Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm Ngày thống nhất đất nước

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm Ngày thống nhất đất nước - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm Ngày thống nhất đất nước Audio

Sắp tới đây, tại TP.HCM sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Mùa xuân thống nhất” và “Bài ca thống nhất” chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tá, tiến sĩ, NSND Nguyễn Xuân Bắc – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội thông tin về chương trình “Bài ca thống nhất”

“Mùa xuân thống nhất” tại Dinh Độc Lập tối 29-4 sẽ là chương trình nghệ thuật chính luận có quy mô lớn nhất trong đợt kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, UBND TP.HCM tổ chức.

Chương trình chia làm ba chương. Chương 1 “Nỗi đau chia cắt và con đường thống nhất”; chương 2 “Mùa xuân hòa bình” và chương 3 “Mùa xuân của kỷ nguyên mới”.

Khán giả sẽ được thưởng thức nhiều tiết mục nghệ thuật hấp dẫn, thể hiện ý nghĩa, tầm vóc vĩ đại, giá trị to lớn của Đại thắng mùa xuân năm 1975 trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Đồng thời được kết nối với hiện tại và tương lai thông qua âm nhạc và múa đương đại, sân khấu mang tính sử thi.

Chương trình “Bài ca thống nhất” sẽ diễn ra vào tối 21-4 tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam (quận Tân Bình) do Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ chức theo chỉ đạo của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tá, tiến sĩ, NSND Nguyễn Xuân Bắc – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho biết, chương trình nhằm tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm vóc và giá trị lịch sử vĩ đại của Đại thắng mùa xuân năm 1975, dấu mốc vàng son của đất nước Việt Nam trên bản đồ chính trị thế giới khi đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược thống trị của đế quốc Mỹ.

Chương trình cũng khẳng định giá trị trường tồn của chiến thắng 30-4-1975, nâng cao trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc gìn giữ, phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, biến niềm tự hào thành động lực, chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Nội dung tổng thể chương trình gồm phần khai từ với tác phẩm Overture “Đất nước bên bờ sóng – Dấu chân phía trước” và 3 chương.

Chương 1 “Miền nam đi trước về sau” biểu diễn 5 tác phẩm: “Trở về đất mẹ” (Nguyễn Văn Thương); “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (Nguyễn Đức Toàn); “Tiểu đoàn 307” (Nguyễn Hữu Trí); “Câu hò bên bờ Hiền Lương” (Hoàng Hiệp); “Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc” (Tân Huyền).

Nội dung các tác phẩm phản ánh rõ nét không gian lịch sử giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc đến 1954. Đó là ký ức của một giai đoạn lịch sử hào hùng, là di sản quý báu, tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần cách mạng cho các thế hệ tiếp nối.

Chương 2 “Bài ca ra trận” biểu diễn những ca khúc đi cùng năm tháng: “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Vũ Trọng Hối); “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” (Huy Du); “Tình em” (nhạc: Huy Du – Lời thơ: Ngọc Sơn); “Quảng Bình quê ta ơi” (Hoàng Vân); “Hai chị em” (Hoàng Vân); “Đưa cơm cho mẹ đi cày” (Hàn Ngọc Bích); “Bài ca Hà Nội” (Vũ Thanh). Những giai điệu ấy là thanh âm vang vọng từ quá khứ đến hiện tại, nhắc nhở thế hệ mai sau ghi nhớ về một thời kỳ bi tráng, hào hùng của quân và dân ta.

Chương 3 “Tượng đài chiến thắng” gồm các tác phẩm “Dáng đứng Bến Tre” (Nguyễn Văn Tý); Sông Đăk Rông mùa xuân về (Tố Hải); Liên khúc: Xuân chiến khu – Chào anh giải phóng quân mừng mùa xuân đại thắng (Xuân Hồng – Hoàng Vân); Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh); Bài ca thống nhất (Võ Văn Di); Mashup: Tiếng hát từ thành phố mang tên Người – Đất nước vươn mình (Cao Việt Bách – Đăng Trung – Đức Trịnh, Lời thơ: Lê Cảnh Nhạc); Tượng đài Chiến thắng (Xuân Thủy).

Hồ Trinh

Bình luận (0)