“Tác giả viết sách nhưng khi dạy đến phần viết của chính mình, ông bị “cháy giáo án”. Có sự mâu thuẫn khá lớn giữa chương trình, sách giáo khoa (SGK) so với thời gian giảng dạy”. Đây chỉ là một ví dụ trong vô số dẫn chứng về sự nặng nề, quá tải trong quá trình thực hiện chương trình phân ban (CTPB) được nhiều đại biểu của 25 tỉnh, thành phía Nam thẳng thắn phản ánh trong Hội thảo Đánh giá 3 năm thực hiện chương trình, SGK THPT tổ chức vào ngày 19-9.
Hàn lâm như… SGK
Không hẹn mà gặp, các đại biểu đều cùng chung nỗi bức xúc: Chương trình, SGK PB quá nặng. Sách hình ít, chữ nhiều, thừa lý thuyết, thiếu thực hành. Không chỉ HS mà cả GV cũng khó hiểu nội dung của sách. Sách khó hiểu, buộc HS phải đi học thêm.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Nguyễn Anh Dũng cũng thừa nhận: Nhìn chung SGK của các môn học còn nặng. Trong chương trình có yêu cầu giảm tính hàn lâm, lý thuyết, tăng thực hành nhưng không phải nhóm tác giả nào cũng thực hiện được điều đó.
Ông Hoàng Văn Cẩn, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TPHCM, ao ước: Giá như có Tổng chủ biên các bộ sách đến tham dự hội thảo ngày hôm nay để lắng nghe ý kiến từ các trường, để thấy SGK cải tiến, đổi mới còn nhiều vấn đề lắm. Người soạn sách rất uyên bác, khoa học nhưng nóng vội mong muốn con cháu “lớn nhanh như Phù Đổng”, đưa nhiều kiến thức hàn lâm vào sách khiến HS khó “tiêu thụ” được.
Ông Huỳnh Sanh Nhẫn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận, đề nghị: Bộ cần thiết kế chương trình thành 2 phần “cứng” và “mềm”. Phần “cứng” như pháp lệnh, bắt buộc các tỉnh, thành phải tuân thủ, trong khi phần “mềm” linh hoạt, để địa phương thực hiện theo điều kiện của mình. Bộ mạnh dạn cắt giảm khối lượng kiến thức, dành thời gian cho luyện tập. Thà ít mà nhớ lâu còn hơn học nhiều mau quên.
|
Phụ huynh có con trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Marie Curie năm học 2009-2010 trao đổi về việc chọn ban học. Ảnh: MAI HẢI
|
Cùng nhau “theo”… cơ bản
Trong suốt một ngày hội thảo, hầu hết đại biểu tập trung thảo luận về những bất cập về nội dung chương trình, SGK, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên (GV), chế độ chính sách… của bậc THPT. Nhưng nổi cộm hơn cả, dù Bộ GD-ĐT chưa chính thức thừa nhận, nhưng thực sự CTPB đang… “hấp hối”. Điều này không chỉ thể hiện ở nhiều bức xúc về nội dung, chương trình mà còn cụ thể qua lựa chọn ban của HS.
Số liệu của Bộ GD-ĐT đã cho thấy có sự “lệch pha” trong tỷ lệ chọn ban. Nếu như năm học 2006-2007 chỉ có 74,22% HS lớp 10 chọn Ban Cơ bản, 6,41% chọn Ban Khoa học xã hội – nhân văn (KHXH-NV) thì đến năm học 2008-2009, tỷ lệ chọn Ban Cơ bản tăng lên 83,84% trong khi HS vào Ban KHXH-NV giảm còn 1,92% và 14,2% học Ban Khoa học tự nhiên (KHTN). Đặc biệt, địa hình càng lên… cao, xu hướng theo cơ bản càng tăng. Nếu vùng Đông Nam bộ có 88,1% thì đồng bằng sông Hồng có 82,6% HS chọn cơ bản. Còn tại vùng Tây Bắc, tỷ lệ này là 94,3%, vùng Đông Bắc: 91,9%.
Ban Cơ bản được hình thành sau giai đoạn thí điểm PB dần dà trở thành sự chọn lựa tối ưu và an toàn cho những HS không có khả năng học Ban KHXH-NV hay Ban KHTN. Theo Bộ GD-ĐT, Ban Cơ bản đáp ứng nguyện vọng của đa số HS. Bộ phận chọn ban này thể hiện rõ định hướng không dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Tám, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học tỉnh Bình Thuận, phản bác: “Nhận định trên của Bộ GD-ĐT không chính xác. HS lựa chọn Ban Cơ bản để thuận nhất cho thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH – như thông báo của Bộ GD-ĐT, nội dung thi là phần giao của 2 chương trình, tức là phần chuẩn”.
Chính vì vậy, ngay trong chọn Ban Cơ bản phân hóa theo khối thi ĐH, có đến 17,2% HS chọn cơ bản khối A (toán – lý – hóa), 3,6% chọn cơ bản C (văn – sử – địa) và 50,5% HS không học các môn nâng cao để rảnh rang đến các lò luyện thi.
Với xu thế lựa ban để “dọn đường” cho thi ĐH, rõ ràng, phân ban “nhằm phát huy sở trường, năng khiếu của HS đồng thời đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa đất nước” đã không làm tròn mục tiêu ban đầu. Đó là chưa kể những lo ngại, việc bảo tồn văn hóa, di sản dân tộc ở các thế hệ tương lai như thế nào khi đại đa số HS hờ hững với các bộ môn KHXH-NV, vấn đề đã được dư luận xã hội nhiều lần lên tiếng?
HỒNG LIÊN (SGGP)
Chương trình PB đã chú ý tới giáo dục toàn diện con người về các mặt đức, trí, thể, mỹ, tăng cường hoạt động giáo dục và định hướng nghề nghiệp so với chương trình cũ. Hạn chế của chương trình thể hiện ở: một số môn học yêu cầu còn cao, còn sự trùng lặp nội dung ở một số môn học như sinh học và công nghệ, hoạt động ngoài giờ lên lớp và giáo dục công dân, giáo dục hướng nghiệp và nghề phổ thông. Có sự không phù hợp giữa chương trình giáo dục với điều kiện cơ sở vật chất nhà trường và trình độ GV.
Cách dùng từ, thuật ngữ, khái niệm, ký hiệu, cách tiếp cận giữa SGK theo chương trình chuẩn và SGK nâng cao ở một số môn học có chỗ chưa thống nhất, gây khó khăn cho GV, HS như SGK vật lý, toán, ngữ văn. Trong một số SGK còn có những sai sót nhỏ về kiến thức, khái niệm hoặc thuật ngữ khoa học. Có những kiến thức chưa cập nhật, một số nội dung, bài tập trong SGK cao hơn so với yêu cầu của chương trình.
(Nguồn: Bộ GD-ĐT)
|
Tin liên quan
Xây dựng môi trường học tập xanh và sáng tạo đã trở thành định hướng quan trọng của nhiều trường mầm non...
Trong thời gian qua, công tác y tế học đường tại các trường học đã được chú trọng nhằm đảm bảo vai...
Hiện nay, ở trường phổ thông, nhất là trường tiểu học, giáo viên chịu khá nhiều áp lực không chỉ do công...
Nghe chính là một “kênh” tiếp nhận thông tin quan trọng của con người, đó cũng chính là nguồn cung cấp cho...
Bình luận (0)