Chiều 9-1, Bảo tàng TP.HCM phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM tổ chức chương trình kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên (9-1-1950/ 9-1-2025) với chủ đề “Sáng mãi ngọn lửa Trần Văn Ơn”.
Chương trình là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của học sinh, sinh viên trong quá trình đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Qua đó, góp phần tạo động lực, thôi thúc thế hệ trẻ tiếp nối và phát huy truyền thống quý báu, đóng góp một phần công sức vào sự nghiệp xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh.
Chương trình có sự tham dự của các nhân chứng lịch sử: Bà Trương Mỹ Lệ; ông Phạm Xuân Bình; bà Nguyễn Thị Yến cùng nhiều học sinh, sinh viên trên địa bàn TP.
Chương trình mở đầu với hoạt động dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ anh Trần Văn Ơn và chị Quách Thị Trang tại Công viên Bách Tùng Diệp.
Sau đó là khai mạc triển lãm chuyên đề “Theo nhịp khúc Lên đàng”. Triển lãm giới thiệu nhiều tấm gương học sinh, sinh viên đã ngã xuống vì phong trào đấu tranh của các thế hệ học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ.
Bên cạnh đó, khách tham dự và các em học sinh, sinh viên còn được gặp gỡ, giao lưu với nhân chứng lịch sử để nghe lại những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc.
Là người chứng kiến phong trào đấu tranh của các thế hệ học sinh, sinh viên, bà Trương Mỹ Lệ (nhân chứng lịch sử) cho biết đó là một trong những phong trào tiêu biểu của dân tộc.
“Tôi vô cùng tự hào với tấm gương anh dũng của anh Trần Văn Ơn. Sau ngày anh Trần Văn Ơn mất, tôi đã lấy bí danh Tư Liêm và tham gia cách mạng, công tác hoạt động Thành đoàn từ những năm 1960. Tôi đã có mặt trên từng chặng đường, từng giai đoạn chuyển biến của phong trào đấu tranh học sinh, sinh viên. Tôi mong các em học sinh, sinh viên ngày nay hãy biết ơn các anh hùng đã ngã xuống, phấn đấu học tập để góp phần xây dựng quê hương, đất nước”, bà Lệ chia sẻ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Phạm Xuân Bình (bí danh Hai Hòa) đã tích cực tham gia các phong trào bãi khóa, biểu tình.
“Tôi hoạt động trong ban lãnh đạo các phong trào sinh viên của Trường Cao Thắng với nhiệm vụ tổ chức biểu tình, bãi khóa theo phong trào Thành đoàn đề ra. Dù thời điểm đó mà cụ thể là năm 1970, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã tiến hành đàn áp các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên nhưng các anh, chị vẫn kiên trì hoạt động và đẩy mạnh lên thành cao trào với tinh thần ý chí rất cao. Nhờ những tinh thần đó, chúng ta đã chiến thắng”, ông Bình chia sẻ.
Trước chia sẻ của những nhân chứng lịch sử, em Nguyễn Phạm Gia Khang (học sinh Trường Nguyễn Thị Minh Khai bày tỏ: “Em rất tự hào với phong trào học sinh, sinh viên. Em sẽ phấn đấu học tập thật tốt để sau này cống hiến cho đất nước”.
Trong chương trình còn phần biểu diễn nghệ thuật qua các bài hát như: “Sứ mệnh tuổi trẻ trong thời đại mới”; “Liên khúc hát về TP hôm nay”; “Hát cho dân tôi nghe”; “Dậy mà đi”; “Tiếng hát những đêm không ngủ”…
Cách đây 75 năm, vào ngày 9-1-1950, ngay trước Dinh Thủ hiến Nam phần (nay là Bảo tàng TP.HCM) đã diễn ra sự kiện biểu tình của học sinh, sinh viên Sài Gòn lên án chế độ đàn áp của thực dân Pháp.
Đoàn biểu tình đã bị đàn áp và học sinh Trần Văn Ơn trong lúc bảo vệ những học sinh khác đã bị trúng đạn. Anh hy sinh tại nhà thương Chợ Rẫy lúc 15 giờ 30 phút cùng ngày.
Sự hy sinh của anh Trần Văn Ơn đã trở thành “ngòi pháo” làm bùng lên nhiều phong trào đấu tranh trong học sinh, sinh viên cả nước đã tạo lên làn sóng phẫn nộ của học sinh, sinh viên Sài Gòn – Chợ Lớn.
Đám tang của anh đã trở thành một cuộc tuần hành lớn của hàng ngàn học sinh, sinh viên, người dân Sài Gòn và vùng lân cận lúc bấy giờ.
Sau ngày 9-1, ngọn lửa trong tim người học trò dũng cảm Trần Văn Ơn đã lan tỏa, bừng cháy thành những ánh đuốc soi đường cho học sinh, sinh viên dấn thân vào cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc, làm nên một thời trui rèn trong lửa đỏ kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc.
Hồ Trinh
Bình luận (0)