Ngày 12-8, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM, Sở Công Thương và các sở, ban ngành về chương trình bình ổn thị trường năm 2011.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết qua bốn tháng thực hiện chương trình bình ổn thị trường, lượng hàng bình ổn chiếm 20%-30% thị phần trong những tháng thường và 30%-40% thị phần trong mùa tết. Dù giá cả ở nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm, giá trứng có nhiều biến động nhưng các doanh nghiệp (DN) đã chủ động có kế hoạch tạo nguồn hàng, chủ động tăng lượng nguồn hàng cung ứng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết hiện nay tình hình dịch bệnh, thời tiết có nhiều biến động, nếu không chuẩn bị nguồn hàng thì không nói đến bình ổn thị trường. Với các chương trình bình ổn, mỗi chương trình đều thể hiện sự gắn kết hỗ trợ lẫn nhau giữa các DN cũng như khuyến khích các DN có đủ nguồn hàng, lượng hàng cung cấp cho thị trường không chỉ những tháng thường mà cả những tháng đột biến đều phải có nguồn hàng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá chương trình bình ổn TP.HCM từ khởi đầu là riêng của TP.HCM nhưng giờ đây trở thành chương trình của toàn quốc. Chính phủ nâng cấp thành chương trình mới, giao cho Bộ Công Thương xây dựng cơ chế chính sách để tạo cơ chế dự trữ hàng hóa trong nhóm thiết yếu để đảm bảo cung cầu bình ổn không để thiếu hàng gây thiếu hàng sốt giá. TP.HCM đã thành công khi xây dựng tiêu chí rõ ràng minh bạch của các DN khi tham gia. Cũng như lựa chọn nhóm hàng bình ổn rất thiết thực khi phát triển luôn gắn chặt với đối tượng được thụ hưởng. Thêm nữa là việc lựa chọn DN tham gia là quan trọng nếu không đúng thì sẽ không thành công được. Và vai trò của các lãnh đạo sở, ban ngành cũng đáng hoan nghênh.
TÚ UYÊN / Pháp luật
Bình luận (0)