Anh Trần Văn Nhân kể lại chuyến biển hãi hùng nhất trong đời ngư dân mà anh vừa trải qua |
Trở về sau chuyến biển bị cướp trắng mất 2 tấn mực, ngư dân Trần Văn Nhân, ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) cùng 9 bạn thuyền khác đang đối mặt với khoản nợ 250 triệu đồng chi phí cho chuyến vươn khơi vừa qua. Trước sự việc đó, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã có văn bản phản đối hành động cướp tài sản của ngư dân!
1.Bốn ngày sau khi chuyến tàu tàu vỏ thép mang số hiệu QNa-91441 hành nghề lưới chụp cập bờ, anh Trần Văn Nhân và 9 bạn thuyền vẫn chưa hết bàng hoàng bởi chuyến biển mà họ vừa trải qua. Tầm khoảng 2 tấn mực đánh bắt được trong hơn 1 tuần của các bạn tàu đã bị cướp trắng, ước tính 250 triệu đồng bị mất đi, đồng nghĩa với việc công sức của cả 10 người suốt bao nhiêu ngày lênh đênh trên biển bỗng chốc trở thành số không, cộng thêm nợ nần để phục vụ các nhu yếu phẩm, thuốc men… suốt chuyến đi dài ngày. Với anh Nhân và các bạn thuyền, đó là chuyến đi kinh hoàng nhất trong mấy chục năm làm nghề đánh bắt hải sản trên biển.
Anh Nhân kể, trưa ngày 2-6, tàu của anh đang thả trôi để nghỉ ngơi ở vị trí 15,42 độ vĩ Bắc – 111,34 độ kinh Đông, cách đảo Tri Tôn chừng 22 hải lý thì bất ngờ bị tàu mang số hiệu 46305 ghi chữ Trung Quốc ập đến, 6 người lên tàu khống chế các ngư dân. Chúng dùng roi điện ép ngư dân khai lý lịch. Nhiều người trên tàu đó nói được tiếng Việt khá sành sõi đã ép và cướp hết 2 tấn mực trên tàu anh Nhân. Trước khi rời đi, những người trên tàu kia còn đe dọa là lần này chỉ lấy hải sản, nếu lần sau phát hiện đánh bắt ở vùng biển này thì sẽ thu ngư lưới cụ, bắt ngư dân và đưa tàu về Trung Quốc giam giữ.
2.Ngày 7-6, sau khi đưa tàu trở về cập cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam), anh Nhân đã nhanh chóng viết đơn trình báo sự việc đến cơ quan chức năng. “Tôi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Suốt hơn 1 tuần anh em ăn gió nằm sương, đổ mồ hôi mới đánh bắt được 2 tấn mực. Vậy mà bọn chúng ngang nhiên cướp sạch”, anh Nhân bức xúc.
Khi được hỏi về việc đi biển tiếp theo, anh Nhân nói: “Đời ngư phủ sống nhờ biển. Với ngư dân thì biển cũng giống như mảnh vườn của người nông dân, nếu rời bỏ sẽ rất buồn. Sẽ rất khó khăn để có chi phí bắt đầu lại một chuyến biển mới nhưng tôi sẽ nỗ lực hết mình. Đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc thì không việc gì phải e ngại. Bởi vì đó không chỉ là mưu sinh mà còn góp phần cùng các ngư dân khác bảo vệ chủ quyền của đất nước mình”.
Con tàu của anh Nhân vừa bị cướp trắng 2 tấn mực khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa
Trước đó, để giúp ngư dân yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam có công văn gửi đến UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển: Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn và 2 đồn biên phòng: Cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Cửa Đại để các đơn vị trên chủ động các phương án hỗ trợ bà con ngư dân yên tâm bám biển. |
Được biết đây không phải là lần đầu tiên các tàu cá của ngư dân Việt Nam bị các tàu lạ tấn công trên biển. Trước đó vào tháng 4-2018, hai tàu lạ mang số hiệu 45103 và 46001 đâm chìm tàu cá của ngư dân Trần Năm ở Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90332 TS khi trên tàu này đang có 6 ngư dân. Vào giữa tháng 10-2018, tàu cá của ông Huỳnh Tèo ở xã Tam Quang (Núi Thành – Quảng Nam) khi trên tàu đang có 12 ngư dân địa phương lao động đánh bắt hải sản ở khu vực đảo Đá Bắc (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì bị tàu lạ tấn công khiến tàu bị hư hỏng nặng. Tàu của ông Tèo may mắn được một tàu bạn ở cùng địa phương ứng cứu kịp thời và lai dắt vào đất liền an toàn.
3.Trước sự việc tàu cá của ngư dân bị cướp trắng 2 tấn mực, Hội Nghề cá Quảng Nam đã có báo cáo gửi Hội Nghề cá Việt Nam. Ngay sau đó, ngày 10-6, Hội Nghề cá Việt Nam có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương về việc tàu cá lạ cướp sản phẩm đánh bắt hải sản của tàu cá Quảng Nam. Theo đó công văn nêu rõ, Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành vi cướp phá tài sản của ngư dân Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng những hành động trên gây khó khăn cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trên ngư trường truyền thống của Việt Nam, Hội Nghề cá đề nghị nhà chức trách phản đối mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn hành động cướp phá trên biển, bảo vệ tài sản, sự an toàn cho ngư dân Việt Nam khi sản xuất trên vùng biển Việt Nam, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)