển khai tại phường Hòa Xuân với 41 hộ dân được hỗ trợ 41 thùng ủ rác hữu cơ, 6 thùng rác tài nguyên và 1 thùng rác thải nguy hại. Sau hơn 1 năm triển khai, người dân đã từng bước thay đổi, hình thành ý thức và trách nhiệm trong phân loại và xử lý rác thải tại nhà, sử dụng phân bón hữu cơ trồng trọt rau xanh tại các khu đất trống tạo nên cảnh quan sạch đẹp và tiết kiệm chi phí mua thực phẩm cho gia đình.
Năm 2024, thực hiện kế hoạch của UBND quận Cẩm Lệ về việc triển khai mô hình “Khu dân cư thân thiện môi trường” nhằm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, xử lý chất thải thực phẩm tại phường Hòa Thọ Tây và Hòa Phát, địa phương đã chọn 41 hộ thực hiện xử lý rác thực phẩm bằng men vi sinh. Các hộ dân kể trên được tham gia lớp tập huấn về phân loại rác tại nguồn, hướng dẫn làm men vi sinh và xử lý rác thực phẩm. Đồng thời, bà con được hỗ trợ trang thiết bị phân loại rác thải. Quá trình thực hiện, việc phân loại rác thải sẽ được đại diện các phường, khu dân cư, tổ dân phố thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình. Tính đến nay có 28 hộ dân đã thực hiện ủ rác thực phẩm. Theo tính toán, lượng rác thải sinh hoạt tại khu vực này giảm khoảng 50% lượng rác phải mang lên bãi rác Khánh Sơn để chôn lấp, tiết kiệm không gian cho bãi tập kết rác cũng như nhân lực thu gom.
Ông Đinh Phạm Công Anh Tuân – Phó phòng TN&MT quận Cẩm Lệ cho biết mô hình “Khu dân cư thân thiện môi trường” được triển khai tại 5 tổ thuộc 2 phường Hòa Phát và Hòa Thọ Tây. Nhìn chung bà con hưởng ứng rất tích cực và bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Ông Anh Tuân cũng cho biết, từ hiệu quả của các mô hình kể trên, đơn vị sẽ tiếp tục xem xét để nhân rộng mô hình này trong tương lai, duy trì và phát triển nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác chung tay bảo vệ môi trường sống.
Hàn Giang
Bình luận (0)