Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chương trình GDPT: Chú trọng kiến thức, học sinh chưa phát huy năng lực

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tuần qua, Báo Giáo dục TP.HCM đã phối hợp với Phòng GD-ĐT Q.7 tổ chức Hội thảo khoa học Đổi mới trường học theo hướng tiếp cận phát triển năng lực góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tại đây, các nhà khoa học, quản lý giáo dục đã chỉ rõ nhiều hạn chế trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành và góp ý kiến để đổi mới phương pháp giảng dạy, cách thi cử đánh giá…  nhằm giúp giáo viên nâng cao năng lực dạy học theo hướng tiếp cận.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT thành phố phát biểu tại hội thảo

“Giá trị gia tăng” chương trình GDPT gần như không có

Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM. TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “So sánh các kết quả đối chiếu thứ tự xếp hạng các trường THPT ở TP.HCM theo điểm xét tuyển vào lớp 10 và điểm 3 môn thi ĐH của trường đó vào 3 năm sau cho thấy do chỉ đánh giá người học trên điểm thi các môn văn hóa truyền thống, kết quả đầu vào lớp 10 và kết quả đầu vào ĐH 3 năm sau đó gần như không thay đổi. Nói cách khác, “giá trị gia tăng” của chương trình giáo dục ở bậc phổ thông gần như không có. Hiện tượng này khẳng định bản chất “tiếp cận nội dung, kiểm tra kiến thức” chứ chưa đánh giá được năng lực thực của người học”. Nói về lý do dẫn đến điều này thì “Trong 3 năm học THPT, vì mục tiêu của HS, nói đúng là mục tiêu của phụ huynh là muốn con vào ĐH, CĐ nên mục tiêu của nhà trường là làm sao để HS đạt điểm cao nhằm xét tuyển vào ĐH, CĐ. Cho nên các em trưởng thành như thế nào, thể lực cao to hơn thì lại không đánh giá, thậm chí nhiều phụ huynh ở Trường THPT Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) còn xin miễn học thể dục cho con với lý do là bệnh nhưng thực tế lại đi học thêm”, TS. Nghĩa cho hay.

Theo nhiều đại biểu phân tích, một trong những lý do khiến “giá trị gia tăng” chương trình GDPT hiện hành hầu như không có là do chương trình còn coi trọng truyền đạt kiến thức và nặng về lý thuyết, nặng dạy chữ, chưa chú trọng dạy người, kiến thức hàn lâm, chưa đảm bảo tính sư phạm, ít tích hợp và phân hóa…

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đề nghị: “Đây là hội thảo rất hay và có nhiều ý nghĩa. Phòng GD-ĐT các quận huyện nên khai thác, trên nền tảng hội thảo này có thể tiếp tục triển khai luân phiên”.

Trong khi đó, xã hội lại ngày càng phát triển, đòi hỏi người lao động không chỉ nắm vững kiến thức mà còn là năng lực thực hành, thực tế. Ông Ngô Xuân Đông, Trưởng phòng GD-ĐT Q.7 cho rằng: “Xã hội hiện nay đòi hỏi người có học vấn hiện đại không chỉ có khả năng lấy ra từ các tri thức sôi động có sẵn để lĩnh hội ở các nhà trường phổ thông mà còn phải có khả năng tự chiếm lĩnh, sử dụng các tri thức mới một cách độc lập, khả năng đánh giá các sự kiện, các tư tưởng, các hiện tượng mới một cách thông minh, sáng suốt. Nội dung học tập phải góp phần quan trọng để phát triển hứng thú và năng lực nhận thức của HS, cung cấp cho HS những kiến thức cần thiết cho việc tự học và tự bồi dưỡng sau này”.

Tập trung hoạt động thực hành, trải nghiệm

Giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển năng lực HS là xu thế thời đại, xuất phát từ nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực không chỉ biết, hiểu mà phải làm được, làm tốt. Phát triển năng lực là một định hướng cốt lõi trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT ở nước ta hiện nay. Vậy nhưng, để giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển năng lực cho HS thì nhà trường phải làm như thế nào?

PGS.TS Phạm Minh Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh chia sẻ: “Đổi mới chương trình GDPT vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với GDPT. Khi chương trình GDPT đã được đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực HS thì phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá và các yếu tố khác cũng phải đổi mới đồng bộ”. Ông Hùng nhấn mạnh: “Khi triển khai chương trình GDPT mới, nhà trường cần tập trung tổ chức hoạt động thực hành, trải nghiệm sáng tạo, vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn cho HS. Qua đó, sẽ chuyển kỹ năng, thái độ thành năng lực thực tế cho các em”.

Trong khi đó, TS. Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Sài Gòn đưa ra 3 yêu cầu cụ thể để thực hiện đổi mới trường học theo hướng tiếp cận năng lực là đổi mới chương trình sách giáo khoa, đổi mới phương pháp đào tạo và đổi mới đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực, chú trọng phát triển năng lực HS. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng sẽ gặp một số khó khăn. Vấn đề khó khăn là khi đổi mới đánh giá, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên chưa được trang bị một cách có hệ thống, có tính định lượng mà vẫn đánh giá theo định tính, vẫn còn bảo thủ trong đánh giá nên khi tiếp cận đánh giá mới lại thấy phức tạp. Trong khi đó, chương trình đào tạo giáo viên theo hướng đổi mới này ở các trường sư phạm đã có, Bộ GD-ĐT cũng đã có chương trình nhưng triển khai còn chậm”, TS. Mỵ Giang Sơn chia sẻ.

Trước tình hình này, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP cho rằng: “Ngoài việc chờ đợi các chương trình tập huấn từ Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và các phòng GD-ĐT thì giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường cần chủ động tìm tài liệu nghiên cứu, học hỏi thêm để thực hiện một cách hiệu quả nhất”.

Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)