Những người khoái ăn đùi, cánh, chân gà cần thay đổi sở thích bởi những sản phẩm này vừa nghèo dinh dưỡng, vừa có nguy cơ mất an toàn.
Phụ phẩm, phế phẩm thành thực phẩm
Ở đa phần các nước phát triển, người tiêu dùng chuộng phần ức thì người tiêu dùng tại Việt Nam lại chuộng đùi, chân, cánh. Đây là lý do khiến mỗi năm, có hàng trăm ngàn tấn hàng bị xem là phụ phẩm, phế phẩm được nhập về làm thực phẩm.
Nhiều chủ trại gà tại Đông Nam bộ chia sẻ, họ chẳng bao giờ cho con cái, người thân ăn đùi, chân, cánh vì hơn ai hết, họ biết những bộ phận này thường được tiêm kháng sinh, nên có nguy cơ tồn dư kháng sinh rất cao. Loại gà dai Hàn Quốc vốn là loại gà đẻ thải loại do quá già, sau khi khai thác hết trứng, lại được rất nhiều người chuộng vì thịt dai, giòn.
Gà đông lạnh nhập khẩu bày bán nhiều, không ít người chọn mua vì giá rẻ |
Các sản phẩm này nhập về Việt Nam dưới dạng đông lạnh nhưng lại được các đầu mối vô tư rã đông, bán như hàng tươi. Ngay cả các chuỗi bán lẻ hiện đại như Big C, Bách Hóa Xanh… cũng bán như hàng xá cho khách tự chọn.
Bác sĩ Trần Văn Ký – phụ trách chuyên môn Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam – cho biết, tiêu chuẩn về thực phẩm ở nước ngoài cao hơn tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam.
Ở nước ngoài, người ta không dùng gà thải loại, gà đẻ hết trứng, hết lứa làm thực phẩm vì gà này không còn giá trị dinh dưỡng; ăn không thơm, không ngọt, không ngon và quan trọng hơn là có nguy cơ tồn dư kháng sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Để có kết luận rõ ràng, cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm nghiệm thịt gà đông lạnh nhập khẩu và công bố thông tin với người tiêu dùng.
Theo ông Lê Văn Quyết – Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ – thịt gà đông lạnh sau khi rã đông không thể đảm bảo được độ ngon, nhưng các bếp ăn tập thể lại chuộng gà đông lạnh do giá rẻ. Còn gà thải loại ở nước ngoài không dùng cho người ăn mà được chế biến làm thức ăn cho động vật vì không đảm bảo chất lượng, không còn giá trị dinh dưỡng và có nguy cơ tồn dư vắc-xin cao (loại gà này được tiêm vắc-xin). Người tiêu dùng Việt Nam thấy thịt dai lại thích.
Không phải tự dưng giá rẻ
Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam từng khẳng định, gà dai là giống nuôi để lấy trứng chứ không phải lấy thịt. Sau khi nuôi khoảng 550 ngày, lấy khoảng 300 trứng, gà sẽ bị loại thải. Trong khi đó, gà công nghiệp trong nước nuôi 38 ngày là lấy thịt ăn, gà thả vườn là 56 ngày. Khi ăn gà chất lượng, khả năng tiêu hóa lên đến 85%, còn gà già, gà thải loại thì khả năng tiêu hóa chỉ còn 55-60%.
Vì sao đùi gà, cánh gà được bán tại Mỹ với giá cao (4-5 USD/kg), nhập về Việt Nam lại rẻ bất ngờ (18.000 đồng/kg)? Một số nhà nhập khẩu giải thích, là do nguồn gà không đạt tiêu chuẩn chất lượng của Mỹ, như đùi gà không đúng kích cỡ quy định (ví dụ thường đóng 10 cái đùi gà/gói/kg, đùi nhỏ hơn sẽ không đảm bảo con số này); gà bị chặt, cắt lẹm cũng không đạt chuẩn, bị xếp vào hàng thải loại.
Khả năng thứ hai là Mỹ cũng có vùng dịch, vùng không dịch. Các nước châu Âu nghe có dịch là ngưng nhập hàng, nên số gà tồn này phải hủy. Thay vì bỏ đi, hàng được đưa về Việt Nam. Những năm trước, đã xảy ra tình trạng này khi gà được ồ ạt nhập về Việt Nam.
Ông Quyết kiến nghị, thịt gà đông lạnh nhập khẩu phải minh bạch giá cả, có phải giá nhập về là giá thực không hay giá được nhà nhập khẩu khai thấp để trốn thuế. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng gà nhập khẩu để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi – Trưởng khoa Kinh tế, Trường đại học Nông Lâm TP.HCM – cho rằng, Nhà nước cần sớm thông qua luật cấm nhập tất cả các sản phẩm thải loại, phế phụ phẩm gia súc, gia cầm; chỉ nên cho phép nhập khẩu các sản phẩm thịt gia cầm chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của thế giới. Từ đó, người tiêu dùng Việt Nam có thêm sự lựa chọn và tính cạnh tranh được đảm bảo công bằng, giúp ngành chăn nuôi trong nước phát triển.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 62.300 tấn thịt gà đông lạnh, chủ yếu là gà nguyên con, đùi, cánh, chân gà công nghiệp, giá trị nhập khẩu thịt gà đạt hơn 48,6 triệu USD. Tính ra, mỗi ký gà nhập từ Mỹ về Việt Nam có giá chưa đến 18.000 đồng. Tuy nhiên, một đầu mối chuyên nhập khẩu gà đông lạnh cho biết, cộng thêm các chi phí, thuế thì giá bán cho các đầu mối dao động từ 24.500-32.000 đồng/kg, tùy tình hình thị trường. |
Theo Nguyễn Cẩm/Phunuonline
Bình luận (0)