Du khách viếng chùa tại một tỉnh phía Bắc. Ảnh: I.T
Vấn đề “chặt chém” du khách vào những dịp lễ hội, tại những điểm tham quan du lịch, đã được truyền thông phản ánh rất nhiều trong những năm gần đây nhưng đâu vẫn vào đấy. Tình trạng này không những không bị xóa sổ triệt tiêu mà có chăng là xì chỗ này và phình chỗ khác. Như hai nhà hàng Tháp Bà Làng Chài và Hương Phát tính tiền với giá cao ngất ngưởng tại Nha Trang (Khánh Hòa) dịp Tết vừa qua là một bằng chứng và đồng thời làm cho dư luận vô cùng phẫn nộ vì thói kinh doanh vô đạo đức. Chắc chắn tại các điểm du lịch trên khắp nước Việt Nam còn nhiều trường hợp tương tự nhưng chẳng qua du khách không muốn lôi thôi nên cho qua.
Chấp nhận được không khi mà một đĩa cà chua xào trứng bị đẩy giá lên đến 500 ngàn đồng/phần, cơm trắng 200 ngàn đồng/phần, đậu bắp luộc 300 ngàn đồng/ phần… ở nhà hàng Hưng Phát (phường Lộc Thọ, Nha Trang, Khánh Hòa)? Nhiều tài khoản trên mạng xã hội bình luận châm biếm rằng chắc trứng chế biến là trứng ngỗng hoặc trứng đà điểu nên giá mới cao như thế. Và dư luận càng phẫn nộ hơn khi thái độ bàng quan của ông chủ cũ (vừa rút vốn) cho rằng do nhân viên “bấm đại” để ra hóa đơn; người quản lý thì đổ thừa do hướng dẫn viên đưa khách vào nhà hàng đòi chi 30% trên tổng hóa đơn nên mới kêu nhân viên kê thêm tiền vào hóa đơn. Hóa ra, họ “chặt chém” du khách có tổ chức, có đường dây? Tức giận không khi mà chính hướng dẫn viên du lịch là người được du khách tin tưởng, nhờ chỉ dẫn nơi mua sắm, ăn uống nhưng lại đưa du khách vào “nhà chém” thế này? Cũng cần nói thêm, thật ra chuyện hướng dẫn viên, tài xế đưa khách du lịch đến những nơi ăn uống, mua sắm đều “có chủ đích” chứ không đơn thuần là ngon, đẹp, rẻ (hiếm lắm mới đưa khách đến chỗ rẻ) đã có từ lâu nhưng người ta lại xem đó là một điều bình thường. Khi giới thiệu cho khách một quán ăn, một cửa hàng mua sắm họ đều nhận được hoa hồng từ chủ quán. Đó là lý do khách biến thành con cừu non, con nai tơ ngơ ngác trong mắt chủ quán và hướng dẫn viên.
Để triệt tiêu nạn “chặt chém” du khách thì chúng ta cùng chung tay. Khách du lịch, một khi bị “chặt chém” thì nên tố cáo, hoặc đưa lên mạng xã hội tên quán, hóa đơn, tên công ty tổ chức du lịch, có như thế họ mới từ bỏ thói xấu đó. Riêng cơ quan chức năng, cần xử lý nghiêm và mạnh tay đối với những hàng quán “chặt chém”. Chỉ có phạt nặng thì họ mới chừa thói xấu và giải quyết được chuyện “phạt quán này thì họ đổi tên quán khác” (nhưng vẫn cùng địa chỉ). Nếu không mạnh tay, sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch địa phương nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung và cả quốc thể. Những con sâu thế này sẽ làm rầu cả nồi canh, khiến khách du lịch quốc tế quay lưng không đến Việt Nam nữa và nguy hại hơn là họ truyền miệng hoặc ca cẩm trên mạng xã hội theo chiều hướng tiêu cực. Cũng cần nói đến trách nhiệm, năng lực của cơ quan chức năng. Dù có công bố đường dây nóng để khách du lịch phản ánh nhưng cơ quan chức năng cần chủ động xử lý chứ không thụ động đợi người gọi điện thoại cầu cứu, bởi khách ngoại quốc họ không rành tiếng Việt. Chờ người đến tố cáo là sự việc đã rồi, có giải quyết theo đúng luật thì ngành du lịch Việt Nam cũng đã bị tai tiếng. Cần thường xuyên thanh kiểm tra, nhất là vào những ngày lễ tết, đóng giả du khách để nắm rõ tình hình. Chỉ cần mọi người chung tay dẹp nạn “chặt chém” khách du lịch thì du lịch Việt sẽ khởi sắc, phát triển, xây dựng hình ảnh người Việt Nam thân thiện, danh thắng Việt Nam xinh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Đặng Trung Thành
Bình luận (0)