Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chương trình đào tạo tiên tiến như “ngôi sao cô đơn”

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là ví von từ người đứng đầu ngành giáo dục khi ông đến tham dự Hội nghị tổng kết đào tạo theo chương trình tiên tiến giai đoạn 2006 – 2016, được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 30-12 tại Hà Nội.
Chương trình đào tạo tiên tiến như “ngôi sao cô đơn”
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (giữa) trao đổi với các đại biểu ngoài lề tại Hội nghị tổng kết đào tạo theo chương trình tiên tiến – Ảnh: Nam Trần

Tại hội nghị, nhiều ý kiến không chỉ dừng lại ở câu chuyện của chương trình tiên tiến, mà còn dành tâm huyết cho mục tiêu xa hơn là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

“Thước Việt Nam đo được, nhưng không tin được”

10 năm chương trình tiên tiến triển khai trong các trường ĐH, Bộ GD-ĐT đánh giá hoàn thành 6/7 mục tiêu đặt ra. Mục tiêu duy nhất chương trình không đạt được là trao đổi sinh viên quốc tế. Kế hoạch đặt ra phải thu hút được 3.000 sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập, thực tập nhưng sau 10 năm, con số này chỉ đạt khoảng 2.000 sinh viên.

Theo nhiều trường, ngoài chất lượng đào tạo thì điều gây cản trở chính cho việc thu hút sinh viên quốc tế chính là các trường ĐH Việt Nam chưa tạo được môi trường quốc tế hóa đồng bộ.

GS Lương Công Nhớ – hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam – cho biết để tạo môi trường học tập mang tính quốc tế, trường đã chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đặc biệt về trình độ ngoại ngữ. Trường đã đặt ra lộ trình cho các giảng viên trong ba năm phải đạt trình độ ngoại ngữ 6.0 IELTS, nếu không đạt sẽ buộc thôi việc. Đến nay, trường đã cho thôi việc 38 giảng viên vì không đạt tiêu chuẩn này.

Lý giải về việc dùng chứng chỉ ngoại ngữ của quốc tế để chuẩn hóa chứ không phải của Việt Nam, GS Nhớ lý giải: “Thước đo của Việt Nam đo được, nhưng không tin được”.

Cũng nói về cách công nhận trình độ ngoại ngữ, ông Phan Quang Thế, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp – ĐH Thái Nguyên, cho rằng chuẩn tiếng Anh không nên dựa theo khung của Việt Nam. “Tôi đề nghị bằng B1, B2 của mình nên bỏ đi và quốc tế hóa hết. Vì bản thân các thầy cô giáo không trung thực, đi mua bán bằng B1, B2 thì dạy ai trung thực?” – ông Thế nói.

Dù ghi nhận ý kiến của các đại biểu nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn cho rằng cần xem lại một số điểm. Theo ông Nhạ, không nên câu nệ một cách tuyệt đối cứ của quốc tế là tốt. “Tôi vẫn có niềm tin vào chính thầy cô giáo của mình” – ông Nhạ nói.

Không đầu tư để cung cấp nhân lực cho nước ngoài

GS Nguyễn Hữu Tú – phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội – kể chương trình tiên tiến đào tạo điều dưỡng của trường đã đạt kết quả đặc biệt khi sinh viên tốt nghiệp đạt trình độ tiếng Đức như yêu cầu, rồi vừa học vừa làm sáu tháng ở Đức đã được nhận bằng điều dưỡng của CHLB Đức, có thể làm việc suốt đời ở châu Âu.

Ông Tú dẫn chứng ngay hệ bác sĩ được đào tạo tại Trường ĐH Y Hà Nội, rồi học nội trú, sau đó sang Pháp tiếp tục học nhưng cũng phải mất 10 năm mới có thể có bằng bác sĩ tương đương ở Pháp. Hiện chương trình tiên tiến điều dưỡng của trường đã ký thỏa thuận với các đối tác CHLB Đức và chuẩn bị cho 39 sinh viên tốt nghiệp học tiếng Đức, để làm việc tại các bệnh viện nước Đức.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Nhạ, điều này cần phải xem lại vì một chương trình đào tạo chất lượng cao, học phí chỉ 20 triệu đồng là quá thấp, chưa kể “cuối cùng sinh viên lại đi Đức làm việc cả”. “Điều kiện trong nước còn khó khăn, mà tiền đầu tư của Nhà nước cuối cùng lại đào tạo nguồn nhân lực để đi nước ngoài hết thì phải cân nhắc” – bộ trưởng nói.

GS Nguyễn Quý Thanh – giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội – cũng cho rằng phải tránh tình trạng xem chương trình tiên tiến là bước đệm đi học nước ngoài. Về tổng thể, đó là xu hướng dịch chuyển tốt nhưng trong điều kiện Việt Nam không có nhiều tiền, mà một chương trình đầu tư không ít tiền thì mục tiêu cuối cùng chính là nguồn nhân lực được đào tạo phải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam, như thế mới được xem là hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Nhạ cho rằng giai đoạn đầu có thể chấp nhận chuyện sinh viên từ chương trình tiên tiến đi du học nhưng sắp tới, nguồn lực chất lượng cao phải được đào tạo để phục vụ thị trường Việt Nam chứ không phải để đi làm ở nước ngoài.

Nghèo nên không thể… tiêu hoang

Nhận định về báo cáo của các trường, Bộ trưởng Nhạ cho rằng còn thiếu vắng những phân tích, dự báo thị trường một cách nghiêm túc, khiến chương trình tiên tiến gần như là “ngôi sao cô đơn” và bị lịm dần theo các chương trình khác. “Thời mà nhiều trường thực hiện, chương trình tiên tiến giống như ngôi sao. Nhưng bẵng đi một thời gian, tiêu hết tiền thì không được duy trì đúng mức, lại bị mờ đi so với các chương trình khác” – ông Nhạ ví von.

“Trước đây, chương trình tiên tiến có hiện tượng tiền đưa về một cục, đến đợt đi nước ngoài, người đáng đi thì không đi vì nhiều lý do, có khi trường lại cho người khác đi dù chẳng biết để làm gì. Đi một mình thì chán nên rủ thêm vài người đi, cho thêm cô thư ký đi cho đầy đủ… Nghèo mà tiêu hoang, rồi tính hết vào tiền tiên tiến” – ông Nhạ trăn trở.

Ông Nhạ cho rằng cần thiết kế đề án mới với sứ mạng mới là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải chỉ tạo nguồn lực phát triển cho bản thân các trường ĐH như trước. Với cách làm này, cả trường công và tư đều sẽ bình đẳng trong tiếp cận đầu tư.

Theo ông Nhạ, đầu tiên các trường phải rà soát chương trình đào tạo hiện có, đồng thời phân tích nhu cầu thị trường, bám sát xu hướng nền kinh tế từ “thâm dụng lao động giá rẻ” sang “thâm dụng khoa học – công nghệ cao”, chọn ra những ngành trọng điểm mà thị trường lao động 5-10 năm nữa thật sự cần để đầu tư phát triển.

Nếu các chương trình đào tạo trúng với danh mục của đề án thì thuận lợi trong đầu tư, nhưng nếu không trúng thì cũng không nên buông bỏ. Tiếp theo, phải xác định phát triển các ngành theo thứ tự ưu tiên, có thể tách ra thành đơn vị độc lập trong trường để khẳng định thương hiệu, tránh việc vàng thau lẫn lộn.

Đặc biệt, ông Nhạ đề nghị các trường tiến cử chuyên gia để thành lập một mạng lưới chuyên trách trong xây dựng đề án mới, kịp trình Chính phủ trong quý 1-2017 chứ không phụ thuộc vào cán bộ cục, vụ như cách làm lâu nay.

Khắt khe hơn với nghiên cứu, số đề tài giảm còn… 1/10

Theo ông Phan Quang Thế – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp – ĐH Thái Nguyên, nghiên cứu khoa học ở trường ĐH chưa thật sự chất lượng.

Bằng chứng là khi triển khai chương trình tiên tiến, Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp – ĐH Thái Nguyên đặt ra yêu cầu: “Anh làm khoa học, ra sản phẩm; tôi đến nghiệm thu, ấn nút máy phải chạy, phải có công bố quốc tế. Nếu không, anh đừng nói nghiệm thu”.

“Tuy nhiên khi thực hiện như vậy, trong ba năm trời số đề tài nghiên cứu khoa học của trường chỉ còn 10% so với trước, đủ thấy năng lực giảng viên của chúng ta như thế nào!” – ông Thế nói.

Theo Ngọc Hà

Bình luận (0)