Sau một năm Hà Nội triển khai chương trình bán hàng bình ổn giá, giá cả của nhiều nhóm hàng thiết yếu vẫn tăng cao, các điểm bán hàng bình ổn giá vẫn chưa phát huy được vai trò điều tiết giá của mình.
Hàng bình ổn nhưng giá không ổn
Năm 2010, UBND TP.Hà Nội đã tạm ứng 400 tỉ đồng cho 14 doanh nghiệp (DN) vay với lãi suất 0% để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá đối với 9 nhóm mặt hàng thiết yếu. Số tiền này đã được phân bổ làm 2 đợt. Đợt 1 tạm ứng 350 tỉ đồng và đợt 2 là 50 tỉ đồng nhằm dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trước và trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011.
|
Hàng bình ổn giá nằm “khiêm tốn” trong Cty CP Thương mại Cầu Giấy (Ảnh: M.N).
|
Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, trong năm 2010 đã triển khai được hơn 400 điểm bán hàng bình ổn giá. Tuy nhiên, những điểm bán hàng bình ổn giá này vẫn chủ yếu tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành. Khu vực ngoại thành – nơi tập trung nhiều đối tượng thu nhập thấp thì ít được hưởng lợi từ chương trình này.
Đối với việc niêm yết giá, kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành cho thấy vẫn còn nhiều đơn vị chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy định này. Một số đơn vị còn bán cao hơn giá cam kết đối với các mặt hàng thuộc diện bình ổn khoảng 10-16%, riêng đối với mặt hàng rau có thời điểm giá bán cao hơn 50% so với giá đăng ký. Bên cạnh đó, không ít điểm bán hàng còn bày bán hàng bình ổn lẫn với hàng không thuộc nhóm bình ổn gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Lý giải về việc các điểm bán hàng bình ổn đều phải bán hàng hoá với giá cao hơn so với mức đăng ký ban đầu, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng, tại thời điểm DN đăng ký giá thì đầu vào ở mức thấp. Ví dụ như mặt hàng dầu ăn, thực phẩm đông lạnh giá tăng từ 3-7% so với giá đăng ký. Giá cả liên tục biến động khiến các DN buộc phải tăng theo.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Cty CP Nhất Nam với hệ thống Siêu thị Fivimart, DN thuộc diện được vay vốn với lãi suất 0% để bán hàng bình ổn giá, cho biết: “Sau Tết giá thịt bò các nhà cung cấp bán cho Fivimart đã tăng 4%. Vì vậy, siêu thị phải chấp nhận lỗ để tiếp tục giữ giá bán như trong Tết. Nhưng nếu giá đầu vào tăng quá cao thì các điểm bình ổn cũng không thể bán với giá thấp mãi”.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành TCty Thương mại Hà Nội cũng cho rằng, giá cả trên thị trường liên tục biến động nên DN rất khó có thể giữ nguyên như mức giá đã được đăng ký từ trước.
“Kìm” giá bằng cách nào?
Tại Hội nghị triển khai công tác bình ổn giá năm 2011 do Sở Công thương TP.Hà Nội tổ chức ngày 16.2, đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm tìm ra biện pháp hữu hiệu để “kìm” giá khi thị trường có biến động. Đại diện Cty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp đề xuất đưa thêm 4 nhóm hàng bình ổn là: Hoa, chè, rượu bia và sữa vì những mặt hàng này nhu cầu khá cao, đặc biệt là trong dịp Tết.
Cũng có ý kiến cho rằng cần phải hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất để “kìm” giá ngay từ đầu vào. Đại diện Cty CP Nhất Nam, bà Vũ Thị Hậu cho rằng: Sở Công thương Hà Nội và UBND Thành phố cần cân nhắc hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất để “kìm” giá ngay từ đầu vào. Bởi theo bà Hậu, giá hàng nhập vào ổn định thì các DN bán lẻ mới đảm bảo được giá bán ổn định theo đúng như cam kết.
Bà Hậu cũng cho rằng, quy định phải đăng ký giá đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng bình ổn sẽ rất “vướng”, vì mỗi khi muốn tăng giá DN sẽ phải trình với UBND Thành phố về phương án giá mới. Điều này không chỉ kéo thời gian mà còn làm DN mất đi sự chủ động trong kinh doanh. Do vậy, thay vào đó nên cho phép DN tự chịu trách nhiệm về mức giá bán ra, miễn sao mức giá này đảm bảo thấp hơn so với giá thị trường khoảng 10% như cam kết.
Ông Nguyễn Văn Đồng, cho biết: Sở Công thương sẽ kiến nghị với UBND TP.Hà Nội tiếp tục chương trình bán hàng bình ổn giá và đưa hàng về nông thôn trên cơ sở xây dựng, tính toán phương án cụ thể cho chương trình bình ổn kéo dài cả năm 2011. Tiến hành khảo sát thị trường để đưa ra các quy định cụ thể đối với các hàng hoá thuộc các nhóm cần bình ổn, cũng như có thể tăng hoặc giảm số lượng các nhóm này để người tiêu dùng có thể được hưởng lợi nhiều nhất.
Minh Nhật / Lao Động
Bình luận (0)