Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chương trình giáo dục mầm non mới: Sinh viên chưa nắm bắt được

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ có thể học được kỹ năng khi tham gia các hoạt động ngoại khóa

Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm “Ứng dụng chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới vào xây dựng đề cương chi tiết các môn học về phương pháp trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 11-12, bà Nguyễn Thị Kim Thanh (Trưởng phòng GD mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM) đề nghị các cơ sở trong việc áp dụng chương trình GDMN mới không nhất thiết phải quá phụ thuộc vào văn bản chỉ đạo mà hãy làm những gì tốt nhất cho trẻ.
Bà Thanh còn nhấn mạnh việc chấp nhận “mặt trái” của một số cái mới bị “vướng phải” khi thực hiện chương trình. Để ứng dụng hiệu quả chương trình mới, bà Thanh cho rằng cần có nhiều thay đổi trong cách đánh giá tổ chức hoạt động giáo viên với trẻ; đánh giá giáo viên, cách thanh tra – kiểm tra, cách làm thi đua… Đồng tình với ý kiến này, Th.S Phan Thị Thu Hiền (Khoa GDMN Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) bày tỏ: “Nên đổi mới toàn diện cách dạy, cách học trong nhà trường, cách đánh giá SV thay vì chỉ đưa tiêu đề, chuyên mục cần đổi mới vào dạy. Muốn giáo sinh xuống cơ sở tôn trọng và khuyến khích được sự sáng tạo ở trẻ thì trước tiên người giảng viên phải thực hiện được điều đó với SV”. TS. Nguyễn Thị Thanh Hà (Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM) nhận định, chương trình khung mới không phân bố một cách chi tiết vừa tạo thuận lợi vừa là thách thức. Theo đó, bắt đầu từ trẻ chứ không từ người dạy, SV và giáo viên mầm non có thể đề xuất những nội dung phù hợp. Tuy nhiên, điều này không dễ do phần đông SV hệ cao đẳng còn yếu kỹ năng biết lựa chọn và phân bố mục tiêu phù hợp. Tình trạng SV ra trường thiếu khả năng đứng lớp độc lập mà phải đứng kèm giáo viên khác trong năm đầu tiên là điều khó tránh khỏi ở không ít cơ sở mầm non. 
Để phát huy tính sáng tạo trong SV, cô Trương Thị Việt Liên (Hiệu trưởng Trường Mầm non quận 11) cho rằng, tránh áp đặt trình tự các bước bộ môn. Thực tế, do chịu một số áp lực, SV hay soạn giáo án theo trình tự mà “quên” đi yếu tố sáng tạo, đột phá. Trong khi, nếu biết sáng tạo ngay từ thời SV, quá trình giảng dạy của các em sau này sẽ dễ đạt thành công. Việc có những bài tập theo hướng gợi mở, tạo cho SV cơ hội tiếp cận, giải quyết những tình huống khác nhau cũng được các đại biểu nhấn mạnh nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ SV khi ra trường.
Sắp tới, khi chuyển đổi đào tạo sang học chế tín chỉ là hướng nhắm đến của các trường (thay cho đào tạo theo niên chế trước đây) thì việc giới thiệu, củng cố những trang web hay, bổ ích cho giáo viên, SV được các cơ sở đào tạo hết sức quan tâm.
M.T

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)