Cả nước hiện có 20 tỉnh, thành phố đã và đang tổ chức dạy tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) cho 108.329 học sinh thuộc 7 dân tộc: Khmer; Hoa; Chăm; Êđê; Jrai; Bahnar và H’mông. Theo đánh giá của Hội nghị tổng kết dạy tiếng DTTS trong trường phổ thông, do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì tổ chức tại Nha Trang ngày 14/10/2011: khó khăn lớn nhất của công tác dạy học tiếng DTTS hiện nay là đội ngũ giáo viên thiếu và yếu.
Bước ngoặt xoay chuyển sự phát triển mạnh của việc dạy tiếng DTTS là ngày 15/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2010/NĐ-CP quy định việc dạy học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở GD phổ thông và trung tâm GD thường xuyên. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Phải chờ đến cuối tháng 10/2011 mới có Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Nghị định 82 nói trên của Chính phủ.
Năm học 2010 – 2011 vừa qua, thống kê của Vụ GD dân tộc (Bộ GD&ĐT) cho thấy: việc dạy tiếng DTTS được triển khai ở 688 trường, 4764 lớp, 108.329 học sinh (HS) và 1.543 giáo viên (GV). So với năm học trước tăng 137 lớp với 2.489 HS, tăng nhiều nhất là HS học tiếng H’mông và tiếng Bahnar.
Kết quả xếp loại môn tiếng DTTS năm học vừa qua: số học sinh khá giỏi tăng 4,4% ở bậc tiểu học; tăng 6,6% ở bậc THCS. Qua việc học tiếng DTTS, khiến HS học tập hứng khởi hơn, ít bỏ học hơn, hỗ trợ tốt hơn trong việc học các môn khác. Tỉ lệ HS học tiếng DTTS đạt khá giỏi cao nhất là môn tiếng Hoa (bình quân đạt 73,2%); môn tiếng Khmer (bình quân đạt 53,8%); thấp nhất là môn tiếng H’mông chỉ được 38,2% học sinh khá giỏi. Nhìn chung ở 7 môn học tiếng DTTS cả nước, năm học 2010-2011 có 93,9% học sinh tiểu học và 88,4% học sinh THCS đạt học lực từ TB trở lên…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa (trái) và Vụ trưởng Nguyễn Thị Thu Huyền chủ trì hội nghị |
Nổi bật nhất là tỉnh Sóc Trăng, đã triển khai dạy tiếng Khmer cho toàn bộ các trường THCS của tỉnh. Tỉnh Đăk Lăk dạy tiếng Êđê cho tất cả các trường PTDT nội trú huyện và tỉnh. Các địa phương: TPHCM; Cà Mau; Kiên Giang; Sóc Trăng; Cần Thơ và Hậu Giang đã dạy tiếng Hoa tăng cường từ 3 đến 5 tiết/tuần lên 8-10 tiết/tuần. Đặc biệt tại Sóc Trăng và Trà Vinh có gần 1/3 số dân toàn tỉnh là đồng bào Khmer, đã có hàng trăm nhà sư tự nguyện dạy tiếng Khmer miễn phí cho hàng ngàn HS trong dịp hè (chủ yếu dạy học trong chùa).
Khó khăn lớn là nhiều chương trình dạy học tiếng DTTS vẫn đang ở dạng thực nghiệm hoặc thí điểm. Tiếng Hoa bậc THCS đang dạy học thí điểm. Tiếng Chăm Jawi đang dạy học thực nghiệm ở An Giang; Tây Ninh. Tiếng Êđê đang thực nghiệm ở Đăk Nông và Đăk Lăk. Một số tỉnh theo nhu cầu của HS đã tổ chức dạy học tiếng DTTS của chương trình tiểu học cho học sinh bậc THCS. Đến nay, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường Sư phạm xây dựng chương trình đào tạo GV dạy tiếng DTTS trình độ cao đẳng và đại học, đã ban hành được 4 chương trình đào tạo GV dạy tiếng Khmer; tiếng Chăm; tiếng Jrai và tiếng H’mông trình độ đại học.
Thách thức lớn nhất trong việc dạy tiếng DTTS là lực lượng GV quá mỏng, kể cả cán bộ quản lý (CBQL) chỉ đạo việc dạy tiếng DTTS cũng vậy.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai ông Ksor Jil cho biết tỉnh hiện có 90.202 HS Jrai (chiếm khoảng 30% HS phổ thông toàn tỉnh), nhưng chỉ có 244 GV dạy tiếng Jrai. Học sinh Bahnar có 36.223 em (chiếm khoảng 11% học sinh phổ thông toàn tỉnh), nhưng chỉ có 32 GV dạy tiếng Bahnar. Theo nhu cầu thực tế, Gia Lai cần bổ sung gấp đôi số GV này.
Tại Sóc Trăng, theo ông Sơn Hoàng Minh Tâm (phòng GDDT-Sở GD&ĐT): tỉ lệ HS Khmer đến cuối năm học 2010-2011 là 37.744 em – chiếm 28% HS phổ thông toàn tỉnh, nhưng chỉ có 316 GV dạy tiếng Khmer, trong đó 90% là GV tiểu học. Hầu hết số GV này chỉ mới có bằng Trung học sư phạm (hệ 9+3 hoặc 12+2). Với qui mô học sinh Khmer rất lớn như trên, Sóc Trăng đang thiếu trầm trọng GV dạy tiếng Khmer bậc THCS và THPT.
Theo đại diện các sở GD&ĐT Nghệ An; Yên Bái: hầu hết GV dạy tiếng H’mông của tỉnh đều chưa được đào tạo sư phạm chính quy, theo đúng trình độ chuyên môn của từng bậc học.
Ông Thái Văn Tài – Trưởng phòng GD&ĐT Krông Na (Đăk Lăk) cho biết: học sinh các DTTS của huyện chiếm 27% – chủ yếu là học sinh Êđê đang học tiếng Êđê ở 6 trường tiểu học với gần 700 em. Trong 37 GV là người dân tộc thiểu số, chúng tôi chỉ chọn được 19 GV biết sử dụng tiếng Êđê để dạy học. Trong đó chỉ có 6 GV thực sự đủ năng lực dạy tiếng Êđê bậc tiểu học, được định biên làm CBQL cốt cán cho phòng GD trong việc dạy học tiếng Êđê.
Học sinh trường PTDT nội trú Nơ Trang Lơng – Đăk Lăk. |
Trong việc vận dụng chế độ chính sách đối với GV và HS dạy học tiếng DTTS cũng có sự khác nhau. Có tỉnh áp dụng Nghị định số 61 về chế độ chính sách đối với nhà giáo, CBQL GD ở các trường chuyên biệt, ở vùng KTXH đặc biệt khó khăn, để chi trả chế độ cho GV dạy tiếng DTTS. Có địa phương vận dụng Thông tư liên tịch số 50 về hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở GD công lập, để chi trả chế độ cho GV dạy tiếng DTTS. Lại có tỉnh chi trả theo chính sách riêng của địa phương (thỏa thuận theo hợp đồng). Nhìn chung HS học tiếng DTTS đều được cấp đủ sách giáo khoa. Một số tỉnh cấp giấy chứng nhận học tiếng DTTS cho HS. Các em còn được khen thưởng, được xếp ưu tiên về trình độ học tiếng DTTS, khi nhập học một số trường của địa phương…
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Vụ trưởng vụ GDDT năm học 2011-2012 tiếp tục thay SGK tiếng Bahnar quyển 3. Tổ chức lấy ý kiến đánh giá của GV, HS, CBQL GD và PHHS về chương trình – SGK mới các tiếng: Jrai; Chăm; H’mông; Khmer. Hoàn thành việc chỉnh sửa SGK tiếng Êđê thực nghiệm để ban hành chính thức. Trong năm 2012, hoàn thành bộ SGK tiếng H’mông; tiếng Hoa tiểu học, để năm học 2012-2013 triển khai việc thay sách. Chuẩn bị xây dựng chương trình – SGK tiếng Xê đăng. Thống nhất đánh giá bộ SGK thực nghiệm tiếng Chăm Jawi. CBQL phụ trách dạy tiếng DTTS ở phòng ở Sở (kể cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) phải biết tiếng nói, chữ viết tiếng DTTS mà đơn vị mình đang phụ trách…
Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa biểu dương các địa phương có nhiều sáng tạo trong tổ chức dạy học tiếng DTTS, kể cả sáng tạo trong thực hiện chế độ đối với GV, HS dạy học tiếng DTTS. Cần tăng cường sử dụng GV DTTS dạy tiếng DTTS. Nên giao quyền chủ động sắp xếp lịch dạy học tiếng DTTS cho các trường để phù hợp với thực tế. Các địa phương chủ động lên kế hoạch và thực hiện bồi dưỡng cho GV dạy tiếng DTTS. Môn tiếng DTTS là môn học tự chọn, không đưa vào đánh giá xếp loại HS cuối năm khi Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 82 ra đời, sẽ giải quyết được những bất cập trong việc tổ chức dạy học tiếng DTTS và thực hiện chế độ chính sách đối với GV, HS. Tổ chức tốt dạy học tiếng DTTS sẽ góp phần quan trọng bồi dưỡng lòng tự hào, sự quý trọng tiếng “mẹ đẻ”. Đồng thời qua đó giúp học sinh các DTTS phấn khởi hơn trong học tập và thúc đẩy việc học các môn văn hóa khác được tốt hơn.
Theo Đinh Lê Yên
(GD&TĐ)
Bình luận (0)