Chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ GD-ĐT công bố đang trở thành tâm điểm trong những ngày qua khi kỳ vọng sẽ giúp cả thầy và trò giảm tải được áp lực dạy và học, đi sâu vào phát triển năng lực người học.
Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Vàm Cỏ Đông (Q.8) đọc sách
Tuy nhiên hiện còn quá sớm để nói về một chương trình khi chưa đi vào vận hành, thế nhưng, nhiều giáo viên vẫn tỏ ra băn khoăn về tính thực thi của chương trình trước nỗi lo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Đây là những yếu tố được coi là “hồn cốt” để chương trình thành công. Theo lộ trình, năm học 2020-2021, chương trình sẽ được triển khai đối với lớp 1, tức là chỉ còn hơn một năm học nữa…
Có thật sự giảm tải?
Đây là băn khoăn được cô Nguyễn Thị Thanh Huyền (giáo viên Trường Tiểu học Bình Trị 2, Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ. Cô Huyền cho rằng chỉ tính riêng việc học sinh tiểu học sẽ được học 2 buổi/ngày là đã “khó thực thi”, dù chủ trương hoàn toàn đúng. “Học một buổi mà chỗ đã không đủ, còn phải nhồi nhét, lớp học phải 60 học sinh. Nếu học 2 buổi thì áp lực không biết sẽ như thế nào trong khi thời lượng các môn học cũng vẫn như cũ. Chương trình học chuyển mình, phương pháp chuyển mình thì cần nhất là cơ sở vật chất cũng phải chuyển mình”, cô Huyền chia sẻ.
Theo cô Huyền, việc học sinh học 2 buổi không chỉ khiến nhà trường gặp khó khi cơ sở vật chất không đủ đáp ứng mà còn gây khó khăn cho phụ huynh khi phải đưa đón hoặc phải đáp ứng bán trú. “Không phải phụ huynh nào cũng có thời gian để đưa đón và điều kiện để cho con học bán trú”, cô Huyền nói.
Bên cạnh đó, cô Huyền cũng tỏ ra băn khoăn trước những hoạt động trải nghiệm được đề ra trong chương trình giáo dục mới thì liệu chương trình học ở các môn có thật sự giảm, để giáo viên bớt phải “ôm đồm”. “Nghe qua thì rất hay, rất hứng thú. Nhưng thêm cái mới vào thì những cái cũ phải thật sự giảm đi, phải bỏ đi những phần kiến thức không phù hợp”, cô Huyền bày tỏ.
Trong khi đó, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM) cho rằng chính những mục tiêu mà chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra về phát triển năng lực cho học sinh lại trở nên ôm đồm quá mức, vô hình lại đẩy mạnh hơn về giáo dục phát triển toàn diện, trong khi đó chưa thấy đề cập đến hướng phát triển cá thể hay bóng dáng của việc đẩy mạnh phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đứng ở góc độ quản lý, điều thầy Phú lo lắng nhất để thực thi được chương trình giáo dục phổ thông mới chính là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. “Có một số tiết học gọi là trải nghiệm và kỹ năng. Thế nhưng, để làm được với cơ sở vật chất như hiện nay thì không thể đáp ứng được. Chương trình giáo viên dạy học tích hợp, đòi hỏi người thầy phải có kiến thức tổng hợp, bao quát. Trong khi đó lực lượng giáo viên hiện tại chủ yếu dạy theo môn, liệu có đáp ứng được không? Rồi đội ngũ đào tạo giáo viên của các trường sư phạm có kịp thời thay đổi để đáp ứng? Hay chế độ đãi ngộ của người thầy cũng chưa được đề cập trong khi đây lại là yếu tố cũng hết sức quan trọng”, thầy Phú lo ngại.
Bên cạnh đó, thầy Phú cũng chỉ ra: “Tính riêng trong chương trình THPT mới thì các môn toán, lý, hóa gần như là không có sự thay đổi nhiều, chỉ một số bộ môn có giảm số tiết. Đơn cử như môn hóa, chương Nguyên tử lớp 10 lại đưa toàn bộ phần đại cương của chương trình ĐH xuống. Như vậy thì không những không giảm tải mà ngược lại tăng tính hàn lâm, áp lực lại càng lớn. “Giảm áp lực cho người học và người dạy không nằm ở việc giảm số tiết. Thật sự để giảm áp lực cho người học cần đến sự mạnh dạn đổi mới đánh giá, kiểm tra thi cử, dạy sao thi vậy, mà đề thi phải nằm đúng trong sách giáo khoa”, thầy Phú nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo thầy Phú, chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi tầm và năng lực của người hiệu trưởng. Bởi kết cấu cho hoạt động giáo dục của nhà trường sẽ có sự thay đổi. Trong khi chuẩn hiệu trưởng mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra lại quá nhiều, mang tính chất hành chính quá, không đi vào chiều sâu. “Hiệu trưởng ngày hôm nay và đặc biệt trong chương trình mới này đòi hỏi không chỉ trình độ mà còn phải thật sự đổi mới và tầm nhìn thực tế”, thầy Phú nhìn nhận.
“Việc thay đổi là cực kỳ khó”
Không phủ nhận tính tích cực mà chương trình giáo dục phổ thông mới đề ra khi học sinh sẽ có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm, các môn học mang tính cọ xát thực tiễn, nhiều môn học sẽ “co” lại để trở thành các môn học tích hợp. Đặc biệt là học sinh được lựa chọn môn học tại chương trình THPT mới. Tuy nhiên, đứng trước những điểm ưu việt này, nhiều giáo viên cho rằng “còn quá nhiều điều để bàn”. Ngoài cơ sở vật chất với trường lớp chật chội thì việc giáo viên dạy tích hợp liệu có được?
“Giáo viên nào cũng cho rằng bộ môn của mình là quan trọng. Việc thay đổi tư duy cho giáo viên không phải một chốc, một lát, một vài năm là làm được. Nhất là số giáo viên mới ra trường còn có thể được nhưng còn giáo viên lớn tuổi, tư duy rồi phương pháp, mọi thứ đã đi theo lối mòn. Việc nói thay đổi, nói gộp lại là cực kỳ khó”, cô Võ Ngọc Nương (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải, Q.12, TP.HCM) lo lắng.
Một điều nữa, theo cô Nương, đó là việc dạy tích hợp vài năm trở lại đây cũng đã được nhiều trường làm nhưng chỉ dừng ở mức chuyên đề, ở một số bộ môn. “Để 1 tiết học 45 phút mà lồng ghép được vài bộ môn như yêu cầu của chương trình mới đề ra thì hơi… khó cho giáo viên; giáo viên phải dạy làm sao, vai trò như thế nào. Nhất thiết phải có một khung chương trình cụ thể, càng sớm càng tốt để giáo viên dễ hình dung”, cô Nương yêu cầu.
Học sinh Trường Tiểu học An Hội (Q.Gò Vấp) tự phục vụ trong bữa ăn trưa
Trong khi đó, nhiều giáo viên ở môn học tự chọn lại hoang mang về số phận chính môn học của mình. “Xác định luôn là học sinh sẽ không chọn môn sử. Chắc mình bỏ nghề”, một giáo viên dạy môn sử bậc THPT nói.
Hay như tin học – môn học sẽ bị giảm 50% số tiết, cô Thu Hường (giáo viên một trường THPT ở TP.HCM) nói rằng đọc mà thấy “mông lung quá”, không biết phải làm sao.
Không băn khoăn về mục tiêu của chương trình mới đề ra, điều mà cô Võ Thị Trúc Mai (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vàm Cỏ Đông, Q.8, TP.HCM) lo ngại nhất ngoài cơ sở vật chất là việc bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình này sẽ như thế nào. “Theo lộ trình còn hơn 1 năm nữa chương trình sẽ triển khai ở lớp 1. Thế nhưng, đến thời điểm này giáo viên vẫn chưa biết phải làm gì. Nếu áp dụng cái mới thì phải như thế nào để giáo viên lớn tuổi có thể theo kịp”, cô Trúc Mai băn khoăn.
Thừa nhận vai trò của người Hiệu trưởng trong chương trình mới, nhưng cô Trúc Mai cũng cho rằng cần phải có một khung chương trình cụ thể thì người quản lý mới hình dung ra để “co kéo”. “Nói là năm học 2020-2021 sẽ bắt đầu thực hiện ở lớp 1. Nhưng thiết nghĩ cần có sự cuốn chiếu để giáo viên ngó nghiêng, làm cho quen chứ đừng làm cái “rụp””, cô Trúc Mai chia sẻ.
Là giáo viên có hơn 20 năm gắn bó với học sinh lớp 1, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: “Thật ra với học sinh lớp 1, dạy cái gì, tên môn học như thế nào không quan trọng. Bởi ở lớp 1 quan trọng chỉ là dạy các em biết đọc, biết viết. Thế nhưng, với chương trình giáo dục phổ thông mới thì vấn đề mà giáo viên quan tâm là biết viết, biết đọc đó nhưng đọc làm sao, viết như thế nào để các em không bị nhồi nhét, quá tải”.
Yến Hoa
Bình luận (0)