Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần 10 -15 tỷ USD mỗi năm để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng nguồn lực chỉ đáp ứng được từ 7 – 8 tỷ USD.
Chương trình thí điểm đầu tư theo hình thức “Đối tác công-tư” (PPP) vừa được Chính phủ công bố triển khai, theo Quyết định 71. Việt Nam sẽ tạo dựng một thị trường PPP có quy mô từ 70 – 80 tỷ USD trong 10 năm tới. Theo lộ trình thực hiện từ 3 – 5 năm tới, các dự án tập trung vào lĩnh vực giao thông – vận tải, y tế, năng lượng…
Thí điểm sẽ thu hút nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước cho phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ công. Nguồn vốn được huy động theo nguyên tắc không dẫn đến nợ công. Các nhà đầu tư cạnh tranh công bằng, theo luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế…
Chương trình áp dụng theo cơ chế mở, dựa trên tư vấn của các chuyên gia để lựa chọn những dự án tốt nhất và thông qua quy trình đấu thầu cạnh tranh, minh bạch để lựa chọn các nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ cần làm việc với cơ quan đầu mối để ký hợp đồng. Tổng thời gian chuẩn bị cho một dự án mất khoảng 2 năm rưỡi, thay cho khoảng 4 năm như trước đây, mà dự án Nghi Sơn là một ví dụ.
Nhằm tạo dựng thị trường PPP cho từng ngành, từng lĩnh vực, chương trình đã xây dựng danh mục 5 – 7 dự án để thực hiện trong những năm tới. Những dự án đủ hấp dẫn dựa trên những phân tích về tiềm năng, tỷ suất lợi tức, rủi ro, đặc biệt là sự phân bổ giữa Chính phủ và tư nhân. Chương trình không lựa chọn các dự án có tính chất một lần như dự án Phú Mỹ II, dự án Nghi Sơn.
Cùng các đối tác khác, nhóm 6 ngân hàng của ADB rất quan tâm đối với mô hình PPP. Ông Ayumi Konisi, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, cho hay, ADB đang cân nhắc đầu tư 340 triệu USD cho Quỹ hỗ trợ phát triển châu Á – ADF. Việc Việt Nam triển khai thí điểm các dự án PPP thời điểm này là đúng lúc và kịp thời.
Đón nhận cơ hội đầu tư mới, nhưng ông Konisi cho rằng: “nên thực tế trong công việc”. Các bộ chủ quản Việt Nam đã thực hiện một số dự án theo hình thức PPP. Triển khai Quyết định 71, chức năng của các bộ chủ quản cùng với thời gian sẽ dần thay đổi. Ông Konisi lo ngại: “sẽ vẫn có những bộ chủ quản muốn dẫn dắt một số dự án theo hướng riêng của mình”.
Xây dựng cơ sở hạ tầng thường mất nhiều năm, nhưng các dự án thí điểm lại được thiết kế trong thời gian ngắn, khoảng 18 – 24 tháng. Thí điểm các dự án dài hạn, các nhà đầu tư rất cần sự khẳng định về mặt chính sách, đảm bảo sự thu hồi vốn. Hiện, Tổ công tác liên ngành PPP đã có danh mục các dự án tiềm năng nhưng chưa có dự án mới nào liên quan đến cải tạo cơ sở hạ tầng.
Đảm bảo thành công của những dự án ban đầu là rất quan trọng. Vì vậy, cùng với kêu gọi nguồn vốn cho các dự án mới, ông Konisi tham vấn: "Việt Nam nên kêu gọi khối tư nhân đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có, để họ thấy rằng, có thể bắt đầu ngay công việc. Với các dự án có quy mô lớn trong tương lai, cần kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn từ các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, để có thể xây dựng mô hình PPP thực sự tốt".
HẢI VÂN / DNSG
Bình luận (0)