Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chương trình – sách giáo khoa THPT: Cần được đánh giá lại

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nặng nề, quá tải. Đó là điểm chung mà đại biểu đến từ các sở GD-ĐT, các trường đã nói về chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) tại hội thảo đánh giá 3 năm thực hiện CT-SGK THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 24-9, tại Hà Nội. Có lẽ, dù rất không muốn động đến “bộ”, nhưng vì quá nhiều bức xúc, không nói ra không được nên hầu hết ý kiến đều tập trung chỉ ra những bất cập của CT-SGK…
Điệp khúc: Thiếu…!

Bắt đầu từ năm học 2006 – 2007, Bộ GD-ĐT đã triển khai đổi mới chương trình giáo dục THPT. Thế nhưng, sau 3 năm triển khai, nhìn lại chặng đường đã đi, hầu hết các địa phương đều chung tâm trạng: lo lắng, lúng túng, chật vật. Chính Bộ GD-ĐT cũng phải thừa nhận, các điều kiện để bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện cho giáo dục THPT còn rất thiếu thốn, bất cập.
Nhìn lại có thế thấy, với điều kiện tiên quyết là giáo viên (GV) thì đội ngũ này còn thiếu và chưa đồng bộ, mặt khác lại chưa được chuẩn bị tốt về kỹ năng đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá.
Còn về cơ sở vật chất, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Vũ Đình Chuẩn, các trường THPT chủ yếu học 1 buổi/ngày, với thời lượng học trên lớp chỉ với 45 phút/tiết, thấp hơn mức trung bình của thế giới, rất khó cho việc bố trí kế hoạch giáo dục. Vẫn là điệp khúc thiếu: thiếu thiết bị dạy học, thiếu phòng học bộ môn, phòng thiết bị, sân chơi, bãi tập, máy vi tính… vì thế ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện CT-SGK mới, nhất là các bộ môn có nhiều thí nghiệm, thực hành.
Điều kiện thực thi là thế. Còn bản thân CT-SGK thì sao?
Dù đã được thừa nhận là có cải thiện hơn các CT-SGK trước đây, nhưng CT vẫn bị kêu là một số môn học yêu cầu còn cao, một số nội dung chưa thực sự cơ bản, làm cho khối lượng kiến thức gia tăng. Nhiều kiến thức trong SGK còn trừu tượng, chưa chuẩn xác, chưa thống nhất, gây khó khăn cho GV và học sinh (HS); một số nội dung ở một số bài còn nặng, khó, chưa phù hợp với phần đông HS.
Bởi thế nên, dù đã đi được chặng đường 3 năm, nhưng khi ngồi lại để đánh giá CT-SGK THPT, địa phương nào cũng thấy bất an.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Hoài Chương thừa nhận, dù TPHCM đã chuẩn bị rất kỹ để thực hiện CT-SGK mới, nhưng kết quả vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do bản thân CT-SGK còn nhiều hạn chế và các điều kiện để thực hiện còn kém. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế đặt vấn đề, phải chăng ngành GD-ĐT đã vội vàng triển khai CT-SGK mới khi điều kiện chưa chín, mục tiêu thì nhiều nhưng chỉ đạo thực hiện chưa tới?
Ôm đồm, quá tải
Đại diện Sở GD-ĐT Lào Cai cho rằng, CT hiện nay đang theo kiểu “con rô cũng tiếc, con diếc cũng thương”, vì vậy nên quá tải, cái gì cũng học nhưng học xong là quên. Theo ông Nguyễn Tài Công, Trưởng phòng GDTH, Sở GD-ĐT Nghệ An: từng môn thì không nặng, nhưng cả CT thì nặng, vì quá nhiều môn.
Vấn đề CT nặng nề, quá tải đã được xới lên từ lâu và bản thân ngành GD-ĐT cũng đã nhận thấy và có sự điều chỉnh (từ năm học 2008 – 2009, bộ đã cho áp dụng kế hoạch giáo dục 37 tuần thực học thay vì 35 tuần trước đây, nhằm giảm số tiết học hàng tuần cho học sinh). Sự quá tải của chương trình THPT hiện nay còn thể hiện ở việc, khi PV hỏi hiện nay ở THPT có bao nhiêu môn học, thì khá nhiều vị hiệu trưởng THPT chỉ biết trả lời: nhiều lắm, hình như là 13 hay 15 môn gì đó..?
Chương trình THPT hiện nay được cho là quá nhiều môn học, trong đó có rất nhiều môn khó giảng dạy. Ông Nguyễn Tài Công (Nghệ An) cho hay, với các môn như KHCN, CNTT, dạy nghề… vẫn cứ phải dạy, dù biết là không bảo đảm chất lượng. “Làm gì có phòng ốc, thiết bị mà dạy. Chúng tôi nhiều lần đòi bỏ dạy nghề, nhưng nếu bỏ thì các em thiệt điểm ưu tiên, nên vẫn cứ cố dạy”.
Còn ông Lê Văn Phước, Phó Trưởng phòng GDTH, Sở GD-ĐT Khánh Hòa đề xuất bộ phải sớm đánh giá lại CT, cần nâng thời lượng môn này, giảm thời lượng môn kia cho phù hợp.
“Thi gì học nấy”
Ông Trần Viết Niệm, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Khai (Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho rằng, giữa CT-SGK THPT hiện nay và vấn đề thi cử đang có bất cập lớn. Tâm lý chung của phụ huynh, HS hiện nay là “thi gì học nấy”. Nhìn vào tỷ lệ phân ban sẽ thấy rất rõ điều này. Nếu như năm học 2006 – 2007 chỉ có 74,22% HS lớp 10 chọn ban cơ bản, 6,41% chọn ban khoa học xã hội – nhân văn (KHXH-NV) thì đến năm học 2008 – 2009, tỷ lệ chọn ban cơ bản tăng lên 83,84% trong khi HS vào ban KHXH-NV giảm còn 1,92% và 14,2% học ban khoa học tự nhiên.
Ông Nguyễn Thanh Hùng (Sở GD-ĐT Thừa Thiên – Huế) khẳng định, chính cách thi cử hiện nay đã ảnh hưởng đến mục tiêu CT-SGK. “Môn ngoại ngữ, chúng tôi yêu cầu HS ra trường phải nói được. Nhưng GV họ bảo không dạy thế được. Thi trắc nghiệm, nên không dạy nói, chỉ tập trung dạy ngữ pháp”, ông Hùng dẫn chứng.
Ở một khía cạnh khác, ông Trần Viết Niệm cho rằng, hiện nay, đổi mới giáo dục THPT mới chỉ dừng ở chuyên môn thuần túy, chưa quan tâm đến tư tưởng, tình cảm của HS, đến cơ chế chính sách cho GV – hai chủ thể quan trọng nhất ở trường học.
Ông Niệm kể, khi nhà trường thí điểm cho HS lớp 12 góp ý cách dạy của GV. Một HS đã đưa ra nhận xét: Nếu giờ dạy nào thầy giáo cũng lên lớp như giờ thao giảng thì hay biết mấy, vì khi đó thầy dạy rất hay, kiến thức phong phú.
Từ đó người hiệu trưởng bậc THPT rất thâm niên đặt vấn đề: “Điều gì đã khiến GV không còn nhiệt thành trong giảng dạy? Nếu chỉ chăm chăm đổi mới CT-SGK mà quên mất đổi mới cơ chế, chính sách động viên người thầy, đổi mới sẽ thất bại”.
PHAN THẢO (SGGP)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)