Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chương trình mới ở bậc THPT: Cần giảm số môn học

Tạp Chí Giáo Dục

Là người theo sát chương trình (CT) GD giai đoạn 2000 đến nay, bà Trần Thị Tâm Đan,  nguyên Chủ  nhiệm Ủy ban GD Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đưa ra nhận định: Đã giải quyết GD thì phải giải quyết đồng bộ nếu không sẽ không giải quyết được. Đồng bộ từ CT, đến cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Nhưng tôi nghĩ GD chỉ ngân sách cáng đáng hết thì không giải quyết được. Có cái bất cập là phụ huynh đóng tiền học phí cho con thì ít, đóng tiền đi học thêm thì nhiều mà không kêu gì. Nên phải giải quyết đồng bộ các vấn đề thì mới thành công!

PV: Với dự thảo CT như thế, dưới góc độ của người theo sát GD từ hàng chục năm nay, bà có những băn khoăn gì không?

Bà Trần Thị Tâm Đan: Tôi băn khoăn ở THPT, giữa bắt buộc và tự chọn tồn tại đến 7 môn. Tôi cho rằng cần nghiên cứu để giảm bớt. Nền GD của chúng ta trước đây là đại trà. Lần này đổi mới quan tâm đến phát triển từng cá nhân nên có tự chọn. Nhưng chúng ta đang tự chọn và bắt buộc 7 môn là hơi nhiều. Năm cuối cùng nên đào tạo sâu một số môn mà người học sẽ  chọn nghề. Ví dụ như khối khoa học cơ bản, khối kinh tế, khối kỹ thuật, khối văn hóa nghệ thuật… Thông thường, CT nước ngoài họ thường để 5 môn, nên tôi nghĩ, môn bắt buộc về đạo đức (thanh niên với Tổ quốc) nên kết thúc ở lớp 11 đến lớp 12 chuẩn bị cho người học thi vào các trường có chuyên ngành khác nhau. Để 7 môn là hơi nhiều. Chỉ cần tự chọn 2-3 môn.

Mặt khác, tôi cho rằng yêu cầu đổi mới được đảm bảo rõ ràng. Tư duy làm GD rõ hơn. Đây là cơ sở để nghĩ CT có thể thành công.

Nhưng, trong GD có một CT tốt là một điều kiện cần thiết để đạt được chất lượng. Nhưng nếu điều kiện thực hiện CT yếu kém thì không thể dẫn đến thành công tốt. Theo tôi, có hai yếu tố quyết định sự thành công của CT là thầy giáo và cơ sở vật chất.

Với đội ngũ giáo viên, quy mô cơ bản đủ. Nhưng có đáp ứng được CT mới hay không cũng cần phải xem xét. Lần trước chúng ta chưa giải quyết tốt vấn đề này. Do đó, lần đổi mới tới, vấn đề đặt ra là phải bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực đại trà bài bản. Thứ hai là phải có phương tiện dạy học tốt hiện đại thì mới mong CT của mình đảm bảo: Tinh giản, hiện đại, thực tiễn. 3 yêu cầu này đúng nhưng để đảm bảo được thì phải đầu tư tài chính. GD không có chuyện đầu tư thấp chất lượng cao. Khó nhất hiện nay là nhà trường phổ thông nhiều trường chưa đủ điều kiện. CT mới đòi hỏi cao hơn, tôi thấy chính sách đầu tư tài chính để thực hiện CT mới này là cả vấn đề. Nhưng vấn đề này không phải là của Bộ GD-ĐT, của những người xây dựng lên CT này mà thuộc chính sách của Nhà nước. Nếu đầu tư như hiện nay thì khó. Cần phải có sự đầu tư đột xuất, đặc biệt thì may ra mới có nguồn lực để đảm bảo thực hiện có kết quả. Tôi cho chỗ này đòi hỏi phải có tư duy mạnh dạn thì mới giải quyết được. Trong CT cũng có đề cập hết nhưng đó là đề cập của những người làm CT. Giải quyết vấn đề này như thế nào, Bộ GD-ĐT và Chính phủ cần suy nghĩ để có sáng kiến.

CT hiện hành khi Quốc hội thông qua NQ40 cho phép THPT dạy học phân ban. Nhiều ý kiến băn khoăn về chủ trương này. Sau này Bộ GD-ĐT cũng đánh giá phân ban thất bại. Bà đánh giá như thế nào về CT phân ban hiện hành?

Ngày đó, CT phân ban nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Lúc đó, phân ban theo khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhưng một số ý kiến cho rằng cứng, cuối cùng đưa thêm ban cơ bản. Kết quả là phụ huynh chỉ chọn ban cơ bản, còn môn nào tăng cường thì đi học thêm. Tức là giải pháp chúng ta đưa ra không phù hợp. Thực ra lúc đó, những người làm CT đã thấy bất cập. Sự lựa chọn của phụ huynh đã cho thấy sự bất cập đó.

Ngày đó có đưa ra vấn đề phân hóa nhưng do chưa có điều kiện để thực hiện, thưa bà?

Ngay cả hiện nay, khi đưa ra CT mới là dạy theo tự chọn tốt, linh hoạt, mềm dẻo, không hạn chế sự phát triển cá nhân. Cách đó tốt, hiện đại. Nhưng phương án đó, đòi hỏi trình độ quản lý tốt. Vì học sinh tự chọn các môn học. Đây chính là mấu chốt của vấn đề mà ngày đó không giải quyết được.

Thứ hai, lúc bấy giờ, các trường sư phạm chưa dạy giáo sinh tích hợp. Nhận thức về tích hợp cũng chưa đầy đủ, linh hoạt. Mọi người cứ hiểu tích hợp khoa học tự nhiên là tích hợp toán, hóa, sinh. Nhưng thực chất các nước vẫn soạn riêng môn, sau đó soạn các chuyên đề liên môn. Đồng thời, có thể dạy theo hình thức học nhóm. Phải có hình thức tổ chức đa dạng. Nhưng lúc đó sư phạm vẫn đào tạo giáo viên bộ môn. Hiện nay, chúng tôi cũng đề xuất phải đổi mới sư phạm trước một bước. Nếu không trước một bước cũng phải đổi mới song song với phổ thông.

Vậy, theo bà hiện nay đã đủ niềm tin để thực hiện phân hóa chưa?

Nếu đặt vấn đề có sẵn tất cả rồi mới đổi mới thì  nước ta sẽ còn lâu. Việt Nam phải có cách đi riêng. Theo tôi, ngoài CT phải có đổi mới đồng bộ: Trình độ quản lý, trình độ giáo viên. Chúng ta phải chấp nhận thực tiễn. Nhưng các trường sư phạm đang đổi mới cách dạy. Cách này có thuận lợi là đội ngũ không thiếu. Bên cạnh đó, phải bồi dưỡng giáo viên theo cách bồi dưỡng cái mới và tự học. Chúng ta phải hết sức năng động. Thứ hai không phải mình Bộ GD làm. Vì GD địa phương do các cấp ủy Đảng quyết.

Về cơ sở vật chất, ngày xưa có cả đề án nhưng chúng ta làm không đồng bộ. Tôi đi kiểm tra có trường thiết bị gửi xuống nhiều nhưng không dùng. Vì địa phương không giải quyết biên chế, không xây dựng thêm phòng để đồ dùng dạy học.

Nói thật, làm GD tốt phải có sự chuyển biến tốt từ Trung ương đến địa phương. Phải nói tôi rất thông cảm với Bộ GD. Vì mình bộ không thể làm được. Ví dụ như về kinh phí, phân bổ cho địa phương do các tỉnh quyết, bộ không quyết.

Xin cảm ơn bà!

Nghiêm Huê

LTS: Dự thảo chương trình tổng thể giáo dục (GD) phổ thông đã được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến dư luận. Bản dự thảo này đã nhận được sự đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia GD.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)