Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chương trình “Máy tính học đường”

Tạp Chí Giáo Dục

Đưa công nghệ thông tin vào dạy và học

Các em học sinh hào hứng thử máy tại buổi lễ công bố chương trình “Máy tính học đường”

Để giáo dục Việt Nam có thể ngang tầm với các nước trong khu vực, những năm gần đây ngành giáo dục đã không ngừng đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động dạy và học mà qua đó đã thu được nhiều kết quả đáng mừng. Tuy vậy, ở nhiều nơi do điều kiện khó khăn nên việc đưa CNTT vào giảng dạy còn gặp nhiều trở ngại…
Giáo án điện tử “treo” vì… thiếu máy vi tính
Bắt đầu từ năm học 2007-2008, Bộ GD-ĐT có chủ trương đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Theo đó, phong trào soạn bài giảng điện tử đã được hầu hết các giáo viên hưởng ứng tích cực. Những bài giảng bằng giáo án điện tử đã tạo được sự hứng thú trong học tập của học sinh. Tuy nhiên để có được một bài giảng bằng giáo án điện tử không hề đơn giản chút nào…
Cô Hà Thị Ánh – giáo viên THCS ở huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết: “Ưu thế của việc sử dụng giáo án điện tử là chuyển tải nội dung bài giảng thông qua hình ảnh. Nhưng để có được những thước phim tư liệu, những hình ảnh sống động phù hợp với nội dung bài giảng đòi hỏi người giáo viên phải am hiểu vi tính, phải biết tìm kiếm thông tin trên internet. Song với mức lương ba cọc ba đồng như hiện nay, nhiều giáo viên khó có thể sở hữu một cái máy vi tính có đường truyền internet nên việc soạn giáo án điện tử gặp rất nhiều khó khăn…”
“Nếu giáo viên chỉ dạy theo sách giáo khoa thì học sinh sẽ không thích học. Muốn cho bài giảng hay thì bắt buộc mỗi giáo viên phải tự tìm tòi tư liệu. Muốn có tư liệu, cách tốt nhất là lên mạng. Nhưng, cả trường với trên 20 giáo viên mà chỉ có một cái máy vi tính nối mạng nên cả tuần, thậm chí cả tháng mới tới lượt mình được ngồi vào máy. Còn ở nhà thì không có điều kiện để mua. Vì vậy, sau giờ lên lớp, tôi và một vài giáo viên trong trường lại phải lên thị trấn thì mới có điểm truy cập internet, rất mất thời gian mà hiệu quả cũng không cao” – cô Nguyễn Thị Xuân An – giáo viên tiểu học ở huyện Nhà Bè, TP.HCM tâm sự.
Về phía ngành GD-ĐT TP.HCM, Tiến sĩ Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Trong năm học 2009 – 2010, nhiều cuộc họp giữa Sở GD-ĐT và các phòng GD-ĐT cũng như với các trường THPT, CĐ, TCCN sẽ được tổ chức trực tuyến. Đối với HS phổ thông, trong năm học này tất cả các em đều được học tin học. Vì vậy, mỗi GV, HS rất cần có một máy vi tính”.
Máy vi tính kết nối internet – không còn ngoài tầm với
Để giải tỏa những khó khăn cho giáo viên cũng như tạo điều kiện để học sinh, sinh viên có điều kiện tiếp cận và sở hữu CNTT và truyền thông hiện đại, mới đây Bộ GD-ĐT và Intel Việt Nam đã triển khai chương trình “Máy tính học đường” – một trong những hành động thiết thực nằm trong thỏa thuận hợp tác dài hạn được ký kết giữa Bộ GD-ĐT với Tập đoàn Intel.
Đây là một chương trình chưa từng có từ trước đến nay trong lĩnh vực giáo dục. “Máy tính học đường” có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục là Bộ GD-ĐT với các nhà cung cấp sản phẩm, các nhà sản xuất, phân phối, bán lẻ, hỗ trợ tài chính và các nhà cung cấp dịch vụ.
Tham gia chương trình này, giáo viên và sinh viên học sinh sẽ được hưởng mức giá ưu đãi đặc biệt khi mua máy tính. Với máy tính để bàn có bo mạch chủ và bộ vi xử lý Intel, mức giá cho một bộ dao động từ khoảng 4.790.000 đồng đến 9.990.000 đồng/bộ, mức giá dành cho máy tính xách tay từ 7.700.000 đồng đến 12.000.000 đồng. Khi mua máy tính để bàn hoặc  máy tính xách tay sẽ được tặng kèm phiếu tặng tập vở của Fahasa và được cài đặt sẵn chương trình Desktop 3.5 do Vietsoftware cung cấp. Ngoài ra, mỗi giáo viên và học sinh khi mua máy tính sẽ được tặng phiếu sử dụng phần mềm diệt virus Kaspersky 2009 có bản quyền và phiếu bốc thăm trúng thưởng với hàng ngàn giải thưởng hấp dẫn. 
Điểm đặc biệt chương trình còn sự tham gia của các tổ chức tài chính, nhằm chia sẻ gánh nặng chi phí cho các thầy cô giáo và học sinh. Tập đoàn bưu chính viễn thông VNPT sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho giáo viên và học sinh khi đăng ký cả internet băng thông rộng ADSL lẫn mua máy tính trong chương trình “Máy tính học đường” ở một số tỉnh miền Trung và Nam bộ như Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Huế và Đà Nẵng. Các đơn vị như Ngân hàng TMCP Việt Á và Công ty TNHH Thương mại ACS cũng hỗ trợ các khoản vay mua máy tính trả góp có thể lên tới 100% giá trị sản phẩm, lãi suất ưu đãi trong vòng 12 tháng, thủ tục nhanh gọn trong 24 giờ…
Với những động thái tích cực từ chương trình này, tin rằng ánh sáng công nghệ sẽ có cơ hội đến với mọi người, mọi vùng miền trong cả nước. Thông tin chi tiết của chương trình được đăng tải trên website: www.maytinhhocduong.com.
Thùy Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)