Suốt 10 năm nay, chương trình tăng cường tiếng Anh tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Cơ sở vật chất theo chưa kịp
Bắt đầu từ năm học 1998-1999 với 2 lớp dạy thí điểm chương trình tăng cường tiếng Anh (TCTA) tại trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM), đến nay TP.HCM đã có hơn 1.000 lớp ở 152 trường tiểu học công lập thực hiện mô hình này. Tuy nhiên, số lượng trường, lớp như trên mới chỉ giải quyết được khoảng 50% nhu cầu của phụ huynh học sinh. Thế nên cũng dễ hiểu vì sao gia đình nào có con chuẩn bị vào lớp 1 đều tìm mọi cách để con mình được theo học lớp TCTA.
Thực tế, chương trình TCTA có những yêu cầu riêng mà không phải trường nào cũng giải quyết được. Trước hết, lớp TCTA phải thực hiện 2 buổi/ngày, sĩ số không được quá 35 học sinh/lớp. Bên cạnh đó, phòng học có trang bị bàn ghế cá nhân, hệ thống thiết bị nghe nhìn tạo điều kiện trau dồi những kỹ năng của môn ngoại ngữ…
Với những yêu cầu trên thì chỉ những trường mới đưa vào sử dụng mới có thể mở được các lớp học này, còn những trường có cơ sở vật chất cũ thì nếu muốn mở lớp phải chấp nhận mất một số phòng chức năng khác. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.Tân Bình cho biết: “Để giải quyết nhu cầu của cha mẹ học sinh tại phường, trước khi mở lớp TCTA, nhà trường phải tính toán rất chi li, vì phòng học TCTA không thể xoay vòng. Nếu lấy phòng học của các lớp thường thì sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh những năm học sau nên chúng tôi nhất trí cải tạo lại phòng nghỉ của giáo viên”.
Hay như tại Q.Tân Phú, để tránh sự quá tải vào những trường mới, có lớp TCTA thì bà Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng phòng Giáo dục đã phải đích thân khảo sát thực tế từng trường tiểu học trên địa bàn và đưa ra giải pháp cải tạo để phường nào cũng có 1 trường tuyển học sinh TCTA…
Giáo viên bỏ dạy do lương thấp
Một vấn đề nữa làm các trường, các phòng giáo dục âu lo là vấn đề nhân sự và chế độ lương, đãi ngộ cho giáo viên. Theo đúng phân phối chương trình thì mỗi tuần học sinh tiểu học sẽ học 8 tiết TCTA, từ đó mỗi giáo viên có thể dạy được 2 lớp. Thế nhưng đâu phải trường nào cũng đủ giáo viên để thực hiện đúng chu trình trên.
Tính trung bình hằng tháng, mỗi giáo viên trong biên chế ngoài tiền lương theo hệ số còn có tiền phụ cấp trích từ học phí TCTA (50.000 đồng/học sinh/tháng, tồn tại đã 10 năm), khoảng 15.000 đồng – 18.000 đồng/tiết, cộng lại khoảng 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, giáo viên dạy ở trung tâm ngoại ngữ mỗi tiết dạy được trả thấp nhất là 80.000 đồng/tiết mà trách nhiệm lại ít hơn, không phải lo chuyện hồ sơ, sổ sách của học sinh. Chị N.T.T – từng dạy chương trình TCTA tại Q.Tân Phú năm học trước – cho biết: “Mới tốt nghiệp ĐH Sư phạm, trúng tuyển biên chế ngành giáo dục, tôi mừng lắm. Nhưng khi đi dạy mới biết lương thấp mà trách nhiệm lại cao”.
Nhu cầu về chương trình học TCTA mỗi ngày một tăng, không chỉ đòi hỏi phải có giáo viên giỏi mà học sinh còn muốn được học cùng giáo viên nước ngoài. Hiệu trưởng một trường tiểu học của Q.1 than thở: “Với mức học phí hiện nay, nhà trường còn phải chật vật tính toán trả lương cho giáo viên, lấy kinh phí đâu để thuê giáo viên nước ngoài”. Với những thiếu thốn trên, các trường đã tranh thủ mọi nguồn hỗ trợ khác.
Chẳng hạn trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1) thì tranh thủ nguồn lực từ chính cha mẹ học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh được sự đồng thuận của các phụ huynh đã đứng ra hợp đồng với trung tâm ngoại ngữ để thuê giáo viên nước ngoài, nhà trường thẩm định chuyên môn. Còn trường Tiểu học An Phú 1 (Củ Chi) thì liên kết với hệ thống trường Dân lập quốc tế Việt – Úc (VAS) để đưa giáo viên nước ngoài về thỉnh giảng hằng tháng. Ở Q.Tân Phú thì mỗi lần có đoàn khách nước ngoài về tham quan, tìm hiểu ngành giáo dục TP.HCM thì đích thân trưởng phòng kêu gọi khách về quận mình để học sinh có điều kiện giao lưu…
Bích Thanh (Theo TNO)
Bình luận (0)