Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chương trình bình ổn giá phát huy tác dụng

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2010 tăng 0,06% so với tháng trước. Đây là mức tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay. Thành công đó có sự đóng góp quan trọng của chương trình chường bình ổn giá tại các địa phương. Đó là đánh giá của Tổ điều hành thị trường trong nước họp ngày 28/7.

Tháng 7, giá tiêu dùng tăng thấp nhất
Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, trong tháng 7, một số hàng hóa thiết yếu nhập khẩu có xu hướng tăng giá, như đường kính, phân bón, thức ăn chăn nuôi, phôi thép, bột giấy…). Trong nước, thời tiết đang trong mùa mưa bão, 2 cơn báo số 1 và 2 liên tiếp diễn ra đã đem gây một số thiệt hại đến đời sống sản xuất của người dân. Tại một số thành phố lớn, nơi tập trung các trường đại học, giá cả các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng cao trong các đợt thi đại học, cao đẳng.

Trong khi ở Hà Nội, nhu cầu, giá cả các mặt hàng rau tươi, thực phẩm tươi sống trong 2 ngày mưa bão có nhích lên, tác động tăng CPI thì bất ngờ là CPI tháng 7 của TP. Hồ Chí Minh tăng ở mức thấp (0,09%) so với tháng trước nên đã góp phần kiềm chế CPI cả nước ở mức 0,06%.
Theo Tổ điều hành thị trường, đây không những là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay mà còn là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm trở lại đây (năm 2006: tăng 0,5%; 2005 tăng 0,4%; 2007 là 0,94%; 2008: 1,13%; 2009: 0,52%). Như vậy CPI có xu hướng giảm dần.
Thành công trong kiềm chế lạm phát trước hết là do các biện pháp kiềm chế lạm phát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là các chương trình bình ổn thị trường tại một số tỉnh, thành phố lớn đã bước đầu phát huy tác dụng. Nhất là TP. Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện chương trình bình ổn từ 21/6 với 8 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho đến hết tháng 3 năm 2011.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết: TP. HCM đã triển khai gần 1.900 điểm bán hàng bình ổn giá, đã giải ngân được 46 tỷ đồng/800 tỷ đồng. Các điểm bán bình ổn đều có giá thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%. Và từ 26/7 đến 31/10, Sở Công thương TP.HCM triển khai chương trình bình ổn giá mặt hàng phục vụ cho học sinh trước thềm năm học mới cung ứng 10 triệu quyển tập, 400.000 cặp xách, ba lô, túi xách học sinh, 300.000 bộ đồng phục học sinh với giá bán thấp hơn ít nhất 15% so với giá thị trường. 
Ông Hồ Quốc Khánh- Sở Công Thương Hà Nội- cũng cho biết: Hà Nội đã quyết định hỗ trợ 350 tỷ đồng lãi suất 0% cho 13 doanh nghiệp triển khai bán hàng bình ổn giá. Việc triển khai tốt chương trình bình ổn sẽ bảo đảm sự chủ động hàng hóa, hạn chế tình trạng khan hàng sốt giá cũng như góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá trên thị trường. 
Tăng cường kiểm soát thị trường 

Ông Trương Quang Hoài Nam- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương, Tổ phó Tổ điều hành thị trường trong nước- cho biết, trong tháng 7, một số mặt hàng như thép xây dựng, đường ăn, sữa, giấy và thuốc tân dược… có xu hướng tăng giá, vì thế Tổ điều hành đề nghị Chi cục Quản lý thị trường các địa phương phối hợp với các ban ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá đối với những mặt trên nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bất hợp lý… 

Tổ điều hành đề nghị các Sở Công Thương giám sát các DN đã tham gia chương trình bình ổn bán mặt hàng đường kính theo đúng giá bình ổn. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thực tế lượng hàng tồn kho tại các nhà máy đường, có hình thức xử lý đối với các nhà máy lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. 
Nhưng theo bà Mai- đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hiện nay còn khoảng 300.000 tấn, cao hơn so với cùng kỳ năm 2009 là 36.000 tấn, đủ đáp ứng nhu cầu đường trong tháng 8. Hơn nữa, lượng tiêu thụ đường trong tháng 7 cũng cao hơn tháng trước 23.000 tấn, điều đó chứng tỏ không có hiện tượng găm hàng. Trong lúc giá đường thế giới không cao như trước, lượng đường dự trữ còn dồi dào, và mới đây Bộ Công Thương cho phép nhập khẩu thêm 100.000 tấn đường ngoài hạn ngạch để bình giá thì việc tăng giá đường như vừa qua chủ yếu bởi tác động tâm lý bởi tuyên truyền chưa chính xác. Bà Mai đề nghị giám sát chặt tiến độ nhập khẩu đường thương mại, tránh hiện tượng nhập về chậm không còn tác dụng bình ổn giá. 
Tại cuộc họp Tổ điều hành, có ý kiến cho rằng, giá thép gần đầy tăng nhanh, vì thế cần tạm thời dỡ bỏ việc cấp phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng thép đã quy định. 
Phản bác lại ý kiến trên, ông Nguyễn Tiến Nghi- Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam- cho rằng: Trong tháng 6/2010, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng đều bị lỗ. Sang tháng 7, giá phôi, giá phế liệu đều tăng lên nên buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá thoát lỗ. Nếu tính theo giá bán của các nhà sản xuất thì giá thép tăng không nhiều, khoảng 300.000- 500.000 đồng/tấn, việc tăng giá bất hợp lý chủ yếu do các doanh nghiệp thương mại tư nhân. Theo ông Nghi, việc áp dụng cấp phép tự động một số mặt hàng thép mới thực hiện từ 15/7, thị trường chưa có biến động lớn nên chưa cần rút cấp phép tự động. 
Bà Lương Ánh Quỳnh- Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương và ông Nguyễn Văn thắng- chuyên viên Vụ Công nghiệp nặng- cũng đồng ý với ý kiến của ông Nghi. Ông Thắng cho rằng, hiện nay lượng thép nhập khẩu, nhất là thép cuộn tràn vào Việt Nam rất nhiều, thị phần thép cuộn trong nước chỉ còn lại 18%, vì thế vẫn cần áp dụng biện pháp cấp phép tự động. 
Ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho biết, từ đầu năm đến nay lượng thịt tươi sống nhập khẩu vào Việt Nam tăng lên 5 lần so với tổng lượng nhập năm 2009, trong lúc nguồn cung thịt tươi trong nước còn chưa tiêu thụ hết. Điều đó ảnh hưởng đến người nông dân và việc phát triển đàn gia súc, gia cầm. 
Tại cuộc họp cũng dấy lên ý kiến cần kiểm soát đối với mặt hàng sữa và thịt gia súc nhập khẩu. Đại diện Bộ Nông nghiệp cho rằng, Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cần quản lý giá nhập khẩu một số loại sữa để nắm rõ việc nâng giá bán sữa từ đâu. 

Cùng chung ý kiến đó, bà Nga- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính- phát biểu: Các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước cần quan tâm đến việc quản lý giá tân dược và giá sữa, nhất là sữa nhập khẩu. Giá nhiều mặt hàng sữa nhập khẩu bán lẻ trong nước vẫn tiếp tục đứng ở mức cao. Vì thế, nên chăng công khai giá sữa nhập khẩu để hiểu rõ khâu nào tăng giá bất hợp lý? Cần tăng cường kiểm soát giá sữa trên thị trường và nêu cụ thể nhà nhập khẩu nào, nhà sản xuất nào, cửa hàng nào… tăng giá. Bà Nga cũng cho rằng, giá thuốc tân dược trên thị trường vẫn tương đối bình ổn nhưng chúng ta không thể chủ quan, cần tăng cường kiểm soát giá thuốc, nhất là giá thuốc bệnh viện. 

Thị trường tháng 8 vẫn ổn định 
Các thành viên trong Tổ điều hành phân tích, trong tháng 8 giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường đã bắt đầu có xu hướng tăng do tác động của giá thế giới, do tính mùa vụ cũng như ảnh hưởng của mùa mưa bão khiến một số mặt hàng thực phẩm và vật liệu xây dựng tại các vùng bão lũ có sự tăng giá cục bộ. 
Tuy nhiên, sản xuất đã ổn định trở lại khi việc cung ứng điện đã qua giai đoạn căng thẳng, nguồn cung hàng hóa bảo đảm, với việc tích cực triển khai chương trình bình ổn giá tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai… và việc chủ dộng có các phương án phòng chống, hỗ trợ thiên tai của các địa phương, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết… nên dự báo giá tiêu dùng trong tháng 8 sẽ chỉ tăng nhẹ.

 

Nguồn NOIT

 

Bình luận (0)