Cuốn sách “Châu – Chút tạ tình tri âm” của tác giả Thanh Thủy
“Châu – Chút tạ tình tri âm” của tác giả Thanh Thủy là cuốn bút ký viết về cuộc đời và sự nghiệp của người nghệ sĩ tài danh – NSƯT Mỹ Châu.
Cuốn sách gồm 300 trang, chia làm 6 chương, mở đầu bằng sự cô đơn đến nao lòng của nghệ sĩ Mỹ Châu ở thành phố Atlanta (Mỹ) khi mẹ, chị, chồng lần lượt ra đi, bỏ cô ở lại. Trong khung cảnh ấy, những hồi ức về cuộc đời một cô đào hát vang bóng một thời được tái hiện. Vốn sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng sau khi cha đột ngột qua đời, gia cảnh cô rơi vào khốn khó. Một mình mẹ phải mua gánh bán bưng nuôi 4 đứa con. Mới học cấp 1, cô con gái út Mỹ Châu đã bộc lộ năng khiếu ca, hát. Nhờ cuộc thi hát dành cho thiếu niên các tỉnh miền Tây đã tạo bước ngoặt cho Mỹ Châu đến với nghiệp cầm ca. Tuy nhiên, không vì thế mà cô “một bước lên mây”. Để có được danh vọng, cô phải nghỉ học từ sớm, theo mẹ lang bạt khắp các tỉnh miền quê sông nước để biểu diễn. Cô trải qua biết bao thăng trầm ở nhiều gánh hát cải lương khác nhau. Bằng sự nỗ lực không ngừng, năm 14 tuổi cô bắt đầu trở thành một đào chánh ở đất Sài Gòn phồn hoa đô hội, được khán giả hết lòng yêu quý, mến mộ. Lúc bấy giờ cải lương đang thời hoàng kim nên chẳng mấy chốc, nghệ sĩ Mỹ Châu trở thành “triệu phú” sắm xe hơi, xây nhà lầu, đời sống đủ đầy, có mẹ và chị là hậu phương vững chắc, luôn “kề vai sát cánh” cùng cô bước lên đỉnh vinh quang.
Cô tỏa sáng với hàng loạt vở diễn: Tâm sự Ngọc Hân, Người tình trên chiến trận, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Tâm sự loài chim biển, Khi rừng mới sang thu, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng trống Mê Linh…Bạn diễn cùng thời với cô phải kể đến: NSND Minh Vương, NS Minh Phụng, NS Châu Thanh, NSND Trọng Hữu, NSƯT Vũ Linh…
Rồi khi công nghệ bắt đầu phát triển, băng, đĩa ra đời sân khấu cải lương xuống dốc trầm trọng cũng là lúc Mỹ Châu bước sang tuổi xế chiều. Năm 1995, nghệ sĩ Mỹ Châu chính thức rời sân khấu lui về ở ẩn. Năm 2002 nghệ sĩ Mỹ Châu theo chồng sang Mỹ định cư.
“Châu – chút tạ tình tri âm” vượt lên ý nghĩa một cuốn bút ký chân dung, nó còn là câu chuyện trường thiên về một thời cải lương. Là nguồn sáng tinh thần của hàng triệu dân Việt Nam từ nơi phố thị đến chốn chân quê, khe khẽ chạm đến ý nghĩa một biên niên sử về một chặng đường của sân khấu cải lương Việt Nam.
Sách do NXB Văn hóa – Văn nghệ ấn hành.
Kiều Khánh
Bình luận (0)