Sự kiện giáo dụcTin tức

Chương trình tiên tiến: Đào tạo xong cho nước ngoài hưởng

Tạp Chí Giáo Dục

Một SV Khoa Hóa, Trường ĐHKHTN Hà Nội bảo vệ khóa luận của mình
Ngày 8-6, Khoa Hóa, thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp cho 35 sinh viên (SV) khóa đầu tiên của khóa học chương trình tiên tiến ra trường. Theo PGS.TSKH Lưu Văn Bôi, Chủ nhiệm khoa, 35 SV này hoặc sẽ đi ra nước ngoài học tiếp do xin được học bổng hoặc sẽ làm việc cho các công ty nước ngoài. Đây là điều nên mừng hay nên buồn?
Không ai chọn ở lại
PGS. Lưu Văn Bôi cho biết, trong 35 SV tốt nghiệp đầu tiên của chương trình có 10 SV được ĐH Illinois (Mỹ) cấp học bổng làm tiến sĩ, một trường của Nhật cấp năm học bổng cho SV khóa 1 làm tiến sĩ. Trường của Pháp cũng nhận cấp học bổng cho vài SV. Có nhiều công ty của Nhật đã ký với 5-6 SV. Như vậy 35 SV của khóa đầu tiên này hoặc đi học tiến sĩ, hoặc làm ở các công ty nước ngoài. Gặp Trịnh Thái Hà, SV có khóa luận tốt nghiệp được đánh giá là tính ứng dụng trong thực tế cao – “sản xuất Biodiesel từ dầu thải” – cho biết, sau khi tốt nghiệp, sẽ lên đường ra nước ngoài du học. Hóa học là một trong 35 chương trình tiên tiến đang được đào tạo tại 23 trường ĐH của Việt Nam. Riêng ĐH Quốc gia Hà Nội có ba ngành là toán học hợp tác với ĐH Washington Seattle của Mỹ, hóa học hợp tác với ĐH Illinois, trường thuộc top 25 thế giới và 19 ở Mỹ, ngành khoa học môi trường hợp tác với ĐH Indiana cũng của Mỹ. Để được vào những ngành học này, nhà trường ưu tiên những SV đỗ điểm cao vào trường, những SV từng được giải quốc gia, quốc tế.
Hậu chương trình tiên tiến
Theo PGS. Lưu Văn Bôi, hiện nay, để học chương trình này, mỗi SV được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng để học tiếng Anh, ngoài ra còn hỗ trợ học phí, vì hiện tại, SV đóng học phí chương trình này vẫn theo quy định của Nhà nước đối với SV chính quy. Khi được học chương trình tiên tiến, PGS. Lưu Văn Bôi cho rằng cả nhà trường và SV đều được lợi. Cái được chương trình này là chỉ cần ít tiền mà vẫn nâng cấp được chương trình, nâng được trình độ của giáo viên. Lúc bắt đầu, chỉ vài giáo viên dạy được bằng tiếng Anh, đến giờ ít nhất đã có 22 người dạy được môn hóa học bằng tiếng Anh tại khoa. Thứ hai, về SV, họ được giao lưu, được “nhúng” trong môi trường với các giáo sư nước ngoài, được đi thực tập hè ở trường đối tác, do đó, năng lực giao tiếp, cách tư duy năng động hơn. Không những thế, nhờ chương trình mà 100% SV của khoa được tham gia nghiên cứu khoa học, còn các SV của chương trình tiên tiến thì được tham gia nghiên cứu từ năm thứ nhất. Tuy nhiên cũng còn mặt chưa được. Đó là do kinh phí ít nên mới chỉ cải thiện được vấn đề lý thuyết. Còn vấn đề phòng thí nghiệm, thực hành thì chưa có điều kiện cải thiện. So với các trường đối tác còn lạc hậu. Thứ hai là thời gian đầu tư cho chương trình chỉ 4-5 khóa là quá ngắn. Vì hiện nay giáo viên dạy bằng tiếng Anh của chúng ta vẫn đi “ăn đong”.
Mặc dù vậy, điều băn khoăn của dư luận nhất hiện nay đó là Nhà nước hiện mới chỉ có chính sách đầu tư cho SV học tập. Còn sau khi SV ra trường, chưa có một điều kiện ràng buộc nào yêu cầu họ phải làm việc cho nước nhà. Về vấn đề này, PGS. Lưu Văn Bôi cũng thẳng thắn thừa nhận không chỉ SV mà cả cán bộ của ta cũng chảy máu. Việc họ có về để cống hiến cho đất nước hay không, không những phụ thuộc vào lòng yêu nước mà còn phụ thuộc chế độ chính sách, cái quan trọng nhất là môi trường làm việc. “Nhưng tôi vẫn nghĩ cơm chưa ăn gạo còn đấy. Sau này đất nước phát triển lên, họ sẽ về và sẽ cống hiến. Tôi nói thật, nếu họ có yêu nước, ở lại làm việc mà không có điều kiện cống hiến thì cũng phí” – PGS. Bôi đưa ra ý kiến.
Đãi ngộ người tài có lẽ vẫn là vấn đề nan giải của Việt Nam hiện nay. Một giảng viên Khoa Hóa, Trường ĐH Tự nhiên, ĐH QG Hà Nội đã không ngần ngại khi cho rằng những SV học chương trình tiên tiến tại Việt Nam dẫu sao vẫn “ngốn” ít tiền hơn những nghiên cứu sinh đang du học ở nước ngoài bằng học bổng của Nhà nước cấp. Giảng viên này đưa ra một con số, 50 SV đào tạo chương trình tiên tiến nhiều lắm cũng chỉ mất đến 7-8 tỷ/năm nhưng một nghiên cứu sinh ở nước ngoài cũng đang “ngốn” của Nhà nước ngần ấy tiền hoặc nhiều hơn mỗi năm. Trong khi đó, học xong, trở về nước làm việc, chính sách đãi ngộ vẫn thế. Nếu là tiến sĩ, lương cũng sẽ chỉ là 3.0. Do đó, muốn tồn tại, họ vẫn phải tự bơi với nghề.
Từ chương trình tiên tiến đến các chương trình đào tạo cử nhân tài năng ở các trường ĐH, chúng ta đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư. Nhưng sau đó lại bỏ trống. Và người hưởng lợi này sẽ là các trường ĐH nước ngoài, các công ty nước ngoài.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)