Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng năm 2008 giáo dục Trung cấp chuyên nghiệp được đánh giá là thu được nhiều kết quả: Quy mô đào tạo TCCN tiếp tục phát triển; nhận thức về đào tạo theo nhu cầu xã hội bước đầu được chuyển biến; các trường đã chú trọng việc mở các ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế về nhận thức trong loại hình đào tạo này nhưng một điều dễ nhận thấy là nhu cầu học tập của người dân đối với TCCN đang ngày càng lớn.
Quy mô ngày càng mở rộng, đáp ứng nhu cầu xã hội, điều này cho thấy GDCN đã có chuyển biến tốt hơn, thưa ông?
TS. Hoàng Ngọc Vinh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp: Tính đến thời điểm hiện nay cả nước có 276 trường TCCN tăng 4 trường so với năm 2007, trong đó các trường TCCN công lập là 203 trường. Ngoài ra, còn có trên 230 trường cao đẳng (kể cả cao đẳng nghề), đại học, các viện, các trường chính trị tại địa phương tham gia đào tạo TCCN đưa tổng số các cơ sở đào tạo TCCN lên trên 500.
Năm 2008 tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ TCCN là 424.207 chỉ tiêu (chưa kể trên 10.000 chỉ tiêu bổ sung thêm để đào tạo theo địa chỉ). Mạng lưới các trường đã được quan tâm phát triển ở cả vùng sâu, vùng xa, miền núi. Thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT về việc tuyển những HS trượt tốt nghiệp THPT, năm học 2007-2008 các cơ sở đào tạo TCCN đã tuyển được gần 10.000 HS trượt tốt nghiệp và bỏ học tại các cơ sở GD THPT vào học TCCN. Có thể thấy quy mô HS năm 2008 tiếp tục tăng, chỉ trong vòng 8 năm qua quy mô đào tạo TCCN đã tăng lên trên 3 lần từ dưới 200.000 lên trên 600.000 và xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Những con số trên cho thấy nhu cầu học tập của người dân đối với TCCN đang ngày càng lớn.
Thực tế cho thấy quy mô tăng, để đảm bảo chất lượng không đơn thuần chỉ là kê thêm ghế, mở thêm lớp mà còn là việc tăng cường đội ngũ, xây dựng hạ tầng cơ sở, giáo trình…. Vậy trong năm qua GDCN đã thực hiện những giải pháp gì để đảm bảo chất lượng đào tạo?
TS. Hoàng Ngọc Vinh: Để đáp ứng quy mô ngày càng tăng, đội ngũ GV TCCN trong các nhà trưởng hàng năm đều tăng về số lượng, trình độ của đội ngũ GV và cán bộ quản lý TCCN không ngừng được cải thiện. Bên cạnh đó chương trình giảng dạy cũng được đổi mới với việc nâng cao thời lượng thực hành lên đến 70% tổng thời lượng trong chương trình. Nhiều trường TCCN các mục tiêu đào tạo gắn với nhiệm vụ của HS tốt nghiệp, thể hiện mục tiêu đào tạo thông qua chuẩn kiến thức kỹ năng, đổi mới PPGD, tăng cường đầu tư trang thiết bị để đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình đào tạo. Công tác biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy và học tập trong các trường TCCN được đẩy mạnh. Các trường TCCN tích cực, chủ động xây dựng chương trình và biên soạn giáo trình, tài liệu phù hợp với yêu cầu của ngành học đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, một số ngành nghề mới đã được mở ra như Chăm sóc sắc đẹp, Chăm sóc trẻ em và Hỗ trợ gia đình, Quản trị văn phòng v.v…
Việc tăng cường đầu tư CSVC, thiết bị cho các trường TCCN tiếp tục được quan tâm. Bằng nguồn ngân sách của địa phương (là chủ yếu) các tỉnh, thành phố đã đầu tư hạ tầng cơ sở, mở rộng diện tích phòng học, phòng thực hành – thí nghiệm, thư viện, từng bước nâng cấp hiện đại hóa hệ thống thiết bị – kỹ thuật. Theo báo cáo của một số địa phương nhiều trường TCCN đã đưa vào sử dụng hàng trăm m2 phòng học, nhà thực hành, thí nghiệm, thư viện mới. Tuy nhiên kinh phí đầu tư xây dựng CSVC và trang thiết bị dạy học cho các cơ sở đào tạo TCCN vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo TCCN.
Để khắc phục hạn chế này, Đề án tăng cường năng lực đào tạo TCCN đang được Bộ GD-ĐT gấp rút xây dựng. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ có nguồn lực đầu tư để đáp ứng yêu cầu về tăng số lượng và chất lượng đào tạo nhân lực có trình độ TCCN trong các khu vực kinh tế trọng điểm và trong những vùng kinh tế gặp nhiều khó khăn, chất lượng học sinh THPT còn hạn chế từ năm 2009 đến 2015 và những năm sau này.
Hiện nay Bộ GD-ĐT đang tổ chức đánh giá chất lượng đào tạo TCCN đối với 4 ngành Cơ khí, Công nghệ thông tin, Du lịch và Kế toán tại các cơ sở đào tạo TCCN. Dự kiến trong năm 2009 sẽ tổ chức Hội nghị chất lượng đào tạo TCCN để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo TCCN, đáp ứng yêu cầu sử dụng nhân lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp.
Một trong những mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo trong GDCN là gắn đào tạo theo nhu cầu xã hội, vậy ông đánh giá thế nào về việc thực hiện chủ trương này ở các nhà trường, thưa ông?
TS. Hoàng Ngọc Vinh: Nhìn chung thời gian qua các nhà trường đã chủ động nắm bắt các nhu cầu của doanh nghiệp, mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, chú trọng nâng cao chất lượng, đặc biệt là nâng cao kỹ năng thực hành, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên do phát triển nhanh về quy mô nhưng nguồn lực đầu tư chưa tương xứng nên chất lượng đào tạo TCCN ở nhiều địa phương vẫn còn thấp, ở nhiều ngành chưa đáp ứng nhu cầu về kiến thức và kỹ năng thực hành mà thị trường đòi hỏi. Chất lượng không đồng đều và biến động giữa các vùng tùy theo trình độ phát triển KT-XH và sự quan tâm của chính quyền địa phương và Bộ, ngành. Học sinh TCCN ra trường còn thiếu kỹ năng thực hành trên thiết bị công nghệ hiện đại, năng lực giao tiếp tại môi trường làm việc, đặc biệt khả năng sử dụng ngoại ngữ tiếng Anh còn khá yếu.
Có thể nói, tuy đã xác định được việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội là rất quan trọng đối với sự phát triển của GDTCCN nhưng sự chuyển biến tại các cơ sở đào tạo TCCN chưa nhiều. Phần lớn các trường vẫn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu theo dõi nhu cầu đào tạo và tình hình việc làm của HS sau khi tốt nghiệp. Đào tạo TCCN chưa gắn với sự phát triển nhân lực và định hướng phát triển KT-XH của địa phương, việc mở ngành nghề đào tạo không có nghiên cứu khảo sát nhu cầu từ thị trường lao động. Những nguyên nhân chủ yếu là mức đầu tư cho TCCN còn rất thấp, đội ngũ GV, cán bộ quản lý còn khá bất cập. GV thiếu các điều kiện cập nhật thông tin. Cán bộ quản lý phần lớn làm theo kinh nghiệm mà chưa được đào tạo bài bản để làm quản lý. Chương trình đào tạo TCCN chưa có nhiều sự tham gia trong việc thiết kế và đánh giá từ các doanh nghiệp và nhà quản lý lao động. Thiếu hệ thống thông tin thị trường lao động ở địa phương, vai trò tham mưu của sở GD-ĐT tạo ở nhiều địa phương đối với việc phát triển nhân lực còn hạn chế. Chậm triển khai các chủ trương của Bộ về đào tạo theo nhu cầu xã hội như rà soát lại chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra, liên kết hợp tác với doanh nghiệp v.v… Bên cạnh một số sở GD-ĐT làm tốt chức năng quản lý nhà nước, tham mưu cho chính quyền địa phương công tác phát triển nguồn nhân lực thì còn nhiều sở GD-ĐT chưa thực sự coi việc quản lý chất lượng giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu của quản lý nhà nước về giáo dục, tâm lý trông chờ vào chỉ đạo cấp quản lý bên trên còn khá phổ biến.
Năm 2009 này, tuyển sinh TCCN có những điểm mới gì, thưa ông?
TS. Hoàng Ngọc Vinh: Về đổi mới tuyển sinh, năm 2009 này hầu như không có đổi mới nhiều. Một số thông tin đáng lưu ý là chỉ tiêu tuyển sinh TCCN năm 2009 sẽ tăng 17% so với năm 2008 (như vậy các cơ sở đào tạo phải rất sẵn sàng về nguồn lực), TCCN sẽ chỉ tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển với nhiều chỉ tiêu được tăng thêm cho cả học sinh tốt nghiệp THPT và THCS. Bộ GD-ĐT chủ trương phân cấp để hiệu trưởng các cơ sở đào tạo được giao nhiều quyền hơn trong việc quyết định các đối tượng tuyển sinh theo ngành đào tạo, tiêu chí xét tuyển, số đợt xét tuyển trong năm, tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ. Các trường TCCN đều phải công bố công khai, rộng rãi tiêu chí, điều kiện và phương thức xét tuyển trước khi tuyển sinh, phải đảm bảo công bằng, công khai, chính xác và tin cậy.
Xin cám ơn ông!
Bạch Ngọc Dư (GD&TD)
Bình luận (0)