Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chương trình xúc tiến thương mại: Tìm lối ra cho làng nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Trước Tết Nguyên đán, nhiều làng nghề rộn ràng, tất bật. Nhiều cơ sở sản xuất, gia đình làm hết công suất vẫn không đủ hàng phục vụ Tết. Làng nghề mỗi năm sôi động chỉ được một vài dịp có lễ, hội. Làm gì để làng nghề quanh năm sôi động với nghề?

Các nghệ nhân làng gốm Phước Tích biểu diễn làm hàng gốm tại Festival nghề truyền thống Huế.
Theo sự vận hành tự nhiên của xã hội các sản phẩm công nghiệp đang thay thế các sản phẩm thủ công bởi sự đa dạng, phong phú về mẫu mã, chất liệu, sự tiện dụng và giá cả hợp lý… Các làng nghề truyền thống nhiều phen lao đao vì sản phẩm khó tiêu thụ, có làng nghề bị mai một, thậm chí thất truyền.
Nguyên nhân của sự trì trệ, khó khăn, đó là sản xuất theo kiểu truyền thống với các đặc điểm nhỏ lẻ, quy mô khép kín trong các gia đình, làng xóm. Mặt hàng đơn điệu, mẫu mã ít có sự thay đổi nên không phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Hàng hóa làm ra không tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Tìm lối ra cho làng nghề truyền thống là nỗi trăn trở của nhiều ngành, nhiều địa phương.
Theo chúng tôi, làng nghề nào không trụ được với cơ chế thị trường thì chỉ nên giới hạn trong việc sưu tập hiện vật phục vụ cho công tác bảo tồn bảo tàng, phục vụ khách đi tour du lịch làng nghề. Trong trường hợp này bảo tồn nghề mục đích chủ yếu là để thổi hồn cho làng cổ, nhằm góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Hiện tại, du lịch phát triển đã góp phần tăng thu nhập cho thợ thủ công, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa ở một số làng nghề chứ chưa phải là tất cả. Có những làng nghề du lịch chỉ mở ra những cơ hội để bảo tồn chứ không để phát triển thành kinh tế hàng hóa, vì nó không đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các làng nghề khác cùng chủng loại nhưng có đẳng cấp cao hơn.
Ví dụ như người dân ở quanh cầu ngói Thanh Toàn, thị xã Hương Thủy, không ai no đủ với nghề sản xuất nông cụ làm hàng lưu niệm. Nhưng, với phiên Chợ quê ngày hội trong những ngày Huế tổ chức Festival thì những mặt hàng nông cụ đã trở thành một sản phẩm du lịch có thương hiệu.
Có thể thấy rõ, du lịch làng nghề là một sản phẩm đầu tư ít mà hiệu quả lớn. Vì làng nghề đã có sẵn, đã có thương hiệu, đầu tư một lần khai thác nhiều lần. Thế nhưng nhiều tour du lịch làng nghề đang là một hiện tượng tự phát.
Đại đa số các làng nghề Việt Nam đều do ngành NN&PTNT quản lý, nhưng việc cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm có vai trò của ngành KH&CN; đầu ra sản phẩm thì phụ thuộc rất lớn bởi ngành Công thương; sản phẩm của làng nghề có được trưng bày ở các bảo tàng, có được trở thành sản phẩm du lịch chính thống hay không phụ thuộc vào ngành VHTT&DL.v.v…
Làm thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho làng nghề phát triển? Bởi làng nghề có những lúc bơ vơ, có những lúc gặp sự cố rất khó giải quyết vì tình trạng có quá nhiều cơ quan cùng quản lý.
Thanh Tùng / TPO

Bình luận (0)