Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Chương trình hướng nghiệp đến Vũng Tàu

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM đang tư vấn cho các em học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Vừa qua, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã đến với học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Tại đây, các thầy cô và học sinh nhà trường đã được Ban tư vấn giải đáp nhiều thông tin bổ ích, thiết thực nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Làm du lịch không nhất thiết phải học ĐH

Sau phần tư vấn và định hướng về cách lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu xã hội của chuyên gia trong Ban tư vấn, các em học sinh hào hứng đặt nhiều câu hỏi sát với tình hình thực tế tại địa phương. Vũ Phương Quỳnh (học lớp 12A4) băn khoăn: “Em rất thích ngành du lịch nhưng khả năng của em chỉ có thể thi vào bậc trung cấp, CĐ. Ngành du lịch có nhất thiết phải có bằng ĐH hay không? và công việc cụ thể như thế nào?”. Với câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho biết không nhất thiết phải học ĐH mới được làm việc trong ngành du lịch. Phần lớn những người muốn làm việc trong ngành du lịch có thể tìm thấy vị trí công việc của mình ở các tổng công ty du lịch, trung tâm lữ hành, nhà hàng, khách sạn… Nhiều người nhầm tưởng ngành du lịch là dẫn khách đi theo các tour. Trên thực tế, có rất nhiều vị trí có thể đảm nhận trong ngành du lịch như: Quản lý và điều hành du lịch (làm việc tại văn phòng, kết nối quan hệ, lên mô hình và điều phối nhân viên dưới quyền, đảm bảo phục vụ các tour du lịch tốt nhất); hướng dẫn viên du lịch (yêu cầu phải có kiến thức địa lý, lịch sử sâu rộng, công việc gắn liền với những chuyến đi); nhân viên lễ tân, nhân viên marketing du lịch, nhân viên phục vụ bàn, bếp, buồng, bar tại các nhà hàng, khách sạn; lái xe, thuyền trưởng hoặc thủy thủ trên các tàu du lịch… Ngoài ra, trong ngành này còn có rất nhiều dạng công việc phong phú khác như: Chăm sóc khách hàng, thông tin du lịch, xây dựng chương trình du lịch, bán hàng lưu niệm, chăm sóc sức khỏe, tổ chức vui chơi giải trí, giáo dục môi trường du lịch, bảo trì, nghiên cứu về du lịch…

Học sinh hào hứng đặt câu hỏi

Lần đầu tiên chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Huệ, vì vậy hơn 500 học sinh khối 12 đã tận dụng tối đa thời gian 2 giờ để “truy” Ban tư vấn. Các em liên tiếp giơ tay đặt câu hỏi, tranh thủ tìm hiểu thông tin tại các gian hàng triển lãm của những đơn vị tham gia. Nhiều học sinh cho biết sau buổi tư vấn, các em đã có thêm nhiều thông tin hữu ích cho sự lựa chọn ngành nghề, bậc học sắp tới.

“Mỗi lĩnh vực trong ngành đều có những chuyên môn khác nhau, đòi hỏi trình độ chuyên môn đào tạo riêng. Có việc đòi hỏi trình độ ở bậc ĐH, sau ĐH nhưng cũng có việc chỉ cần ở trình độ TC hoặc sơ cấp. Thực tế trong ngành du lịch của chúng ta hiện nay, nhu cầu nhân lực lao động trực tiếp qua đào tạo nghề ngày càng nhiều, những người học TC lại có nhiều cơ hội được làm việc đúng chuyên môn cũng như có cơ hội khẳng định bản thân hơn những sinh viên tốt nghiệp ĐH. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch và đang được chú trọng đẩy mạnh. Vì vậy, các em cứ yên tâm với lựa chọn của mình”, ông Cường khẳng định.

Kế toán: Có tố chất mới làm tốt công việc

Tại chương trình, một ngành được khá nhiều học sinh quan tâm là kế toán. Đặng Hải Nam (học lớp 12A6) hỏi: “Em thích ngành kế toán nhưng nghe nói ngành này chỉ hợp với các bạn nữ vì yêu cầu phải có sự tính toán tỉ mỉ. Vậy nếu là nam thì có làm được không?”. Tương tự, một học sinh nam (học lớp 12A7) hỏi về những tố chất cần có trong ngành kế toán.

ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh – truyền thông Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, khẳng định: Ngành kế toán không phân biệt là nam hay nữ, chỉ cần có tố chất, yêu thích thì có thể làm tốt công việc này. “Kế toán là ngành đòi hỏi có sự cẩn thận và tỉ mỉ vì công việc thường xuyên tiếp xúc, thao tác với vô số tài liệu liên quan đến tài chính nên bạn phải cẩn thận trong việc giữ gìn tài liệu cũng như tính toán những con số để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ. Theo tôi, tố chất này thì cả nam và nữ đều có nên cả hai hoàn toàn có thể làm việc trong ngành nghề này. Ngoài ra, bạn còn phải có khả năng tính toán tốt, có khả năng sắp xếp để hoàn thành đúng tiến độ, phải có tính trung thực và đặc biệt là phải chịu được áp lực công việc. Việc yêu thích những con số và giỏi tính toán là một lợi thế khi bạn học ngành kế toán. Do đây là công việc gắn liền với những con số, sổ sách, chứng từ, hóa đơn nên nếu không có sự yêu thích, đam mê… thì bạn không thể gắn bó lâu dài và dễ rơi vào tình trạng stress”, ThS. Phạm Doãn Nguyên phân tích.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)