Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chương trình liên kết Tiếng Anh: Bao giờ dừng?

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (sau đây gọi tắt là ĐA 20), đến năm học 2018-2019, 100% học sinh (HS) lớp 3 sẽ được học ngoại ngữ. Nhưng đến giờ, các sở GD-ĐT vẫn chưa có đủ số lượng giáo viên (GV). Theo các sở GD-ĐT, vấn đề không phải không có GV để tuyển mà là không còn biên chế…

Giờ học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ tại TP.HCM – một chương trình mang lại hiệu quả thiết thực cho học sinh thành phố. Ảnh: L.Quang

Hiện nay, Hà Nội có 1.515 GV bao gồm cả biên chế và hợp đồng (hợp đồng chiếm 50%), có 420/ 710 trường học chương trình SGK mới từ 3 đến 4 tiết/tuần (đạt 70%, có bao gồm chương trình liên kết). Tổng số GV tiếng Anh tiểu học đạt trình độ B1, B2 chiếm 70%. Số trường liên kết chiếm 55%. Nhiều trường thực hiện cùng lúc 2 chương trình liên kết.

HS cùng lúc gánh nhiều chương trình

Chị Nguyễn Thị Định, quận Long Biên cho biết hiện con trai chị đang học tại một trường THCS của quận Long Biên. Trường có 2 chương trình liên kết. Trong đó một chương trình học phí chỉ dưới 200.000 đồng/tháng, còn một chương trình lên đến vài trăm ngàn đồng. Do hoàn cảnh không cho phép nên chị đăng ký cho con học chương trình có học phí thấp. Tuy nhiên, đợt kiểm tra học kỳ I vừa qua, điểm tiếng Anh của con không cao, cháu mong muốn được học thêm ở trung tâm bên ngoài. Chị Định dự kiến ra ngoài Tết Nguyên đán sẽ đăng ký cho con học thêm ở trung tâm ngoại ngữ gần nhà. “Biết là học ở các trung tâm ngoài học phí sẽ cao hơn, nhưng vợ chồng tôi nghĩ chất lượng chắc chắn sẽ hơn các chương trình liên kết đang học trong trường”, chị Định chia sẻ.

Nhiều tỉnh chưa đủ 50% GV tiếng Anh

Hiện nay, một số trường của Hà Nội liên kết cùng lúc với 2 trung tâm, 2 mức học phí khác nhau, ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Sỹ Thư – Trưởng ban quản lý ĐA 2020: Việc này có thể xảy ra nếu được sự đồng ý của cha mẹ HS, phụ thuộc vào nhu cầu, điều kiện học tập của từng nhóm đối tượng HS khác nhau; sự cung ứng dịch vụ và chất lượng của các trung tâm cũng khác nhau. 

Với ĐA 2020, cho đến giờ đội ngũ GV đủ để đáp ứng yêu cầu của đề án (về mặt số lượng), theo ông đến giờ đã đạt bao nhiêu phần trăm?

– Theo số liệu thống kê từ báo cáo của các sở GD-ĐT, tính đến tháng 8-2015, hiện nay có 16 tỉnh đạt từ 51-92%; các tỉnh còn lại chỉ đạt dưới 50% nhu cầu về số lượng GV tiếng Anh. ĐA 2020 đã và đang phối hợp cùng các địa phương triển khai kế hoạch bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ GV tiếng Anh phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy – học ngoại ngữ theo chương trình tiếng Anh mới.

Thiên Lam

Không chỉ riêng chị Định, rất nhiều phụ huynh tại Hà Nội vừa cho con học chương trình liên kết trong trường, vừa cho con học thêm ngoại ngữ tại các trung tâm bên ngoài. Chị Hoàng Hoài Anh (quận Thanh Xuân) khẳng định, hiện con gái chị đang học tiểu học nhưng cùng lúc cháu học 3 chương trình tiếng Anh: Chương trình của Bộ GD-ĐT, chương trình liên kết và chương trình tại trung tâm ngoại ngữ. 

Chất lượng: Chưa có đánh giá!

Có con học chương trình liên kết tiếng Anh từ lớp 1, sau 5 năm học tiểu học, số tiền chị Phạm Lan Phương (quận Long Biên) bỏ ra cũng lên đến hàng chục triệu đồng. Vì chị cho con học chương trình 5 triệu đồng/năm, chưa kể tiền giáo trình. Tuy nhiên, đến THCS, chị quyết định chỉ cho con học chương trình học phí thấp chưa đến một nửa so với chương trình của tiểu học. Theo chị Phương, học chương trình liên kết học phí cao hay học phí thấp cũng không khác nhau là bao. Con gái chị điểm thi tiếng Anh vẫn lẹt đẹt như thường.

Về mặt lý thuyết, theo quy định, nếu liên kiết với các trung tâm chương trình học phí cao thì lớp học sẽ chỉ 20 HS. Nhưng thực tế, các trường còn không đủ lớp học bình thường thì đến giờ ngoại ngữ lấy đâu phòng học để chia một lớp 50 HS thành 3 phòng học? Chính vì vậy, học chương trình học phí cao hay thấp thì sĩ số lớp học khó có thể giảm. Thế nên, với sĩ số lớp đông thì việc học thầy Tây hay thầy ta chất lượng cũng khó có thể thay đổi.

Trong khi đó, trao đổi với Giáo dục TP.HCM, một trưởng phòng GD-ĐT của Hà Nội cho biết, các chương trình liên kết ở các trường đều là các chương trình được Sở GD-ĐT Hà Nội kiểm duyệt. Tuy nhiên, vị trưởng phòng này cũng mong muốn các trường có đủ GV dạy ngoại ngữ để các trường chủ động kế hoạch dạy – học.

Nghiêm Huê

Đủ GV sở sẽ dừng liên kết

Một tiết học tiếng Anh tại Trường Tiểu học Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: I.T

Thực tế, các trường cũng không “hứng thú” với chương trình liên kết. Về kế hoạch lâu dài, Sở GD-ĐT Hà Nội mong muốn sẽ kết thúc những chương trình này với điều kiện có đủ đội ngũ GV. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội – xung quanh câu chuyện này.

PV: Ông đánh giá thế nào về chất lượng các chương trình liên kết tiếng Anh đang được giảng dạy tại các trường của Hà Nội? Tại sao lại có sự liên kết này?

Ông Phạm Xuân Tiến: Chương trình liên kết đều được xây dựng với mục tiêu bổ trợ theo chương trình của Bộ GD-ĐT; với đội ngũ GV bản ngữ và GV trong nước có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao hỗ trợ các nhà trường giảng dạy để HS được học đủ thời lượng nhằm đạt mục tiêu hết cấp tiểu học HS đạt trình độ A1 để học liên thông lên cấp THCS; từ việc thực hiện ĐA 2020 và chương trình liên kết với GV bản ngữ nói tiếng Anh đã đem đến cho GV nhiều cơ hội trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm giảng dạy tiếng Anh tiểu học. Chất lượng tiếng Anh của các em HS được nâng cao rõ rệt, HS được tham gia vào nhiều sân chơi ngôn ngữ tiếng Anh phong phú, bổ ích giúp cho các em có thêm nhiều cơ hội để học tốt 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, đặc biệt 2 kỹ năng nghe, nói tiến bộ rõ rệt, HS được học với người nước ngoài đã tự tin trong giao tiếp. Các trường chỉ thực hiện việc liên kết khi có sự đồng thuận của cha mẹ HS. Công tác kiểm tra, đánh giá HS được thống nhất trên toàn TP; việc đánh giá từng kỹ năng giúp GV đánh giá chính xác năng lực HS và có định hướng giảng dạy phù hợp với đối tượng HS.

Theo ông, tại sao phải liên kết?

Do nhu cầu rất cao cha mẹ HS mong muốn con em mình được học và học tốt ngôn ngữ tiếng Anh để có nhiều cơ hội giao tiếp, học tập, nghiên cứu và làm việc trong môi trường làm việc yêu cầu cần ngoại ngữ. Đội ngũ GV của các chương trình liên kết có chuyên môn nghiệp vụ cao, GV nước ngoài người bản ngữ, chứng chỉ quốc tế về giảng dạy tiếng Anh tiểu học. GV Việt Nam tốt nghiệp đúng chuyên ngành tiếng Anh sư phạm, có chứng chỉ B2 trở lên hỗ trợ rất hiệu quả cho các hoạt động dạy học, các chương trình ngoại khóa tiếng Anh cho trường, cho quận huyện và cho thành phố đem lại kết quả đáng kể góp phần cho HS tham gia các kỳ thi quốc tế các môn song ngữ đạt kết quả tốt; góp phần giúp GV của trường cùng chia sẻ học tập kinh nghiệm, tăng cơ hội giao tiếp nghe nói tiếng Anh với người bản ngữ, tạo môi trường tiếng Anh để có cơ hội theo kịp các nước trong khu vực.

Thời gian tới, Sở GD-ĐT có kế hoạch dừng chương trình liên kết tiếng Anh trong trường học không?

Hiện tại để đạt được mục tiêu ĐA 2020, HS được học 4 tiết/tuần nhằm đạt cấp độ A1 khi hết cấp tiểu học nên Sở GD-ĐT cho phép chương trình liên kết. Sở Giáo dục đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT ban hành văn bản về định biên GV tiếng Anh đủ để đảm bảo dạy 4 tiết/tuần. Sở sẽ dừng chương trình liên kết khi các trường tiểu học đủ về số lượng GV biên chế và đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm dạy tiếng Anh tiểu học để dạy 4 tiết/tuần. 

Vậy Hà Nội sẽ cần bổ sung bao nhiêu GV tiếng Anh nữa, thưa ông?

Thêm từ 800-1.000 GV nữa.

N.Huê 

 

 

Bình luận (0)