Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Để có hiệu quả thật sự

Tạp Chí Giáo Dục

UBND TP.Đà Nẵng tuyên dương khen thưởng cho học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đạt thành tích cao tại kỳ thi Olympic quốc tế
Sau 15 năm triển khai công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) đã góp phần trẻ hóa và tạo chuyển biến trong chất lượng đội ngũ cán bộ (CB), công nhân viên chức, bổ sung CB có trình độ, năng lực, dám nghĩ, dám làm và có khả năng đảm đương những trọng trách trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên bên cạnh đó công tác còn nhiều hạn chế, thiếu tính chủ động, cạnh tranh và bền vững…
“Nếu so sánh, con số 600 tỷ đồng đầu tư đào tạo NNLCLC với xây dựng nửa chiếc cầu thì hẳn việc đầu tư cho nguồn nhân lực có hiệu quả. Điều quan trọng là lực lượng này nếu biết phát huy, khơi dậy năng lực chuyên môn thì họ có thể làm ra rất nhiều chiếc cầu lớn cho TP”. Đó là ví von của ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng về tầm nhìn chiến lược của TP trong việc triển khai công tác phát triển NNLCLC của TP này.
Theo báo cáo của Thành ủy TP.Đà Nẵng, sau 15 năm thực hiện, đã thu hút, bố trí công tác cho 1.043 người tốt nghiệp ĐH công lập trở lên, trong đó có 13 tiến sĩ, 224 thạc sĩ, 806 người tốt nghiệp ĐH, 45 người tốt nghiệp ở nước ngoài. Phần lớn trong số này được bố trí công tác tại các sở, ban, ngành TP (79%), còn lại bố trí cho khối quận, huyện (9%) và phường xã (12%).
Chạy theo số lượng
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo đề án, công tác phát triển NNLCLC của TP.Đà Nẵng 15 năm qua vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó hạn chế lớn tập trung vào các vấn đề như: Triển khai các giải pháp phát triển NNLCLC gồm thu hút – đào tạo – bồi dưỡng chưa được đồng bộ; việc xây dựng chỉ tiêu ngành nghề cần đào tạo, số lượng con người, vị trí cần thu hút chưa bám sát vào nhu cầu nhân lực trước mắt cũng như quy hoạch nhân lực dài hạn trong phát triển kinh tế xã hội của TP. Công tác thu hút còn thiếu tính chủ động, cạnh tranh và bền vững. Chưa thu hút được các chuyên gia đầu ngành, đầu lĩnh vực về làm việc cho TP. Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa làm tốt việc quản lý, sử dụng NLCLC. Đó là chưa kể nhiều trường hợp CB NLCLC sau khi được đầu tư đào tạo lại giở chiêu “đào tẩu”, có đến 26 lượt người vi phạm hợp đồng đào tạo (chiếm 4,28% tổng số học viên). Bên cạnh đó một số lĩnh vực như ngành y tế Đà Nẵng dù được thụ hưởng nhiều nhất NLCLC (217 người, chiếm 23,6%) nhưng cũng là nơi đang thiếu bác sĩ trầm trọng nhất. Đặc biệt, ngành du lịch thiếu vắng chuyên gia giỏi, còn lĩnh vực văn hóa thì hầu như  không có một học viên nào trong số các CB theo diện đào tạo NNLCLC được thu hút – đào tạo – bồi dưỡng… Nguyên nhân do công tác phát triển NNLCLC tổ chức triển khai manh mún, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan tham gia. Một số cơ quan, đơn vị thiếu chủ động xây dựng quy hoạch CB, xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực…
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, khẳng định: Công tác phát triển NNLCLC của Đà Nẵng 15 năm qua còn nhiều hạn chế. Ngành nghề trong thu hút, đào tạo có lúc chưa rõ ràng, chưa thật sự chủ động, còn lúng túng. Vẫn còn tình trạng chạy theo số lượng, cơ cấu nam – nữ chênh lệch lớn. Việc bố trí công việc sau đào tạo cho một số trường hợp không phù hợp nên không phát huy hiệu quả. Chính sách giữa chiêu hiền và đãi sĩ còn vênh nhau, dẫn đến có sự “cân đo, đong đếm” nên chưa phát huy hiệu quả lớn trong công việc của cơ quan, đơn vị. Đó là chưa kể một số trường hợp vi phạm cam kết giữa gia đình, học viên và cơ quan.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo đề án hướng tới mục tiêu giảm dần số lượng thu hút nhân lực để tập trung thu hút chuyên gia đầu ngành, đầu lĩnh vực. Đẩy mạnh hoạt động thu hút theo kiểu “săn đầu người”; xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân tài để chủ động trong việc tiếp cận, vận động về làm việc cho TP, thực hiện việc thu hút bậc tiến sĩ kết hợp với thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. Thực hiện đồng bộ chính sách “chiêu hiền” với công tác “đãi sĩ” đối với CB công chức hiện đang công tác; làm tốt công tác sử dụng và “giữ chân người tài”, thực hiện tốt bố trí, phân công công việc phù hợp với năng lực, sở trường… Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ thí điểm phân bổ nhân lực được đào tạo, thu hút về các doanh nghiệp trên một số ngành mũi nhọn, kinh tế của TP đối với những trường hợp bố trí ở khu vực công không phù hợp với ngành nghề đào tạo. “Cần thực hiện việc đầu tư đào tạo NNLCLC có trọng tâm, trọng điểm”, ông Trần Thọ nhấn mạnh. Đồng thời cũng lưu ý đến các chế tài chặt chẽ đối với các CB diện thu hút gây thất thoát ngân sách, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Giải quyết bài toán NNLCLC tại chỗ với chương trình hỗ trợ đào tạo bậc ĐH tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn TP. Trong số 340 em tham gia đào tạo ở bậc ĐH theo Đề án phát triển NNLCLC, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chiếm đến 91%. Việc đầu tư trọng điểm Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn theo định hướng chất lượng cao, đồng bộ cả về CSVC, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên giỏi và chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh. Đây là một trong những hướng đầu tư, phát triển NNLCLC của Đà Nẵng. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)