Ngày 17-10 là Ngày vì người nghèo Việt Nam. Bộ LĐ– TB&XH vừa có cuộc tọa đàm với báo chí về vấn đề này. Tại buổi tọa đàm, NThứ trưởng Lê Bạch Hồng cũng phải thừa nhận hiện vẫn còn nhiều người nghèo lười biếng. Đó chính là lý do khiến các chính sách hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã phải chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp và tiến tới xóa bỏ hẳn hỗ trợ trực tiếp.
“Tôi thấy vai trò của báo chí là quan trọng. Nhưng tôi không hiểu thời gian qua mình tuyên truyền thế nào mà người nghèo luôn tự hào là mình nghèo. Và họ luôn muốn ở lại trong diện nghèo” – Thứ trưởng Hồng nói. Còn chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thì cho rằng, phương thức đấu tranh chống đói nghèo dựa trên quyền con người. Coi xóa đói giảm nghèo là vấn đề bổn phận chứ không phải là từ thiện và đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải thực hiện các chiến lược giúp cho những cá nhân và nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất thoát khỏi nghèo đói, lầm than. Nhưng thực tế, trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ cho người nghèo Việt Nam thoát nghèo thì đã nảy sinh một thực tiễn: không ít người nghèo không chịu làm lụng mà trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Mặc dù vẫn có những tấm gương người nghèo vươn lên làm giàu từ sự hỗ trợ của cộng đồng, chính sách của nhà nước. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Pả, tỉnh Gia Lai cho hay, nhiều người nghèo thiếu đất được cấp đất nhưng họ lại đem cho thuê và chấp nhận làm thuê cho chính người thuê đất nhà mình, chưa kể nạn rượu chè, cờ bạc. Bà Tiến cho rằng, danh sách người nghèo cần phải mạnh dạn loại bỏ những hộ lười biếng, có sức lao động mà không chịu làm việc.
Thứ trưởng Lê Bạch Hồng cho biết, sẽ rà soát lại hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới và áp dụng luôn chính sách từ đầu năm 2009. Với cách tính mới, số hộ nghèo trong cả nước sẽ nâng lên khoảng 16 hoặc 17%. Đặc biệt, tại 61 huyện nghèo nhất nước, Bộ này dự đoán, với cách tính mới, sẽ có huyện phải đối mặt với tỉ lệ hộ nghèo lên tới… 70%. |
Ông Lê Bạch Hồng khẳng định, thực tế ở một số địa phương đã “xuê xoa” khi để những hộ gia đình thoát nghèo vẫn được hưởng chính sách dành cho hộ nghèo, thậm chí xin ở lại danh sách hộ nghèo. Để hạn chế tình trạng này chỉ có một cách thuyết phục là sự giám sát của cộng đồng dân cư khu vực đó khi bình bầu hộ nghèo. Đây cũng chính là lý do khiến các chính sách hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo đã phải chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp và tiến tới xóa bỏ hẳn chính sách hỗ trợ trực tiếp. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng, hiện nay, mạng lưới cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương không có do không có nguồn kinh phí hỗ trợ. Một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã thẳng thắn: hiện, chúng ta đang “thừa tư lệnh và thiếu lính tác nghiệp”. Do đó, trong thời gian tới, các địa phương rất mong sẽ có ngân sách để có người phụ trách công việc này tại cấp xã, phường, thôn bản…
Để chống tái nghèo, bộ cũng trình văn bản đề nghị hỗ trợ hai năm tiếp theo cho những hộ vừa thoát nghèo để chống tái nghèo. Cuối tháng 10, Chính phủ sẽ có ý kiến về đề án xóa đói giảm nghèo tại 61 huyện nghèo nhất nước. Đề án này có nhiều giải pháp xóa đói giảm nghèo đồng bộ, người dân phải tham gia trực tiếp vào công cuộc xóa nghèo, ông Ngô Trường Thi, Cục phó Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH hy vọng tới năm 2015, tỉ lệ người nghèo sẽ giảm xuống ở mức vài phần trăm.
Nghiêm Huê
Ông Ngô Trường Thi, Cục phó Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đã dành thời gian trả lời cho độc giả Báo Giáo Dục TP.HCM về đề án giảm nghèo tại 61 huyện nghèo nhất nước. PV: Đề án này đã từng trình và cũng khá lận đận. Vậy nó đã có điều chỉnh mới cho phù hợp với thực tế như thế nào, thưa ông? – Thực ra xây dựng một cơ chế chính sách không hề đơn giản, chúng ta tiếp cận chưa đúng dẫn tới giải pháp đề ra chưa trúng. Qua mấy lần trình Chính phủ thấy cần phải có khảo sát thực tế tại các huyện nghèo bởi mỗi huyện lại có đặc thù khác nhau, nhu cầu khác nhau, vấn đề là chúng ta có nhiều cơ chế chính sách cho xóa đói giảm nghèo mà các huyện này vẫn nghèo? Câu hỏi này phải đặt chính ở địa phương. Chúng tôi đã khảo sát tại 20 huyện, phát hiện ra sự khác nhau giữa các huyện, cơ chế khác nhau, xuất phát điểm khác nhau, đặc thù khác nhau nên không thể có cơ chế chung, mà ban hành khung chung chính sách, trên cơ sở đó các huyện sẽ trình dự án cụ thể. Từ nhu cầu của cơ sở, người dân, Chính phủ sẽ phê duyệt từng đề án. Như thế mới giải quyết được triệt để, người nghèo là trung tâm xây dựng cơ chế, nếu không chính sách sẽ không tới được với người nghèo. Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng cuộc chiến chống đói nghèo chúng ta đang thừa tư lệnh nhưng thiếu lính tác nghiệp? – Tôi làm chương trình xóa đói giảm nghèo được 10 năm, nhưng tôi cũng có một mối nợ với bà con địa phương là đề xuất bố trí cán bộ giảm nghèo cho các địa phương chưa được chấp nhận. Chúng ta vẫn bị ảnh hưởng phong trào mà chưa chuyên môn hóa, chúng ta phải thiết kế một hợp phần có nguồn lực chi phí cho người làm công tác giảm nghèo ở cơ sở, chúng ta không thể nói suông được nữa, có chế độ, chính sách mới tâm huyết cho sự nghiệp này lâu dài. Nhưng nhân lực chưa có, đề xuất lại chưa được chấp nhận? – Trong đề án này, chúng tôi đã đề nghị lãnh đạo bộ riêng 61 huyện này phải bố trí ít nhất một cán bộ cấp xã. Cán bộ kỹ thuật phải có khuyến nông lâm, thú y, bảo vệ thực vật và một xóm có cộng tác viên, chúng tôi bố trí ngân sách từ nguồn lực đề án không lấy từ ngân sách nhà nước. Chúng tôi không đặt vấn đề tăng biên chế. Chương trình dân số trước đây cũng đã sử dụng đội ngũ này. Nếu áp dụng chuẩn nghèo mới thì tỉ lệ hộ nghèo cả nước sẽ là bao nhiêu? – Tôi dự kiến nếu là 50% sẽ lên thành 70% hay huyện nào đang là 70% lên 90%. 2020 chúng tôi đặt mục tiêu là giảm xuống 10%. Xin cảm ơn ông! |
Bình luận (0)