Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chúng tôi có ý kiến: Thi đánh giá năng lực làm cực học sinh?

Tạp Chí Giáo Dục

Hai năm qua ĐHQG TPHCM tổ chức khảo sát năng lực học sinh trước kỳ thi TN THPTQG mục đích để tuyển chọn được học sinh tốt vào các trường Đại học thuộc hệ thống thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM. Tỉ lệ xét tuyển theo phương thức này chiếm khoảng 30% được xã hội đánh giá tốt và học sinh ủng hộ ngày càng đông.

Năm học 2019 – 2020 có quá nhiều trắc trở cho học sinh 12 vì đại dịch Covid19, nhưng dẫu sao đó là tình hình chung của cả nước. Hiện tại các em cuống cuồng vừa học kiến thức mới, vừa ôn kiến thức cũ và phải làm “tất tần tật” các bài kiểm tra để kịp bước vào kỳ kiểm tra học kỳ 2, hoàn tất các mặt “học lực – hạnh kiểm” để đủ điều kiện dự thi TN THPT 2020.

Ngày 15/5/2020 ĐH Quốc gia TP.HCM công bố chỉ tổ chức 1 đợt thi đánh giá năng lực vào trung tuần tháng 8 tức sau kỳ thi TN THPT 2020, thiết nghĩ đây là một áp lực rất lớn cho học sinh. Hiện tại các em và phụ huynh liên tục hỏi nhà trường và rất âu lo vì năm học này chỉ tiêu xét tuyển theo phương án này quá cao 50%  – 70% và có tới gần 60 trường Đại học lấy kết quả này để xét tuyển. Điều mà phụ huynh và học sinh quan tâm là nội dung ra đề đánh giá có khoảng cách tương đối “không gần” với chương trình học theo phân ban đã chọn trong trường suốt 3 năm. Với ban tự nhiên Lý, Hóa, Sinh  các em sẽ bị hổng Sử, Địa, GDCD và ngược lại với ban xã hội các em bị hổng Lý, Hóa, Sinh. Một thực trạng cũng phải đề cập đến từ phản ánh của giáo viên dạy môn Toán có phần tư duy logic và phân tích số liệu nằm ở chương trình lớp 10, nhưng vì lâu nay người ra đề không sử dụng đến do đó giáo viên chỉ dạy một cách qua loa chiếu lệ (cấu trúc đề thi minh họa nhiều năm của BGD không có). Riêng môn Ngữ Văn việc chính tả chỉ chiếm 0.5 điểm trong khi chấm thi TNTHPT QG học sinh sẽ bị trừ ở câu ngữ pháp và viết đoạn, có thể thấy phần này học sinh rất lơ là theo xu thế dạy của giáo viên. Nay tần số xuất hiện trong đề thi năng lực là một vấn đề không nhỏ.

Nhà trường đang đầu tư cho các em tốt nghiệp THPT với thời gian có thể, bên cạnh đó cũng phải luyện tập cho các em các môn xét tuyển theo khối thi truyền thống A, A1, B, D, C…thì thử hỏi còn thời gian đâu mà ôn đánh giá năng lực cho các em, chưa kể lực bất tòng tâm vì nhà trường chỉ hoàn tất mục tiêu TN THPT  và việc dạy ôn tập đối với trường học không được thu phí do không phải là trung tâm dạy thêm, học thêm (trường học 2 buổi). Chính tỉ lệ xét tuyển 70% của hệ thống các trường Đại học của Đại học Quốc gia TP.HCM đã làm học sinh rất khổ. Đây có thể nói là bước khởi đầu cho sự ra đời các lò luyện thi vào ĐH QG TP.HCM, hiện trên các trang mạng xã hội, các web của các trung tâm đang “tung chiêu” bí kiếp luyện thi đánh giá năng lực với mức 4 tuần 1.200.000 đồng, để đảm bảo cho 1 kỳ thi phụ huynh phải chi ít nhất 3.000.000 đồng đây là một số tiền quá lớn đối với những học sinh không ở trung tâm thành phố. Như thế có phải là áp lực chăng? Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm.

Huỳnh Huy Quân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)