Học tập kinh nghiệm của thế giới là rất quan trọng, song việc thiết kế chương trình giáo dục mầm non mới phải phù hợp, khả thi với triển khai thực tế tại Việt Nam về điều kiện, mức sống, đội ngũ giáo viên…
Giáo viên Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP.Thủ Đức) hướng dẫn trẻ học cách làm món khoai lang chiên
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh điều này tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục mầm non” do Bộ GD-ĐT tổ chức tuần qua. Đây là một trong những hoạt động quan trọng để chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới.
Phải phù hợp thực tiễn nước ta
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2009, chương trình giáo dục mầm non được Bộ GD-ĐT ban hành và thực hiện trên toàn quốc. Hơn 10 năm qua, quá trình triển khai chương trình giáo dục mầm non đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho giáo dục phổ thông đạt được những kết quả tốt.
Trước yêu cầu cao hơn, xa hơn của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, khi bắt tay xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới, Bộ GD-ĐT mong muốn lắng nghe kinh nghiệm từ thực tiễn, khuyến cáo của các chuyên gia để việc xây dựng đạt mục tiêu đặt ra.
Bộ trưởng đề nghị nhóm biên soạn tiếp tục đánh giá, khảo sát sâu hơn đối với chương trình giáo dục mầm non hiện hành, tiếp thu ý kiến từ giáo viên (những người trực tiếp triển khai chương trình) về những thuận lợi, vướng mắc.
Cô trò Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP.Thủ Đức) trong một giờ học
Cho rằng học tập kinh nghiệm của thế giới là rất quan trọng song Bộ trưởng cũng lưu ý, việc thiết kế chương trình phải phù hợp, khả thi với triển khai thực tế tại Việt Nam về điều kiện, mức sống, đội ngũ giáo viên… Bộ trưởng gợi mở một số nguyên tắc khi xây dựng chương trình như: Kế thừa chương trình cũ, lấy nền tảng khoa học tâm lý học, trong đó nhấn mạnh đặc thù lứa tuổi. Bộ trưởng cũng đề nghị nhóm chuyên môn xem xét thật thấu đáo cách tiếp cận năng lực phù hợp với giáo dục mầm non.
“Vì đây là vấn đề hệ trọng, cần rút kinh nghiệm những giai đoạn trước, việc khảo sát, thử nghiệm phải làm rất thấu đáo. Mục tiêu là có một chương trình giáo dục mầm non tốt, phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với khả năng thực hiện. Tinh thần là dành tất cả những gì tốt nhất cho trẻ em và cần chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất, giáo viên, tâm thế, truyền thông… để có thể có được kết quả tốt nhất” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực trẻ
Báo cáo của Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) cho thấy, sau 10 năm thực hiện chương trình giáo dục mầm non, đến nay chương trình đã được thực hiện ở 15.461 cơ sở (đạt 100%); trong đó, có 5.255.889 trẻ (chiếm 99%) học 2 buổi/ngày.
Chương trình giáo dục mầm non đã thể hiện tính ưu việt, khoa học, phù hợp với thực tiễn và góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Chương trình thể hiện tính chất của chương trình khung quốc gia, tạo cơ hội cho cơ sở giáo dục và giáo viên chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện. Chương trình hướng đến sự phát triển toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, phương châm giáo dục “học bằng chơi, bằng trải nghiệm” của trẻ tạo điều kiện đảm bảo cho trẻ phát triển liên tục, đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền, các đối tượng trẻ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ GD-ĐT nhận định, vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là ở chất lượng đội ngũ; công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và tài liệu nguồn cho giáo viên. Một số yếu tố vẫn cần được quan tâm để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non như: Chế độ chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện chương trình; số trẻ/lớp; không gian, diện tích lớp và đồ dùng, đồ chơi, học liệu cho trẻ.
Những ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chương trình giáo dục mầm non của một số quốc gia trên thế giới cũng đã được nêu ra tại hội thảo. Trong đó, có ý kiến cho rằng, xây dựng chương trình giáo dục mầm non theo hướng không chỉ đơn thuần là nơi chăm sóc trẻ để cha mẹ đi làm; thay vào đó là xây dựng triết lý giáo dục mà tại đây, trẻ em là trung tâm. Giáo viên được liên tục bồi dưỡng để cập nhật, đổi mới; trẻ em được xác định và hỗ trợ các nhu cầu cần thiết; nhà trường phối hợp với phụ huynh, gia đình và tổ chức xã hội, y tế…
Hoặc theo một ý kiến khác, tập trung xây dựng chương trình mới hướng đến những phương pháp giáo dục cung cấp cho trẻ các kỹ năng, dụng cụ, thiết bị, bối cảnh qua đó, phát triển năng lực, cảm xúc. Trẻ em học được cách chia sẻ, chăm sóc, trải nghiệm, hỗ trợ những người xung quanh (thay vì như cách học truyền thống chú trọng truyền tải kiến thức).
Trước đó, từ năm 2020, Bộ GD-ĐT đã tổ chức khảo sát, đánh giá 10 năm thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Cuối năm 2021, bộ đã tổ chức hội thảo với chuyên gia trong và ngoài nước về việc đề xuất quan điểm xây dựng chương trình giáo dục mầm non; hội thảo với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đại diện 63 tỉnh/thành để đánh giá việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Từ đây, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã có nhìn nhận, đánh giá chương trình giáo dục mầm non hiện hành và rút kinh nghiệm, đề xuất quan điểm xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới.
Chương trình giáo dục mầm non mới sẽ được xây dựng với quan điểm chung là kế thừa và phát triển chương trình hiện hành; thể hiện rõ nét hơn quan điểm tiếp cận phát triển phẩm chất năng lực trẻ em mầm non phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, hướng đến hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chương trình cũng cần tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, hội nhập với giáo dục quốc tế và chú ý nhiều hơn đến các vấn đề giáo dục trẻ trở thành công dân toàn cầu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thục Trân
Bình luận (0)