Học sinh Trường THPT Tân Phong đến với chương trình “Đúng ngành nghề – sáng tương lai” 2014 của Báo Giáo dục TP.HCM sáng 27-10
|
Ngày 27-10, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – sáng tương lai” lần VII năm 2014 đã chính thức khai mạc tại Trường THPT Tân Phong (TP.HCM) với sự tham dự của gần 1.500 học sinh (HS) thuộc 3 khối lớp 10, 11 và 12.
Năm nay, chương trình sẽ lần lượt đi qua 40 trường THPT trên địa bàn TP.HCM, giúp cho hơn 40.000 HS tiếp cận các thông tin ngành nghề, xác định năng lực, sở thích của bản thân để chọn đúng hướng đi cho mình.
Tổ chức sáng tạo, kịp thời
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, cho rằng vấn đề chọn ngành nghề không chỉ là nỗi băn khoăn của HS và phụ huynh có con em chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cuộc đời mà còn là mối quan tâm của toàn xã hội. “Chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – sáng tương lai” được tổ chức nhằm định hướng HS lựa chọn cho mình một con đường đi đúng đắn, phù hợp với năng lực, đam mê và đúng với định hướng, nhu cầu của xã hội. Với ý nghĩa đó, chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều cơ quan, trường học trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, với sự góp mặt của các chuyên viên tư vấn giàu kinh nghiệm, chúng tôi tin rằng các em HS sẽ tích lũy được nhiều thông tin hữu ích để chuẩn bị cho những lựa chọn sắp tới của mình”, ông Nguyễn Thanh Tú nói.
Ông Lâm Văn Quản, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH (Sở GD-ĐT TP.HCM), đánh giá: “Chương trình hướng nghiệp của Báo Giáo dục TP.HCM là sự sáng tạo kịp thời, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho HS đang bỡ ngỡ trước những ngã rẽ đầu tiên của cuộc đời. Việc lựa chọn đúng ngành nghề ngay từ buổi ban đầu sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển, cho sự cống hiến của các em sau này. Không chỉ riêng với lớp 12, các em HS lớp 11 khi được tiếp cận chương trình cũng sẽ có sự chuẩn bị chu đáo, xác định động cơ học tập đúng đắn và tích cực hơn”.
Cần nhiều lao động có tay nghề
ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM chia sẻ thông tin với học sinh Trường THPT Tân Phong trong ngày khai mạc chương trình
|
Năm 2013, chương trình hướng nghiệp của Báo Giáo dục TP.HCM cũng đã tổ chức trên 40 trường THPT tại TP.HCM, trong đó có Trường THPT Tân Phong. Theo thống kê của TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, trong 300 HS lớp 12 của Trường THPT Tân Phong, có 468 hồ sơ dự thi ĐH (trung bình mỗi HS 1,5 bộ), 86 hồ sơ dự thi CĐ. Nhưng đến lúc thi, chỉ có 382 lượt thí sinh thi ĐH và 59 lượt thí sinh thi CĐ. Như vậy, trường có khoảng 20% thí sinh không dự thi mà đăng ký trực tiếp vào các trường nghề, dùng kết quả THPT để đăng ký. “Theo tôi, đây là một sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp với năng lực của các em, đồng thời cũng chứng tỏ những nỗ lực của các chuyên viên tư vấn trong việc hướng nghiệp cho các em đã có những kết quả khả quan. Chương trình hướng nghiệp của báo tuy được tổ chức vào thời điểm Bộ GD-ĐT chưa ban hành quy chế chính thức về một kỳ thi quốc gia, nhưng chính điều đó sẽ giúp các em hiểu được việc chủ động tìm kiếm và thu thập thông tin về một kỳ thi quốc gia là điều hết sức cần thiết”.
Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, ước tính năm 2015, toàn quốc sẽ có khoảng 950.000 HS lớp 12 tham gia một kỳ thi quốc gia. Tâm lý của phụ huynh hiện nay vẫn thích con em đi học ĐH, CĐ khi kết thúc lớp 12. Nhưng trên thực tế, số HS có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường nghề lại cao hơn sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ. Hiện nay nhiều xí nghiệp, công ty, tập đoàn liên doanh với nước ngoài rất “khát” lao động có tay nghề, nhất là tay nghề cao.
Đồng ý với ý kiến này, ông Trần Anh Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, phân tích: Nhu cầu nhân lực trong giai đoạn 2015 đến 2025 sẽ cần khoảng 27.000 lao động/năm. Trong đó, lao động có trình độ ĐH chiếm 12%, CĐ 13%, TC nghề 34%, sơ cấp nghề 14%. Nhóm ngành cần nhiều nhân lực là điện tử – công nghệ thông tin (16.200 người/năm), chế biến thực phẩm, hóa chất – nhựa cao su (10.800 người/năm), cơ khí (8.100 người/năm). Đặc biệt, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến ra đời cuối năm 2015 sẽ đặt người lao động Việt Nam trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Các nước thành viên tham gia sẽ phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động, Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh với lao động thuộc các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, dệt may, chế biến thực phẩm. Nhu cầu việc làm cần tay nghề trung bình cũng sẽ tăng 28% so với thực tại.
“Như vậy, những đối tượng theo học các ngành hệ TC, CĐ nghề sẽ không phải băn khoăn trước vấn đề việc làm trong tương lai. Tuy nhiên, để đáp ứng được những cơ hội và thách thức khi gia nhập AEC, lao động Việt Nam cần trang bị cho mình những kỹ năng khác ngoài chuyên môn như ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm… Đây cũng là điểm yếu của lao động Việt Nam tại thời điểm hiện nay. Chính các em HS đang có ý định theo học các trường CĐ, TC nghề sẽ là những nhân tố tích cực thay đổi thực trạng và quan điểm của quốc gia về lao động có tay nghề tại Việt Nam”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Tâm lý của phụ huynh hiện nay vẫn thích con em đi học ĐH, CĐ khi kết thúc lớp 12. Nhưng trên thực tế, số HS có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường nghề lại cao hơn sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ. |
Bình luận (0)