Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chúng tôi dạy con bằng cái tâm trong sáng

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Gia đình chị Kim SaQua lời giới thiệu của một đồng nghiệp, tôi được gặp anh chị – đôi vợ chồng khiếm thị bán vé số hiền lành nhưng rất vui tính.

Ngày qua ngày, với chiếc gậy dò đường và xấp vé số trên tay, anh chị mang may mắn đến cho mọi người và chỉ mong muốn một may mắn duy nhất cho mình là kiếm được chút đỉnh tiền lời trang trải cuộc sống và nuôi đứa con trai ăn học đến nơi đến chốn.

Căn nhà anh chị ở nằm trong một con hẻm ngoằn ngoèo đường Nguyễn Thái Sơn – Phường 3 – Quận Gò Vấp) đang xuống cấp trầm trọng, rất chật chội và nóng bức. Chị cho biết: “ Đây là căn nhà của ba mẹ chồng tôi cho ở tạm, chứ chúng tôi làm gì có tiền mua nổi…”.

Anh tên Hồ Văn Luận, sinh năm 1956 tại Sài Gòn. Học hết lớp 12, anh lên đường nhập ngũ. Và khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về sinh sống cùng gia đình với nghề làm thuê làm mướn. Cần cù và hiền lành, anh được nhiều cô gái đem lòng yêu thương nhưng vì mặc cảm hoàn cảnh và chưa có sự nghiệp trong tay nên anh không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Thế rồi, đùng một cái, trong một tai nạn lao động, anh đã bị mù đôi mắt. Từ một người khỏe mạnh, lành lặn, bỗng chốc trở thành người tàn tật, tất cả tương lai phía trước như sụp đổ dưới chân anh. Nhưng vì nghĩ đến cha mẹ già yếu và bản chất cứng rắn của người lính, anh đã đối diện với số phận nghiệt ngã của chính mình.

Anh tìm đến Hội Người mù (225 Cống Quỳnh) học nghề rút bàn chải và bện chổi. Tại đây, anh đã quen với chị Nguyễn Kim Sa, sinh năm 1961 cũng bị mù bẩm sinh. Sự cảm thông với hoàn cảnh mù lòa đã giúp hai người xích lại gần nhau hơn. Sau khi kết hôn, anh chị phải rời trường mù, sống tự lập. Bơ vơ không nghề nghiệp, mưu sinh bằng nghề bện chổi không sống nổi nên anh chị quyết định chuyển sang nghề bán vé số. Với người thường việc buôn bán đã khó, đằng này cả hai người đều mù, cái khó càng tăng gấp nhiều lần. Mỗi ngày, anh chị ngược xuôi trên khắp các nẻo đường để bán từng tờ vé số. Gặp người tốt thương tình, còn đắp đổi được; hôm nào gặp kẻ gian lường gạt, tráo vé số, bị móc túi, xem như trắng tay trở về. Cái cảnh mỗi ngày lùa vội hai chén cơm nguội ra đi từ lúc 5 giờ sáng, rồi hàng đêm về tới hẻm nhà lúc 22 – 23 giờ, lần mò khoảng đường lồi lõm để vào nhà, có khi vấp ngã giữa đường là chuyện thường xuyên của đôi vợ chồng khiếm thị này.

Con trai của anh chị – Hồ Sỹ Phú ra đời năm 1995 trong hoàn cảnh khó khăn như thế. Anh chị cho biết: “Cực khổ và cay đắng trăm phần nhưng chúng tôi ráng gượng vì con, chúng tôi dạy con không mặc cảm với bạn bè, không đua đòi, ngoan ngoãn, nhất là phải học cho thật giỏi…”. Thời còn học tiểu học ở Trường Trần Văn Ơn, Phú thường dắt ba mẹ đi bán vé số sau giờ tan học. Phú bảo: “Có em đi cùng, người ta sẽ không lừa gạt cha mẹ như giật vé số, đưa thiếu tiền… và em cảm thấy yên tâm hơn khi cha mẹ băng qua đường, lên thang gác…”. Khuya về, đợi ba mẹ ngủ rồi, Phú mới chuẩn bị bài vở để sáng mai đi học. Trong nhà có một chiếc bàn tròn duy nhất, đến bữa ăn làm bàn cơm, khách đến là bàn trà nước, và buổi tối trở thành “góc học tập” của Phú. Tôi hỏi: “Đi bán vé số như vậy, Phú có mặc cảm không?”. Phú lắc đầu nói: “Em không hề nghĩ đến chuyện ấy, chỉ thương ba mẹ sức khỏe yếu mà ngày ngày phải lần mò đi bán vé số. Em quyết tâm sẽ học thật giỏi để sau này đỡ đần cho ba mẹ. Từ khi em chuyển sang học ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, ba mẹ không cho em cùng đi bán nữa mà phải ở nhà tập trung cho việc học”.

Năm học mới này, Phú lên lớp 8. Suốt 7 năm liền Phú đều đạt danh hiệu học sinh giỏi cũng như thường xuyên nhận được học bổng “Học trò giỏi hiếu thảo” của trường, Hội Khuyến học quận Gò Vấp. Trong lớp, thầy cô và bạn bè đều biết rõ hoàn cảnh của Phú nên thường xuyên giúp đỡ em cả về tinh thần lẫn vật chất. Phú mộc mạc, chất phác, hiền lành đến độ ít nói và hiếm khi chịu đi chơi xa. Tan học là Phú lại cắm cúi đạp xe về nhà. Phú thích về nhà hơn rong chơi ngoài đường là vì còn rất nhiều công việc đang đợi cậu ở nhà. Phú coi “lành như cục đất” vậy mà rất giỏi giang, chuyện gì cũng làm xong, kể cả chuyện chợ búa, bếp núc. Mới 13 tuổi nhưng những việc cần đôi tay mạnh mẽ, tháo vát của đàn ông, Phú đều lãnh phần làm hết. Phú rất thích ngành công nghệ thông tin và ước mơ sau này sẽ trở thành một kỹ sư vi tính.

Anh chị cho biết: “Chúng tôi nghĩ, dù mang nỗi bất hạnh khiếm thị, nhưng chúng tôi đã tìm được nguồn hạnh phúc cho đời mình từ tấm lòng của đứa con trai hiếu thảo. Mỗi ngày, chúng tôi kiếm được vài chục ngàn, sống tằn tiện lắm, chủ yếu là dành dụm tiền mua sách vở, quần áo cho con ăn học. Chờ cho con học hành nên người, có công ăn việc làm ổn định thì mới nghỉ bán vé số. Đời mình cực khổ quen rồi, chỉ mong đời con khá hơn để không bị mặc cảm với xã hội…”.

SONG MINH

Tôi thắc mắc: “Những người sáng mắt nhiều khi còn chưa quản nổi con cái, anh khiếm thị làm sao dạy con được?”. Anh chị trả lời thật nhẹ nhàng: “Chúng tôi dạy con bằng cái tâm trong sáng, bằng hành động của mình để con trông vào mà làm gương thì đâu phân biệt sáng mắt hay khiếm thị…”.

Bình luận (0)