Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Chuộng trường gần nhà, né làm việc… xa

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tỉnh Bình Phước đặt câu hỏi với Ban tư vấn

Trong chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ 2016 “Tiếp bước trường thi” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại 3 tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và Đắk Lắk (ngày 11, 12 và 13-3), hàng loạt câu hỏi của học sinh tập trung vào những ngành nghề thuận lợi cho việc học gần nhà và cơ hội làm việc tại địa phương, nhất là khối ngành sư phạm.

Thích được dạy học tại quê nhà

Do lượng học sinh đến dự chương trình rất đông, lên tới hàng ngàn em, chưa kể những câu hỏi gọi về từ thí sinh và phụ huynh xem qua truyền hình trực tiếp nên học sinh các tỉnh này đã chọn cách tập hợp thắc mắc của từng thành viên trong lớp và cử đại diện đặt câu hỏi với Ban tư vấn.

Điều đặc biệt ở các tỉnh này là ngành sư phạm và vấn đề cơ hội việc làm gần nhà trở nên “nóng”, được rất nhiều học sinh quan tâm. Em Lê Thị Huế (lớp 12 Trường THPT Hùng Vương, Bình Phước) đặt vấn đề: “Em và một số bạn mong muốn trở thành giáo viên dạy tại địa phương. Tuy nhiên, em nghe nói gần đây sinh viên ngành sư phạm ra trường rất khó kiếm việc làm. Xin cho em hỏi, nếu em học sư phạm thì cơ hội việc làm ở tỉnh nhà trong 4 năm tới có khả quan không?”. Ông Trần Sơn Ngọc (Phó Trưởng phòng GDTX – Chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Bình Phước) cho biết nhu cầu biên chế của ngành giáo dục tỉnh Bình Phước hiện đã bão hòa. Theo ông Ngọc, không riêng gì ngành giáo dục mà các ngành khác hiện có chung xu thế là không tăng biên chế. Vì vậy nhu cầu tuyển dụng vào ngành giáo dục ở Bình Phước hằng năm được xác định với một tỷ lệ chỉ tiêu tương đối ít. Do đó, những em theo học ngành sư phạm nên cân nhắc vì cơ hội để giảng dạy vẫn có, tuy nhiên lượng chỉ tiêu không nhiều.

Nội dung câu hỏi trên cũng được em Lê Duyên Anh (lớp 12 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Đắk Nông) và nhiều học sinh tỉnh này tiếp tục đề cập. Tuy nhiên, so với Bình Phước, tín hiệu việc làm đối với ngành sư phạm ở tỉnh Đắk Nông khả quan hơn. Bà Đỗ Thị Việt Hà (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông) hoan nghênh những thí sinh yêu thích và quyết tâm theo đuổi nghề giáo để truyền thụ tri thức, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà. Theo bà Hà, Đắk Nông là tỉnh trẻ, có sự phát triển về quy mô dân số tự nhiên và cơ học. Hằng năm, tỉnh đều đón thêm lượng người dân đến sinh sống và làm việc, số học sinh vì thế tăng lên, kể cả nhu cầu mở lớp cũng mở rộng. Do đó, các em nên xem xét thế mạnh của mình phù hợp bộ môn nào, bậc dạy nào… để chọn theo đuổi.

Học sinh biết… nhìn xa

Em Trần Ngọc Minh (Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bình Phước) nêu băn khoăn: “Hiện có nhiều ngành đang rất thu hút như nhóm sức khỏe, CNTT…, những học sinh có sức học không quá nổi trội như em có thể chọn học ngành gì để tăng cơ hội việc làm, nhất là làm việc tại quê hương Bình Phước?”. Ngoài ra, em còn đề cập đến vấn đề nữ học ngành kỹ thuật có khó khăn gì không? ThS. Nguyễn Tấn Ý (Phó Trưởng khoa Cơ khí Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng, còn khoảng 4 tháng nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia, những em nào chưa thực sự tự tin cần cố gắng ôn luyện để có thêm dũng khí lựa chọn ngành nghề. Ông Ý đồng tình việc thí sinh cân nhắc khả năng trước ngành nghề có độ khó, mức cạnh tranh cao, đồng thời đánh giá cao những thí sinh biết… nhìn xa, tập trung định hướng nghề nghiệp vào những lĩnh vực có thể cống hiến cho địa phương. Theo ông Ý, Bình Phước có thế mạnh về cây công nghiệp, cụ thể là cao su, học sinh tỉnh này có thể chọn học nhóm ngành nông nghiệp, nông lâm… để có cơ hội làm việc tại địa phương.

Liên quan đến nhóm ngành kỹ thuật, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) nhận định, thời gian trước hay có quan niệm khối ngành kỹ thuật vốn nặng nhọc, đòi hỏi sức khỏe, thường dành cho nam giới. Tuy nhiên, gần đây với sự tiến bộ của kỹ thuật và khoa học công nghệ, nữ giới có thể “lấn sân” sang nhóm ngành này vì môi trường làm việc của ngành kỹ thuật đã nhẹ nhàng hơn, được thực hiện trên máy móc với sự tự động hóa rất cao.

Em Liễu Thị Kim Yến (lớp 12 Trường THPT chuyên Quang Trung, Bình Phước) đặt ra 2 vấn đề với Ban tư vấn: Việc cộng điểm ưu tiên đối với học sinh tỉnh Bình Phước năm nay như thế nào; bên cạnh ngoại ngữ chung là tiếng Anh, những học sinh có thêm thế mạnh tiếng Khmer có thể học ngành gì để phát huy thế mạnh ngôn ngữ dân tộc mình. Ông Trần Sơn Ngọc cho biết, vấn đề điểm ưu tiên khu vực được Bộ GD-ĐT quy định khá chi tiết trong quy chế thi năm 2016. ThS. Nguyễn Thị Diệu Anh (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến) thông tin thêm, hai ngành văn hóa học và Việt Nam học tại Trường ĐH Văn Hiến có dạy những vấn đề liên quan đến giá trị văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa vùng miền… Học sinh có thế mạnh tiếng Khmer có thể tham khảo lựa chọn để đạt được mục đích mong muốn.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Bình luận (0)