Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Chuông vàng” đã ngân xa…

Tạp Chí Giáo Dục

“Chuông vàng” Võ Minh Lâm. Ảnh: Minh Hoàng
Đã bảy năm trôi qua với nhiều thay đổi không nhỏ trong cuộc sống của tôi, nhưng tôi vẫn nhớ mãi giọng ca của Võ Minh Lâm – thí sinh trẻ tuổi nhất của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ nhất năm 2006 – người con của TP.Cần Thơ. Tôi nhớ nhà tập thể giáo viên lúc ấy chỉ độc nhất một chiếc tivi 14 inches của một đồng nghiệp. Thế là trong các ngày diễn ra cuộc thi, chúng tôi xúm xít bên chiếc tivi mà theo dõi cuộc thi này. Tôi là một giáo viên vốn say mê ca hát cải lương từ nhỏ, nhưng tôi không có điều kiện và không dám đăng kí thi vào nghề sân khấu cải lương vì tôi có tính nhút nhát. Tôi thích nghe và xem các chương trình ca cổ cũng như các cuộc thi ca cổ lớn nhỏ. Kể từ khi xem cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2006 đến nay, tôi không bỏ sót một năm nào cả. Các thí sinh đều có những nét hay nét đẹp từ làn hơi, phong cách. Nhưng tôi chỉ yêu thích mỗi giọng ca Võ Minh Lâm. Không phải so sánh ấn tượng ban đầu để kết luận rằng tôi hơi “thiên vị” các nghệ sĩ tài năng trẻ mà cái chính là cách thể hiện của Lâm qua từng bài ca cổ, các vai diễn trên sân khấu mà tôi đã nghe trên radio, trên tivi, trên mạng. Tôi như đắm chìm hoàn toàn vào bài ca cổ Má ơi của tác giả Hoàng Đức mà Võ Minh Lâm thể hiện. Lần đầu nghe trên mạng tôi đã rưng rưng nước mắt. Võ Minh Lâm thể hiện nhập tâm vào nhân vật đứa con trong bài ca cổ ấy. Khi giảng bài trên lớp, khi dạy đến bài thơ nào nói về mẹ, tôi cũng dẫn chứng và phân tích bài ca cổ Má ơi, rồi hát cho học sinh nghe. Tôi ca không được hay nên học sinh mắc cười, tôi lại tức: “Mình xúc động như thế mà sao học trò của mình lại không đồng cảm với mình?”. Tôi chỉ cho các em địa chỉ trên mạng để truy cập vào mà nghe. Nhưng hầu hết học trò ngày nay chỉ thích nghe nhạc hiện đại. Trời đã về khuya, phòng trọ càng vắng lặng thì giọng ca của Võ Minh Lâm vẳng ngọt hơn rót mật vào tai. Đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ đã ăn sâu vào máu huyết của tôi. Ước gì tôi được ca, được diễn với những nghệ sĩ mà tôi yêu quý để tình yêu cải lương, yêu vọng cổ trong tôi vẫn luôn căng đầy.
Nguyễn Phú Khánh
(GV Trường THCS Phú Thọ – Tam Nông – Đồng Tháp)

Bình luận (0)