Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chương trình giáo dục chính trị còn nặng nề!

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù có một số ưu điểm nhưng chương trình giáo dục chính trị ở các trường ĐH sư phạm hiện nay vẫn có những hạn chế thấy rõ nên chưa đáp ứng được mục tiêu đổi mới giáo dục, chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang cách tiếp cận năng lực và phẩm chất của người học.

Xa rời thực tiễn cuộc sống

Trước hết đánh giá về nội dung, chương trình còn mang tính kinh viện, hàn lâm với những lý luận trừu tượng và chưa bám sát được thực tiễn nóng bỏng của thời đại và đất nước. Do nặng về giáo dục chính trị nên chương trình nhẹ về giáo dục đạo đức, pháp luật và kỹ năng sống. Các kiến thức trọng lý thuyết nhẹ thực hành, ít liên hệ thực tiễn với cuộc sống của bản thân và đất nước. Chẳng hạn trong chương trình, các học phần về các tác phẩm kinh điển, về lịch sử triết học, lịch sử các học thuyết về kinh tế, lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa… vẫn chiếm thời lượng lớn.

Bên cạnh đó, nội dung chương trình chưa chú trọng đến việc xây dựng và bồi dưỡng năng lực khoa học và phẩm chất sư phạm cho người học, chưa cập nhật được những thay đổi của đất nước và thời đại. Đáng nói hơn, nhiều nội dung trong các học phần còn có sự trùng lặp, khối lượng kiến thức các môn học quá lớn mà thời lượng lại không nhiều, trong khi việc tự học của người học lại chưa được phát huy. Điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của việc dạy các môn học này.

Muốn làm mới bài giảng, người thầy cần phải cập nhật những vấn đề nóng của xã hội. Trong ảnh là tiết dạy môn GDCD của thầy Trần Tuấn Anh (GV Trường THCS Bạch Đằng, Q.3). Ảnh: Anh KHôi

Cũng cần nói thêm, nguồn kinh phí đầu tư riêng cho việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục chính trị còn khiêm tốn trong khi đội ngũ giảng viên phải dạy nhiều giờ. Vì thế đội ngũ giảng viên ít có sự đầu tư nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những công trình nghiên cứu về đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình chuyên ngành giáo dục chính trị. Từ thực trạng trên, rõ ràng việc đổi mới chương trình giáo dục chính trị đang được đặt ra một cách bức thiết.

Gia tăng tính nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm

Do mục tiêu đào tạo của trường sư phạm là phát triển các năng lực khoa học và phẩm chất sư phạm cho những giáo viên tương lai nên chương trình, giáo trình của trường sư phạm cần phải gắn kết với chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Điều này có nghĩa là phải dạy những cái gì để sau này sinh viên có thể vận dụng dễ dàng trong công việc giáo dục (dạy học) của mình. Vì thế chương trình phải được xây dựng theo cách tiếp cận phát triển năng lực khoa học (tư duy, nghiên cứu, tự chủ, sáng tạo) và phẩm chất sư phạm (ứng xử, giao tiếp, tổ chức thực hiện) của những người thầy tương lai. Như vậy, chương trình không chỉ khắc phục tính hàn lâm mà còn cần phải gia tăng tính nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm cho sinh viên. Mặt khác, chương trình cũng cần đảm bảo tính tích hợp và tính phân hóa trong các môn học. Từ đó sẽ rút gọn được những môn học không thực sự quan trọng vốn xa rời thực tiễn cuộc sống. Đồng thời bổ sung thêm những môn học thiết thực, nhất là hình thành các môn học mang tính tích hợp, tránh sự trùng lắp, chồng chéo giữa các môn. Bên cạnh đó phải phối hợp giáo dục chính khóa với giáo dục ngoài giờ, coi trọng nghiên cứu thực tế của sinh viên. Ngoài ra cần kết hợp truyền bá kiến thức với quá trình rèn luyện hoạt động thực tiễn của sinh viên. Đồng thời bổ sung thêm nội dung về rèn luyện phẩm chất đạo đức, coi kết quả rèn luyện phẩm chất đạo đức như là một trong những nội dung học tập.

Để làm mới bài giảng, người thầy phải liên tục cập nhật những vấn đề mới của thời đại, những thành tựu khoa học của nhân loại, những vấn đề thực tiễn xã hội nhằm làm phong phú thêm cho nội dung chương trình. Khi xác định mục tiêu của từng học phần cần nhấn mạnh mục tiêu kỹ năng, trong đó trang bị kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng giảng dạy cho sinh viên thông qua từng học phần, chứ không chỉ là nội dung của các học phần về phương pháp giảng dạy, thực hành sư phạm.

TS. Nguyễn Ngọc Khá

(Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Mục tiêu đào tạo của trường sư phạm là phát triển các năng lực khoa học và phẩm chất sư phạm cho những giáo viên tương lai nên chương trình, giáo trình của trường sư phạm cần phải gắn kết với chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

 

Bình luận (0)