Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

“Chuột chạy cùng sào mới vào… sư phạm”?

Tạp Chí Giáo Dục

“Thảm cảnh” điểm lịch sử chưa thôi khắc khoải, thì mùa tuyển sinh năm nay điểm chuẩn ngành sư phạm tiếp tục thấp thê thảm.
Liệu các em có còn mặn mà với “ước mơ xanh”?
Liệu các em có còn mặn mà với “ước mơ xanh”?
 1 điểm cũng trở thành… giáo viên?
Năm nay, trong số 30 ngành của ĐH Sư phạm Hà Nội, có 11 ngành lấy điểm đỗ NV1 từ 15 điểm. Chỉ có 2 ngành có điểm chuẩn NV1 cao nhất (25 điểm) là ngành Sư phạm tiếng Anh và thể dục thể thao. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 phải lấy điểm chuẩn bằng sàn cho các ngành sư phạm hóa, sinh trong khi ngành sư phạm vật lý cũng chỉ là 13,5.
Các trường "top" sư phạm còn phải lấy xuống đến mức điểm sàn thì tình trạng của các trường ĐH sư phạm địa phương hay các trường có khoa sư phạm còn thê thảm hơn, khi có ngành không có thí sinh nào trúng tuyển hoặc lèo tèo vài em trúng tuyển với số điểm rất thấp. Tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đa số trong 42 thí sinh trúng tuyển ngành Lịch sử có điểm ở mức 2-3 điểm. Thậm chí có ba thí sinh chỉ được 1,25 điểm, một thí sinh 1 điểm môn Sử.
Trường ĐH Cần Thơ có bốn thí sinh trúng tuyển ngành Sư phạm Lịch sử với điểm thi môn này là 1 điểm, nhiều thí sinh từ 1,25-2 điểm. Trường ĐH Đà Lạt, một thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm lịch sử với điểm thi sử 0,5. Một thí sinh tại trường này trúng tuyển với tổng điểm 13 nhưng môn Lịch sử chỉ có 0,25 điểm.
“Thợ dạy” hay thầy cô?
GS.Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: “Sinh viên giỏi thì vẫn có, nhưng tôi mong muốn những sinh viên giỏi nhất. Mùa tuyển sinh năm nay ở trường tôi có thí sinh điểm đầu vào 27, 28. Học sinh THPT chuyên vẫn có nhiều em thi vào sư phạm. Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là hiện nay các thí sinh ở thành phố lớn không thi vào sư phạm. Thế hệ giáo viên ở đây là những em ở vùng khác. Khi vào môi trường giáo dục thành phố các em phải thay đổi nhiều thứ, như lối sống, để tiếp cận với đối tượng học sinh, vốn có cách sống xa lạ với các em”.
Không ít người trong cuộc cho rằng, phần lớn sinh viên mới ra trường đều phải qua đào tạo lại từ 2-3 năm. Đó là nói tới những giáo viên có tư duy tốt. Với những thí sinh trúng tuyển với mức điểm thấp thì khó có tư duy tốt để tiếp thu những tư tưởng và cách tiếp cận học sinh theo lối hiện đại, yêu cầu của chương trình mới. Nếu giáo viên không có tư duy tốt thì chỉ giống như “thợ dạy” chứ không thể có sự chủ động và sáng tạo. Mỗi bài học trong sách giáo khoa, nhìn qua rất đơn giản, nếu giáo viên có kiến thức sâu rộng gấp nhiều lần nội dung trong sách, hiểu được nguồn gốc vấn đề thì chắc chắn giảng bài sẽ khác.
Ông Ngô Đắc Chứng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế cho biết, với mức điểm đầu vào trung bình là 5 điểm mỗi môn đào tạo đã là hơi khó rồi, huống chi là thấp hơn! Còn GS.Nguyễn Viết Thịnh khẳng định: “Tôi cho rằng cần phải tiên lượng đầu vào thấp như thế sẽ có tác động tới 10 năm sau”.
Có thể nói, có rất nhiều vấn đề nan giải đặt ra, khi mà trường phổ thông đang đổi mới dạy và học nhưng cách dạy ở các trường đào tạo sư phạm, nơi được coi là “cỗ máy cái” để nâng cao chất lượng giáo dục vẫn dạy theo tư duy cũ và truyền thống. Giáo sinh ra trường nếu về các thành phố lớn đương nhiên rất khó tiếp cận. Và với điểm đầu vào thấp như vậy cũng không thể mong đợi các giáo sinh ra trường sẽ là những thầy cô giỏi. Hơn nữa, với nhiều thí sinh vào sư phạm vì không còn cơ hội nào khác, đúng với kiểu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” thì rất khó để mong họ yêu nghề và tận tụy với vai trò người thầy, người dạy chữ và dạy người cho các thế hệ tương lai…
Nỗi buồn nhà giáo
Có một thực tế khiến ngành sư phạm không hấp dẫn thí sinh không chỉ là ở chính sách lương bổng quá thấp, cơ hội chuyển ngành thấp mà khi học ngành này, người ra trường “ế ẩm” hàng loạt. Theo ghi nhận tại nhiều địa phương, những năm gần đây, nhu cầu giáo viên đã bão hòa, mỗi năm số sinh viên tốt nghiệp sư phạm chưa được phân công lên đến hàng trăm người mỗi tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết, năm nay Sở nhận được khoảng 1.400 hồ sơ tuyển dụng giáo viên các cấp nhưng chỉ có thể giải quyết được 1.100 hồ sơ. Nhưng như thế cũng là nhiều vì ở nhiều địa phương khác tình hình còn buồn hơn. Ví như năm 2011, chỉ tính riêng bậc THPT, tỉnh Đồng Tháp nhận 890 hồ sơ tuyển dụng nhưng chỉ giải quyết được 90 hồ sơ. Khoảng 800 sinh viên tốt nghiệp ĐH sư phạm chưa biết đi đâu về đâu. Bà Đoàn Thị Minh Công – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cũng cho biết ở Hải Dương, sinh viên sư phạm ra trường rất thừa, nhiều người tốt nghiệp loại khá vẫn không tìm được việc làm.
Hơn nữa, hệ thống các trường ĐH-CĐ đào tạo ngành sư phạm được nhận xét là đang khá “lôm côm”. Các mô hình đào tạo sản sinh ra từ những trường “ngoại đạo” có đào tạo sư phạm khiến cho năng lực nghiệp vụ sư phạm của giáo viên không được đảm bảo. Chẳng hạn, các trường đào tạo nông nghiệp, lâm nghiệp, rồi đến cả công nghiệp, kỹ thuật công nghiệp cũng tham gia đào tạo sư phạm. Những trường sư phạm truyền thống thì phải mở thêm các ngành thời thượng như tài chính, kế toán… Thế nên, nhiều địa phương đã tìm cách để từ chối hoặc đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với những sinh viên tốt nghiệp từ các mô hình này.
Chất lượng đào tạo thấp, rõ nhất phải kể tới là đào tạo giáo viên mầm non. Bà Đoàn Thị Minh Công lo ngại trước tình hình giáo viên mầm non đang rất thiếu ở nhiều địa phương, trong khi các trường mầm non tư thục thì nở rộ và buông lỏng. Bởi lẽ thực tế, “nhiều học sinh tốt nghiệp THPT không thi hoặc thi trượt ĐH được xét tuyển bằng học bạ để đào tạo trung cấp mầm non, một tháng học từ 7-10 ngày, sau 2 năm tốt nghiệp 100%. Sau đó lại được liên thông lên ĐH – CĐ với thời gian 2 – 3 năm, 1 tháng lại học vài buổi và ra trường có bằng ĐH nhưng chuẩn nghề nghiệp, năng lực đứng lớp rất hạn chế” – bà Đoàn Thị Minh Công đánh giá.
Bất cập nhất của ngành sư phạm là thi công chức
Ngày nhỏ, tôi học văn rất khá và thường được chọn đi thi học sinh giỏi văn của huyện nên tôi mơ ước trở thành cô giáo dạy văn. Thế nhưng, tôi ra trường đúng lúc ở tỉnh Hải Dương quê tôi đang thừa giáo viên văn. Tôi thấy bất cập nhất của ngành sư phạm hiện nay là việc thi công chức với quy định cứng nhắc là, hộ khẩu ở tỉnh nào thi công chức ở tỉnh đó. Vì vậy, muốn xin sang tỉnh khác thiếu giáo viên văn, tôi cũng không thể vào được biên chế.
Tôi đang đi dạy hợp đồng. Dạy tiết nào được trả tiền tiết ấy, không được đóng bảo hiểm. Số tiết được dạy ít nên bố mẹ vẫn phải bao cấp mới đủ sống. Thêm nữa, dạy hợp đồng, nhà trường chỉ kí kết năm một. Năm sau, nhà trường đủ giáo viên, mình lại không được dạy vì vậy lương vừa thấp vừa bấp bênh. Cứ dạy như thế, nuôi thân còn chẳng đủ lấy tiền đâu để lo cho gia đình. Tôi đang tính chuyện chuyển nghề bởi sau 3 năm ra trường, tôi thực sự thấy chán nản.
Chị Nguyễn Thị Lan (Kim Môn, Hải Dương)
Thi sư phạm cho dễ đỗ 
 

Nhiều người nói, nghề giáo là nhàn hạ nhưng gia đình em cũng có người thân làm nghề giáo, em thấy nghề giáo thực sự vất vả. Hơn nữa, bây giờ học sinh không còn giữ được sự tôn sư trọng đạo như trước khiến thầy cô đời sống đã khó khăn còn luôn phải buồn lòng vì sự hỗn láo của học trò.

Lớp em có rất ít bạn có ý định thi vào sư phạm vì các bạn bảo vào ngành sư phạm ra trường khó xin việc, ít có cơ hội thăng tiến, đời sống không đảm bảo. Em học không được tốt lắm. Mấy năm gần đây, em thấy ngành sư phạm lấy điểm thấp, có lẽ em sẽ đăng ký thi vào trường sư phạm cho dễ đỗ. Bố mẹ em bảo, đỗ vào trường đại học nào cũng được, học rồi tính sau. Tuy nhiên, nếu em đỗ trường đại học khác, em sẽ không đi sư phạm. 
 Em Nguyễn Hồng Anh (Hà Nội)
Mở thêm ngành đào tạo để tự cứu mình 
 

Trước đây, có những năm học, trường tôi chỉ tuyển được vài chục học sinh cho ngành sư phạm mầm non. Trong khi đó, trường có đến hàng trăm giáo viên, cán bộ đang làm việc. Cơ sở vật chất, con nguời lãng phí vì không sử dụng hết công suất. Để có thể trụ được, trường đã chuyển sang đào tạo đa ngành nghề.

Ngành sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội nhưng Bộ GD – ĐT chưa có nghiên cứu về vấn đề này. Bộ nên đưa ra những con số cụ thể để các trường chủ động lên kế hoạch tuyển sinh. Ví dụ như, trong năm tới, tỉnh Bến Tre cần bao nhiêu giáo viên Văn, Toán, bao nhiêu giáo viên mầm mon, cao đẳng để đào tạo sinh viên ra khỏi bị lãng phí.
 Ông Lê Thành Công (Hiệu trưởng Trường CĐ Bến Tre)
Theo Uyên Na
(PL)

Bình luận (0)

Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm?”

Tạp Chí Giáo Dục

 Các trường ĐH có đào tạo sư phạm lâu đời hay các trường ĐH có khoa sư phạm đang rơi vào "thảm cảnh" phải vét sinh viên ở mức điểm sàn mới hy vọng tuyển đủ. Có chuyên gia giáo dục lo ngại về chất lượng giáo viên tương lai, về khả năng tư duy của họ khi trúng tuyển đại học với điểm trung bình mỗi môn khoảng hơn 4 điểm.

"Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm?"
Chào đón học sinh vào lớp 1.
Báo động từ đầu vào

Các trường ĐH sư phạm danh tiếng và lâu đời như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay có rất nhiều ngành phải tuyển bằng điểm sàn hay chỉ trên điểm sàn 1 điểm.
"Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm?", Giáo dục - du học, tuyen sinh 2011, diem thi, diem san, diem chuan, sinh vien, truong dai hoc, su pham
Trong số 30 ngành của ĐH Sư phạm Hà Nội, có 11 ngành lấy điểm đỗ NV1 từ 15 điểm. Chỉ có 2 ngành có điểm chuẩn NV1 cao nhất (25 điểm) là ngành Sư phạm tiếng Anh và thể dục thể thao. Vẫn có tín hiệu mừng khi có 3 thủ khoa khối A của trường đạt 28 điểm.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 phải lấy điểm chuẩn bằng sàn cho các ngành sư phạm hóa, sinh trong khi ngành sư phạm vật lý cũng chỉ là 13,5.
Trong khi đó, điểm trúng tuyển NV1 của ĐHSP TP.HCM: cao nhất là SP Tiếng Anh: 24.5, giáo dục Thể chất: 21.5, thấp nhất là SP Địa lý Khối A: 13, Sử – GDQP: 14, Giáo dục đặc biệt: 14 (bằng điểm sàn). Như vậy, thí sinh có điểm trung bình hơn 4 điểm đã đỗ đại học.
ĐH Sư phạm Huế cũng đa số lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn. Ngành lấy điểm cao nhất là SP Toán học 16 điểm, SP Sinh học 15,5, SP Hoá học 15 điểm.
ĐH Sư phạm Đà Nẵng lấy điểm trúng tuyển các môn quan trọng như Toán ứng dụng, Công nghệ thông tin, Sư phạm Tin, Vật lý bằng điểm sàn. Cao nhất là ngành Sư phạm Toán: 23,5 điểm; Sư phạm Hóa: 22,0 điểm.
Các trường top sư phạm còn phải lấy xuống đến mức điểm sàn thì tình trạng của các trường đại học sư phạm địa phương hay các trường có khoa sư phạm còn thê thảm hơn, khi có ngành không có thí sinh nào trúng tuyển hoặc lèo tèo vài em trúng tuyển với số điểm rất thấp.
Tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đa số trong 42 thí sinh trúng tuyển ngành Lịch sử có điểm ở mức 2-3 điểm. Thậm chí có ba thí sinh chỉ được 1,25 điểm, một thí sinh 1 điểm môn sử.
Trường ĐH Cần Thơ có bốn thí sinh trúng tuyển ngành Sư phạm Lịch sử với điểm thi môn này là 1 điểm, nhiều thí sinh từ 1,25-2 điểm.
Trường ĐH Đà Lạt, một thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm lịch sử với điểm thi sử 0,5. Một thí sinh tại trường này trúng tuyển với tổng điểm 13 nhưng môn Lịch sử chỉ có 0,25 điểm.
Báo động chất lượng giáo viên ra trường trong tương lai
GS. Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng ĐHSPHN đã từng phát biểu: "Sinh viên giỏi thì vẫn có, nhưng tôi mong muốn những sinh viên giỏi nhất. Mùa tuyển sinh năm nay ở trường tôi có thí sinh điểm đầu vào 27, 28. Học sinh THPT chuyên vẫn có nhiều em thi vào sư phạm.
Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là hiện nay các thí sinh ở thành phố lớn không thi vào sư phạm. Thế hệ giáo viên ở đây là những em ở vùng khác. Khi vào môi trường giáo dục thành phố các em phải thay đổi nhiều thứ, như lối sống, để tiếp cận với đối tượng học sinh, vốn có cách sống xa lạ với các em".
Ông Ngô Đắc Chứng, Phó hiệu trưởng trường ĐHSP Huế cho biết: So với 5-7 năm trước đây thì nhu cầu vào học ngành sư phạm của xã hội đã giảm. Lúc đó, chính sách miễn học phí và ra trường có việc làm luôn rất hấp dẫn những thí sinh giỏi. Bây giờ, giáo viên phổ thông nhìn chung đã bão hòa, hàng năm tuyển thêm không đáng kể. Hiện chỉ có giáo viên mầm non và tiểu học là còn có nhu cầu lớn, thí sinh thi vào đông.
Ông Chứng nói: Với mức điểm đầu vào trung bình là 5 điểm mỗi môn đào tạo đã là hơi khó rồi, huống chi là thấp hơn!
Còn GS Nguyễn Viết Thịnh khẳng định: "Tôi cho rằng cần phải tiên lượng đầu vào thấp như thế sẽ có tác động tới 10 năm sau".
Một chuyên gia giáo dục tiểu học của Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ: Có một hiện tượng là sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường không dạy được ngay mà phải "đi học nghề" từ những giáo viên già từ 2-3 năm mới có thể dạy được. Đó là nói tới những giáo viên có tư duy tốt. Với những thí sinh trúng tuyển với mức điểm thấp thì khó có tư duy tốt để tiếp thu những tư tưởng và cách tiếp cận HS theo lối hiện đại, yêu cầu của chương trình mới ở tiểu học bây giờ.
Theo kinh nghiệm của chuyên gia này, nếu giáo viên không có tư duy tốt thì chỉ giống như "thợ dạy" chứ không thể có sự chủ động và sáng tạo. Mỗi bài học trong sách giáo khoa, nhìn qua rất đơn giản, nếu giáo viên có kiến thức sâu rộng gấp nhiều lần nội dung trong sách, hiểu được nguồn gốc vấn đề thì chắc chắn giảng bài sẽ khác.
Chia sẻ trên báo chí, PGS Văn Như Cương cũng đồng tình: “Việc chất lượng đầu vào giảm là điều đáng báo động bởi nó sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống giáo dục và sự phát triển bền vững của xã hội. Giáo dục là nền tảng của các ngành khoa học, xã hội, nếu chỉ tuyển được những giáo viên có chất lượng không thật sự tốt, rõ ràng sẽ không có nền tảng tốt”.
Đem con bỏ chợ
Tại hội nghị các trường sư phạm toàn quốc, nhiều lãnh đạo chia sẻ một bất cập trong đào tạo giáo viên khiến cho nghề này ngày càng kém hấp dẫn.
Không chỉ là ở chính sách lương bổng quá thấp, cơ hội chuyển ngành thấp mà khi học ngành này, người ra trường rất khó tìm việc làm. Mỗi khi nộp hồ sơ tìm việc, nhiều sinh viên ra trường nhận được thông báo: đã hết biên chế hoặc không thiếu người. vì sự bão hòa này, ngay cả cơ hội làm hợp đồng với đồng lương ít ỏi cũng rất khó khăn.
ĐH Sư phạm Đồng Tháp cho biết, hàng năm, sinh viên ra trường thường xuyên gặp phải nghịch lý ngành thừa, ngành thiếu vì trường chỉ đào tạo theo chỉ tiêu được giao căn cứ vào năng lực hiện có. Còn nhu cầu xã hội cần thực hư như thế nào, trường không biết.
Đây cũng là lời phàn nàn của nhiều trường sư phạm khác có mặt ở hội nghị như ĐH Huế, CĐ sư phạm Hải Dương, Vĩnh Phúc… Đào tạo không theo nhu cầu xã hội, thiếu dự báo về nhu cầu nhân lực cụ thể cho ngành khiến các trường bức bối trong vòng luẩn quẩn: đào tạo ra không tìm được việc làm, làm nản lòng những người có ý định chọn con đường giáo viên.
Hiện tại, ngành giáo dục vẫn đang chờ đợi con số thống kê, dự báo nhu cầu nhân lực do Bộ GD-ĐT, các UBND và sở GD-ĐT các tỉnh khảo sát.
Hơn nữa, hệ thống các trường ĐH-CĐ đào tạo ngành sư phạm được nhận xét là đang khá "lôm côm".
Các mô hình đào tạo sản sinh ra từ những trường "ngoại đạo" có đào tạo sư phạm khiến cho năng lực nghiệp vụ sư phạm của giáo viên không được đảm bảo. Chẳng hạn, các trường dào tạo nông nghiệp, lâm nghiệp, rồi đến cả công nghiệp, ký thuật công nghiệp cũng tham gia đào tạo sư phạm. Nhiều tỉnh, thành đã tìm cách để từ chối hoặc đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với những sinh viên tốt nghiệp từ các mô hình này.
Nguyễn Hường
Theo Hương Giang
(Vietnamnet)