Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chương trình phát thanh học đường: Nhịp cầu nối những bờ vui

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Phát thanh viên Nguyễn Thanh Thúy (lớp 7/2 Trường THCS Nguyễn Văn Phú đang đọc những yêu cầu của các bạn học sinh trong chương trình Từ trái tim đến trái tim

“Trong trái tim mình luôn có hình bóng của các bạn, mình thấy những kỷ niệm ngọt ngào và ấm áp theo thời gian, làm dịu mát tâm hồn! Mình hy vọng những kỷ niệm tươi đẹp đó sẽ còn mãi. Năm nay là năm học cuối chúng ta học chung với nhau, lời chúc sinh nhật này là lần đầu tiên mình gửi tới các bạn và cũng có thể là lần cuối cùng!”. Đó là một trong những chương trình phát thanh Từ trái tim đến trái tim của Trường THCS Nguyễn Văn Phú, quận 11 (TP.HCM).
Có thể khẳng định rằng, chương trình Từ trái tim đến trái tim vô hình trung đã trở thành nhịp cầu nối những bờ vui cho các bạn học sinh ở trường này. Mỗi sáng, các bạn thu xếp đến trường sớm hơn để lắng nghe những lời chúc hay, những giai điệu vui nhộn mà bạn bè gửi tặng. Một bạn có nickname là Boo gửi tặng tập thể lớp 9/6 bài hát Ngồi lại bên nhau với lời nhắn nhủ: “Năm nay cũng là năm cuối rồi, cái khoảnh khắc đó nhanh quá. Tập thể lớp 9/6 có những bạn bị chia lớp đừng quên thời gian chúng mình học chung nhé. Tất cả thành viên lớp mình dễ thương lắm. Các bạn cố gắng học giỏi để được vào lớp 10 nha…”. Nếu bạn nào không dám bày tỏ cảm xúc của mình với thầy cô thì chương trình này chính là cầu nối để thầy cô và trò xích lại gần nhau hơn. “Tuy cô chỉ chủ nhiệm lớp em một năm nay nhưng cô luôn động viên mỗi khi chúng em gặp khó khăn, cô lúc nào cũng là người thân luôn luôn quan tâm đến chúng em. Mỗi thành viên lớp em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng cô. Dù có chuyện gì xảy ra thì cô vẫn luôn luôn mỉm cười để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của cuộc sống cô nhé!”. Những lời bày tỏ tình cảm này được một học sinh gửi đến cô giáo chủ nhiệm Hoàng Dung qua bài hát Rùa con. Để thực hiện chương trình, các em học sinh tự xây dựng nội dung kịch bản, dàn dựng chương trình để phát trong giờ ra chơi. Vì thế những cảnh chạy nhảy lung tung trong giờ ra chơi ở trường đã không còn, thay vào đó là hình ảnh những cô cậu học sinh ngồi chăm chú lắng nghe “đài phát thanh” của trường mình phát ra những lời chia sẻ, hay nghe những thông tin bổ ích cho tuổi ô mai. Thầy Nguyễn Minh Hoàng Hải, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Văn Phú, kể: “Từ khi có chương trình Từ trái tim đến trái tim được phát từ 6 giờ đến 6 giờ 30, tình trạng học sinh đến trường muộn giảm đáng kể vì hầu hết các em đều háo hức đến trường sớm để nghe những lời bạn bè gửi tặng qua các bài hát. Bốn bạn học sinh được chọn làm phát thanh viên tuy hơi vất vả nhưng các em đều rất vui, vì khi tham gia các em được rèn luyện kỹ năng đọc tiếng Anh, giọng đọc truyền cảm…, đồng thời tự tin hơn khi nói trước đám đông”.
“Đài phát thanh” Trường THPT Gia Định đã thành lập gần 10 năm nay. Đến giờ ra chơi, học sinh trong trường lại rộn ràng với những khúc nhạc vui của chương trình Quà tặng âm nhạc hay chăm chú lắng nghe những tin tức sự kiện, có khi lại đắm chìm cảm xúc với những bài văn hay của các bạn cùng trường. Thầy Nguyễn Anh Sơn, trợ lý thanh niên trường THPT Gia Định, chia sẻ: “Những năm đầu mới mở, chương trình phát thanh học đường của trường đã thu hút rất nhiều học sinh quan tâm. Thùng thư để các em gửi những yêu cầu qua các bài hát được yêu thích ngày nào cũng quá tải. Đây không chỉ là một chương trình giúp các em thư giãn sau giờ học căng thẳng mà còn là nơi cung cấp cho các em rất nhiều thông tin học tập bổ ích”. Có thể nói, để mở chương trình phát thanh học đường cần có sự đầu tư nhiều về thời gian và công sức. Vì thế, hiện nay các trường chỉ phát theo thời gian chủ điểm như chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày thành lập Đoàn, Ngày Quốc tế Phụ nữ…. Thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (Bình Thạnh), cho biết: “Phát thanh học đường đã được thực hiện ở trường cách đây hai năm. Tuy nhiên, nhà trường mới chỉ thực hiện theo chương trình chủ điểm chào mừng các ngày lễ lớn. Muốn phát thanh được hàng ngày thì cần phải có sự đầu tư lớn trong chương trình như chọn lọc nội dung phong phú, có tính giáo dục cao…”.
Bài, ảnh: Dương Bình

Hiện nay không chỉ Trường THCS Nguyễn Văn Phú có chương trình phát thanh học đường mà mô hình này đã xuất hiện ở nhiều trường trên địa bàn TP.HCM như THCS Đống Đa (Bình Thạnh), THPT Gia Định…

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)