Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chương trình tích hợp các môn toán, khoa học và tiếng Anh: Điểm số sẽ được thêm vào chương trình chính thống

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội thảo tập huấn chuyên môn Chương trình tích hợp các môn toán, tiếng Anh và các môn khoa học – bậc THCS lớp 6, 7 – dành cho cán bộ quản lý và tổ trưởng các bộ môn toán, tiếng Anh và khoa học tự nhiên.

Cô Phạm Ngọc Nhi, quyền Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), trao đổi ý kiến tại hội thảo

Năm học 2016-2017, TP.HCM có thêm 24 trường tiểu học, 22 trường THCS thực hiện việc giảng dạy chương trình tích hợp. Trong lộ trình thực hiện đề án, có 16 trường THPT sẽ tham gia dạy chương trình này, gồm: Trần Đại Nghĩa, Lê Hồng Phong, Lương Thế Vinh, Bùi Thị Xuân, Trưng Vương, Giồng Ông Tố, Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền, Nguyễn Thượng Hiền, Gia Định, Võ Thị Sáu, Phú Nhuận, Trần Phú.

Chương trình tích hợp thực hiện theo đề án “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh quốc và Việt Nam” được triển khai từ năm học 2014-2015 và đã từng bước đi vào hoàn thiện trong thời gian qua. Chương trình tích hợp mang tính thực tiễn nên những học sinh theo học chương trình này sẽ có sự chuẩn bị chu đáo hơn cho hành trang vào đời của mình.

Về nội dung, chương trình tích hợp sẽ được thực hiện cùng  với chương trình của Bộ GD-ĐT. Giờ học chương trình tích hợp sẽ do điều kiện của từng trường, có thể sử dụng các tiết học trái buổi nhưng không được làm ảnh hưởng tới chương trình chính khóa của bộ. Bên cạnh đó, nội dung chương trình học sẽ có sự liên kết với nhau, có sự phối hợp chặt chẽ về nội dung giữa giáo viên Việt Nam và bản ngữ để tránh trùng lặp. Nếu môn học nào của 2 chương trình có nội dung giống nhau thì sẽ ưu tiên dạy nội dung chương trình tích hợp theo phân phối chương trình của bộ, tiết còn lại ở chương trình kia sẽ không dạy lại nội dung kiến thức đã học mà dùng để ôn tập, củng cố và mở rộng kiến thức nội dung đó cho học sinh.

Về giáo trình, mỗi giáo viên bộ môn sẽ có 1 bộ giáo trình xuyên suốt chương trình học để nghiên cứu và trao đổi với giáo viên chương trình tích hợp. Sở GD-ĐT cũng lưu ý là các giáo viên nước ngoài thường có xu hướng tìm thêm những tài liệu ngoài giáo trình sao cho phù hợp với khả năng và độ tuổi của học sinh chứ không bắt buộc phải theo khuôn khổ SGK. Thông qua chia sẻ kinh nghiệm, dự giờ, các giáo viên của hai chương trình có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau về cách thức tổ chức lớp, cách vận dụng kiến thức thực tiễn của mình vào bài giảng. Tuy nhiên, việc dự giờ phải được lên kế hoạch cụ thể và có sự thống nhất với giáo viên chương trình tích hợp chứ không dự một cách đại trà hay dự bất ngờ mà không có sự thông báo trước.

Có thể đăng ký  học chương trình tích hợp

Trong quá trình học, những học sinh không có điều kiện theo học tiếp tục chương trình tích hợp có thể chuyển ra chương trình phổ thông hiện hành và ngược lại, các em học sinh có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của chương trình có thể đăng ký vào học. Nếu phần nội dung kiến thức trong chương trình tích hợp lớp dưới còn thiếu các em có thể tự bổ sung hoặc sẽ được giáo viên hướng dẫn cách tự bổ sung kiến thức này.

Về điểm số, do chương trình tích hợp có sự kết hợp giữa hai chương trình nên điểm số của chương trình tích hợp những học sinh theo học chương trình này sẽ được ghi chung. Cụ thể: Các môn toán, lý, hóa, sinh vẫn thực hiện các bài kiểm tra như phân phối chương trình của bộ, chương trình tích hợp sẽ có bài kiểm tra đánh giá riêng và điểm số này sẽ được thêm 1 cột/ học kỳ vào cột điểm hệ số 2 (tương đương điểm bài kiểm tra 1 tiết). Riêng môn tiếng Anh, học sinh sẽ được đánh giá phần lớn từ các bài của chương trình tích hợp, điểm kiểm tra đánh giá từ chương trình tích hợp sẽ là bài kiểm tra hệ số 2 và bài kiểm tra học kỳ của học sinh. Bên cạnh đó, mỗi học sinh theo học chương trình tích hợp cũng sẽ có một hồ sơ theo dõi chi tiết về tiến trình học tập (bao gồm nhận xét, đánh giá và điểm của chương trình tích hợp do giáo viên người nước ngoài đảm nhận).

Ngoài ra, chương trình có sự liên thông từ tiểu học – THCS cho đến THPT để những học sinh theo học chương trình tích hợp sẽ có sự xuyên suốt trong quá trình học phổ thông. Tuy nhiên, các em học sinh lớp 9 theo học chương trình tích hợp vẫn phải đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và phải đủ điểm chuẩn mới được vào trường THPT như những học sinh khác. Khi kết thúc chương trình tích hợp ở bậc THPT, các em có thể đăng ký tham gia các kỳ thi do Hội đồng khảo thí quốc tế tổ chức và cấp nhận chứng nhận có giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định: nội dung của chương trình tích hợp đã được thẩm định chuyên môn từ Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), đáp ứng được các yêu cầu về quá trình hội nhập. Giáo viên của chương trình đã được kiểm tra, thẩm định chặt chẽ, chỉ những giáo viên đúng chuyên ngành mới được giảng dạy các môn khoa học.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Bình luận (0)