Du lịch đóng góp 5% vào GDP đất nước và được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều năm qua, Việt Nam vui mừng khi tăng trưởng khách quốc tế đến ngày một tăng cao, năm sau hơn năm trước. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm chúng ta bán cho du khách được lấy từ “thiên tạo”, sản phẩm đầu tư, tạo ra vẫn còn nhiều hạn chế. Chính sự ì ạch, chậm trễ này đã làm cho du lịch Việt Nam hụt hơi so với sự phát triển của các nước trong khu vực.
Nhìn người mà ngẫm đến ta
Trao đổi tại một chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách ở TPHCM mới đây, ông Tôn Thất Hòa, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch TPHCM, nhận xét, 20 năm qua Việt Nam vẫn chưa có được một sân khấu, nhà hát biểu diễn nghệ thuật dân tộc nào đủ lớn để giới thiệu đến du khách quốc tế. Đó là trăn trở, mong mỏi rất lớn cho những người làm du lịch nước nhà.
Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực ASEAN đều có chương trình nghệ thuật phục vụ du khách rất hoành tráng, có sức chứa đến 1.000 khách. Đó không chỉ là nơi giới thiệu nét khái quát nhất về văn hóa, lịch sử, con người của đất nước nơi du khách đến tham quan mà còn giúp làm du lịch hiệu quả. Ở các nước, chương trình này được xem là chương trình bắt buộc mà tất cả công ty du lịch điều phải đưa vào hành trình tour. Đầu tư cho những sân khấu này là những doanh nghiệp tư nhân. Giá vé xem chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp ăn buffet ở đây không rẻ, khoảng 50 USD/người trở lên. Thái Lan có chương trình biểu diễn nghệ thuật Siam Niramit khá hoành tráng tái hiện lịch sử của Vương quốc Thái Lan, với sự tham gia của hàng trăm diễn viên…
Du khách nước ngoài xem rối nước tại sân khấu rối nước Rồng Vàng (TPHCM).
Nhiều doanh nghiệp du lịch chia sẻ, chúng ta đi sau Thái Lan hàng chục năm về phát triển du lịch, việc “mơ” về một sân khấu biểu diễn như Siam Niramit là điều khó. Tuy nhiên, với việc thua xa cách làm của ngành du lịch Campuchia thì quả là chúng ta bị tụt hậu! Và càng sốt ruột hơn khi ngành du lịch của đất nước Campuchia lân cận vốn phát triển sau, non trẻ hơn Việt Nam nhưng đã có định hướng chiến lược phát triển, đầu tư cho du lịch một cách bài bản vượt xa Việt Nam. Chỉ đón khách quốc tế bằng một nửa của Việt Nam nhưng Campuchia cũng đã đầu tư, thuê đạo diễn nước ngoài xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc “Smile of Angkor” ở Siêm Riệp, đặc sắc chẳng thua kém gì Siam Niramit của Thái Lan.
Với chính sách không tăng giá để thu hút khách, tăng trưởng khách quốc tế đến Campuchia vẫn giữ ở mức cao ngay cả trong thời điểm kinh tế thế giới đều chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hiện nay. Theo số liệu của Bộ Du lịch Campuchia, trong 3 quý đầu năm 2012, Campuchia đón trên 2,57 triệu khách quốc tế, với mức tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2011. Lượng khách Việt Nam dẫn đầu thị trường khách quốc tế du lịch Campuchia, với khoảng 579.000 khách trong 9 tháng. Trong khi đó, tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng năm 2012 chỉ ở mức 13% so với cùng kỳ 2011.
May còn có rối nước
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, chia sẻ, không cần so sánh, học hỏi đâu xa, nhìn vào cách làm của du lịch Campuchia, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã thấy sốt ruột! Rõ ràng, chỉ trong gần 10 năm qua, Campuchia đã hoàn toàn “lột xác” trong chiến lược phát triển du lịch. Họ chỉ có 1 di sản thế giới, trong khi chúng ta có quá nhiều di sản và cảnh đẹp nhưng chưa thay đổi được cách làm. Du lịch Việt Nam đã và đang bị các nước trong khu vực bỏ lại phía sau.
Theo ông Mỹ, những sân khấu phục vụ du khách như kể trên, doanh nghiệp du lịch Việt Nam thừa sức để thực hiện nhưng khổ nỗi người có tiền lại không thích, chưa dám đầu tư vào đây. Nếu có cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư, cho vay tốt thì TPHCM cũng sẽ có được một sân khấu tương tự.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhà hát trẻ, cũng thừa nhận, du lịch Việt Nam đang đi sau Campuchia đến 20 – 30 năm! Doanh nghiệp phải tâm huyết, nuôi hy vọng lắm mới có thể đeo đuổi được với chương trình phục vụ du khách. Nếu không sáng đèn, biểu diễn liên tục mỗi ngày thì khó có thể tồn tại, thậm chí doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ trong thời gian đầu.
Với sân khấu rối nước Rồng Vàng, 2 năm đầu te tua vì vắng khách nhưng đến nay đã thành công, với 2 – 3 suất diễn/ngày (khoảng 400 – 500 khách/ngày). Và vui mừng hơn, khách xem rối nước đa số là khách nước ngoài, đặc biệt là khách Nhật Bản. Rối nước trở thành một đặc sản được khách Nhật yêu thích. Các công ty khai thác khách Nhật cho biết, 80% khách Nhật đến Việt Nam đều xem rối nước. Hiện nay nhiều công ty cắt chương trình xem rối nước ở Hà Nội để cho du khách xem tại TPHCM.
Quy mô sân khấu rối nước nhỏ, chỉ phục vụ khoảng 100 – 200 khách và rối nước chỉ là một phần nhỏ trong sự đa dạng của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, với việc “sáng đèn” thường xuyên, rối nước đã phần nào lấp được khoảng trống về sự khan hiếm của các chương trình biểu diễn nghệ thuật, phục vụ nhu cầu giải trí cho du khách quốc tế đến TPHCM và cả Việt Nam hiện nay.
Tại Cung Văn hóa Lao động, bên cạnh rối nước Rồng Vàng, Công ty TNHH MTV Nhà hát trẻ cũng đã đầu tư xây dựng Nhà hát Nón lá – show Ngọc Việt trình diễn một số loại hình nghệ thuật Việt Nam đã được UNESCO công nhận và các loại hình nghệ thuật sân khấu đặc trưng của Việt Nam, kết hợp với tiệc buffet cho du khách. Tuy nhiên, sân khấu này còn trong giai đoạn… chờ khách! Ngọc Việt sẽ tồn tại hay rơi rụng như nhiều sân khấu phục vụ khách du lịch khác ở TPHCM? Theo các công ty lữ hành, với khả năng đầu tư hiện nay của một số sân khấu thì chưa đủ điều kiện, sức thuyết phục về khâu tổ chức, dịch vụ để các công ty lữ hành lựa chọn, đưa vào chương trình tour phục vụ khách quốc tế.
MỸ HẠNH (SGGP)
Bình luận (0)