Ngày 11-5, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị “Góp ý Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”.
Tại đây các đại biểu thừa nhận, dự thảo chương trình (CT) phù hợp xu thế phát triển chung của đất nước và từng bước hội nhập với thế giới; tạo điều kiện cho giáo viên (GV) phát huy tính chủ động, sáng tạo…
GV áp lực hơn
Tuy nhiên, cô Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Thủy, băn khoăn: “CT hiện hành đối với cấp tiểu học thực hiện kế hoạch giảng dạy 35 tuần/năm, CT mới 37 tuần/năm, việc tăng 2 tuần ảnh hưởng đến khối lượng công việc của GV. Ngoài ra số tiết học bắt buộc từ 29 đến 30 tiết/tuần, nhà trường không còn thời gian để tổ chức sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt chủ nhiệm. Không lẽ chúng ta bỏ các hoạt động này? Đối với môn học bắt buộc có phân hóa ở tiểu học gồm: Thế giới công nghệ, tìm hiểu tin học, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trong CT có quy định một số chủ đề, học phần HS được tự chọn theo nguyện vọng, khi các trường tổ chức sẽ gặp khó, phức tạp về quản lý như HS tiểu học chưa biết lựa chọn các môn, chủ đề phù hợp bản thân. Nếu theo nguyện vọng của HS, có thể sẽ có những môn học, hoạt động HS chọn nhưng nhà trường không đáp ứng được do chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ GV. Cấp trung học, theo dự thảo HS sẽ học ở trường bên cạnh, trên cùng địa bàn, đối với những môn tự chọn mà trường các em không dạy. Nhưng hiện nay mỗi quận, huyện chỉ có một trường THPT, mỗi xã – phường chỉ 1 trường THCS, có nơi không có, vậy lấy đâu ra trường “bên cạnh” cho các em chọn?”.
Vấn đề cũng là bức xúc chung của các đại biểu là quy định 105 tiết cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ngoài hạn chế về cơ sở vật chất, phân công GV, cách tính tiết học như thế nào khi tổ chức đưa HS đến các cơ sở sản xuất, rồi kinh phí lấy ở đâu?
Thầy Võ Thành Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều, cho biết: “Mỗi lần tổ chức cho HS đến thăm các công ty, cơ sở sản xuất, ngoài việc bố trí thời gian ngoài giờ, trường còn phải lo tìm kinh phí. Dù đã có phụ huynh hỗ trợ xe đưa rước nhưng trường phải có tiền mua xăng dầu, tiền nước cho HS, bồi dưỡng cho cán bộ, kỹ sư hướng dẫn. Ấy là chúng tôi không có thù lao cho GV và nhân viên của trường đi theo để giữ trật tự, đảm bảo an toàn cho HS. Nếu tổ chức thành CT chính khóa, kinh phí đâu để thực hiện? Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu giảm số tiết của hoạt động trải nghiệm sáng tạo vì phần lớn nội dung trong 5 modul hoạt động có xuất phát từ gia đình, ít nội dung cần đưa HS đến cơ sở sản xuất kinh doanh. Ngoài ra giáo dục trải nghiệm cần thực hiện đa dạng, trong nhà trường, gia đình và cộng đồng. Chẳng hạn giáo dục về an toàn giao thông, đâu nhất thiết phải đưa cả lớp ra đường phố? Có thể hướng dẫn HS trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, cha mẹ trong nhắc nhở con em chấp hành luật lệ an toàn giao thông…”.
Cần có chuẩn đầu ra/môn
Việc giảng dạy tích hợp ở bậc trung học các môn khoa học tự nhiên sẽ khiến trường gặp khó trong phân công GV. Các trường cũng khó khăn khi xếp thời khóa biểu, nhất là những môn chỉ 1,5 tiết/tuần. Sẽ phát sinh tình trạng thiếu – thừa GV cục bộ – thiếu GV đối với những môn có nhiều HS chọn và dư GV ở những môn ít HS chọn. Ngoài ra, những môn ít tiết hơn CT hiện hành sẽ khiến GV dạy các môn này không đảm bảo thời lượng giảng dạy theo quy định, do vậy: “Tôi đề nghị Ban soạn thảo phải có sự cân đối giữa thời lượng môn học và nội dung kiến thức quy định. Ngoài ra, theo dự thảo, sẽ không thi tốt nghiệp THPT nhưng Bộ GD-ĐT chưa nêu cụ thể chuẩn đầu ra cho các môn để đánh giá HS, trong khi chúng ta đều biết HS chỉ học những môn học có mục đích thi cử. Nhà trường cần có khung để đánh giá đúng năng lực HS”, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận Cái Răng, kiến nghị. Để thực hiện tốt dự thảo CT, theo thầy Lê Thanh Long – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ – thì: “Đối với những lớp chưa được học 2 buổi/ngày, đề nghị không bố trí thời gian tự học có hướng dẫn trên lớp và dạy nội dung giáo dục của địa phương. Bộ GD-ĐT và lãnh đạo địa phương cần đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, giảm tỉ lệ HS/lớp; bổ sung GV. Môn tìm hiểu công nghệ, tìm hiểu tin học, thế giới công nghệ là môn học bắt buộc nhưng hiện các trường đều thiếu GV do chưa được tính vào biên chế. Vì vậy thời gian tới cần đưa vào định biên của ngành”.
Các đại biểu đề nghị Bộ GD-ĐT cần ngồi lại với đại diện trường học các cấp để nghe những đóng góp trước khi soạn và ban hành SGK. Thầy Trần Văn Minh – Hiệu trưởng Trường THPT Thực hành Sư phạm, ĐH Cần Thơ – nêu đề nghị: Trong dự thảo cần có phụ lục để so sánh, khẳng định CT giáo dục mới đã kế thừa ra sao những thành tựu khoa học thế giới, và chứng minh tính kế thừa, cách tân và hiện đại của Việt Nam. Đồng thời bổ sung việc triển khai CT dựa trên tinh thần triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Làm sao để 50.000 tỷ đầu tư cho CT mới phải hiệu quả, không như các dự án đã thực hiện (như CT phân ban, Đề án ngoại ngữ quốc gia…) phung phí biết bao tiền của, công sức, nhưng khi thất bại thì không thể quy trách nhiệm cho ai”.
Đan Phượng
Bình luận (0)