Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Chương trình Onie ở Thái Lan: Khó khăn cần được giải quyết

Tạp Chí Giáo Dục

(Tiếp theo và hết)

Một lớp học ở Thái Lan. Ảnh: I.T

Được biết, vai trò của Onie là cung cấp, sắp xếp phân bố kiến thức và bài học thông qua những kênh khác nhau như các thư viện công (có hơn 800 trên cả nước), học qua các chương trình phát thanh và truyền hình, và hơn 8.000 trung tâm học tập cộng đồng của Onie đặt tại mỗi tambon (dưới cấp huyện, nhưng lớn hơn xã) tại khắp Thái Lan, trừ Bangkok. Mặc dù vậy nhưng ở Onie vẫn còn tồn tại những khó khăn như về giáo viên, tài chính, hay là cả chất lượng sách giáo khoa (SGK)… cần được giải quyết trong thời gian tới.
Cần cải thiện
 Để giáo dục phi chính qui, Onie sử dụng hơn 30.000 “người tạo thuận lợi” hàng năm để dạy học trên cả nước. Trên lý thuyết, mỗi người có khoảng 80 học viên. Họ là những thầy giáo toàn thời gian đã có bằng cử nhân trong nhiều lĩnh vực. Và chỉ sau ít ngày được tập huấn đứng lớp, “người tạo thuận lợi” được mời bắt đầu dạy học ngay, trong khi thực ra tập huấn như vậy là chưa đầy đủ trong hầu hết các trường hợp.
Tuy nhiên, nhiều “người tạo thuận lợi” lại được mời dạy những bộ môn không phải chuyên ngành của họ. Thường do thiếu thầy, nên một trung tâm chỉ có một thầy giáo dạy nhiều môn cho nhiều người theo học với trình độ khác nhau.
Thành tích của “người tạo thuận lợi” được đánh giá qua nhiều yếu tố, một trong số đó là các học viên qua được mỗi lục cá nguyệt. Cho nên nhiều thầy giáo chỉ nhằm bảo đảm sao cho hầu hết học viên làm bài kiểm tra và bài thi cho giỏi.
Hậu quả là “người tạo thuận lợi” luôn dành quá nhiều thời gian vào việc coi lại những bài thi kỳ trước và gợi ý trả lời đúng các câu hỏi, hơn là dạy cho học viên suy nghĩ sáng tạo. Một số “người tạo thuận lợi” thậm chí còn viết lên bảng những câu trả lời trong các kỳ kiểm tra.
Theo tiến trình của chương trình, những học viên phi chính qui học theo SGK của Onie và hàng tuần tham dự những buổi hội thảo và làm bài tập cho sẵn. Onie tự phát hành SGK của mình và mọi người có thể mượn trong suốt học kỳ.
Chính phủ cấp ngân sách hỗ trợ mỗi học viên với giá SGK mới là 290 bath, 360 bath và 400 bath, lần lượt cho các trình độ sơ cấp, cấp 2 thấp và cấp 2 cao.
Tuy nhiên SGK thường quá đát và không hợp với tiêu chuẩn cao, với khá nhiều chỉ dẫn sai và thiếu rõ ràng, khiến học viên lúng túng và khó khăn khi tự học.
Thêm nữa, đa phần học viên làm việc toàn thời gian, thường là 6 ngày/tuần. Do đó họ thiếu thời giờ để nghiên cứu và phát triển chiều sâu kiến thức về những bộ môn mà họ đã chọn. Có tới gần 20% học viên rớt trong mỗi lục cá nguyệt và tỉ lệ này là rất cao, theo TS. Chaiyosh.
Với nhiều học viên, tập trung vào khóa học đã thay đổi từ học để hiểu biết thành đơn giản là học để lấy mảnh bằng.
Cần chất lượng
Bộ Giáo dục, hợp tác với Văn phòng Tiêu chuẩn Giáo dục và Đánh giá chất lượng quốc gia (Onesqua), mới đây trắc nghiệm 17.818 học viên trình độ cấp 2 cao tại 500 trung tâm giáo dục phi chính qui trên cả nước để đánh giá chất lượng của chương trình.
TS. Somwung Piriyanuwat của Onesqua giải thích trắc nghiệm do Viện Quốc gia về dịch vụ trắc nghiệm giáo dục thiết kế dựa trên trắc nghiệm giáo dục quốc gia thông thường (O-Net), nhưng không khó bằng. Các trắc nghiệm gồm toán, khoa học và tiếng Anh.
Kết quả trắc nghiệm cho thấy các học viên bị điểm kém trong cả ba môn, với tỉ lệ đạt là 32% trong toán, 33% trong khoa học, và 27% trong tiếng Anh.
Kết quả kém như trên khiến các học viên không thể thành công trong thị trường lao động mang tính cạnh tranh hiện nay hoặc được nhận vào đại học quốc gia để tiếp tục học lên cao.
Tương lai sáng sủa hơn
Nhận biết vấn đề, Bộ Giáo dục đang làm việc với Onie và Onesqua để hình thành một “hệ thống đảm bảo chất lượng” cải thiện các tiêu chuẩn học. TS. Chaiyosh cho biết Onie cũng đang coi lại đánh giá trắc nghiệm của mình và kiểm tra việc tiêu chuẩn hóa SGK sao cho các học viên có thể tự tin hơn. Onie còn đang tích cực làm việc hầu cải thiện chất lượng các cơ sở và người tạo thuận lợi trong khi hi vọng nhận ngân sách lớn hơn để sử dụng chuyên gia trong nhiều bộ môn khác nhau nhằm hỗ trợ những “người tạo thuận lợi” cần giúp đỡ.
Tuy nhiên, TS. Somwung đề nghị Bộ Giáo dục yêu cầu các trường học chính qui, với khả năng và nhân lực chuyên nghiệp, giúp quản lý những chương trình giáo dục không chính thức, và những trường chính qui và không chính qui cần hợp tác nhiều hơn.
Về chất lượng SGK, TS. Somwung nói mặc dù thị trường phát hành SGK mở ra cho công chúng, điều đáng nói là nội dung phải chính xác, cập nhật và điều chỉnh thích hợp nhằm bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn sư phạm hiện hành. Những tiêu chuẩn này cần được một cơ quan độc lập giám sát và cơ quan này phải chịu trách nhiệm về sản phẩm cuối cùng.
Thêm nữa, nội dung và giải thích trong những SGK khác nhau về cùng một bộ môn cần như nhau, dù là giáo dục chính qui hay phi chính qui. Tuy vậy các bài tập có thể thêm vào, miễn sao phù hợp, TS. Somwung giải thích.
Lĩnh vực tư nhân cũng nên khuyến khích người sử dụng lao động nâng cao giáo dục cho những người làm thuê thông qua giáo dục phi chính thức – điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
Mặc dù tất cả mọi thách thức, bà Natthamon vẫn lạc quan về việc học của mình. Bà giải thích: “Tôi biết tại sao tôi ở đây. Tôi muốn học càng nhiều theo có thể, hãnh diện về mình và trở thành một người tốt hơn. Một nền giáo dục tốt là thứ tôi muốn. Các kỹ năng và kiến thức sẽ còn lại trong tôi mãi mãi, và tấm bằng chỉ là thứ thêm vào”.
Quang Hùng
 (Theo Learning Post)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)