Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chuyện buồn bỏ học sớm…

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: I.T
Mới đây trên một tờ báo có bài viết Bỏ học sớm làm sao thoát nghèo! phản ánh một thực tế đáng buồn ở nhiều địa phương của nước ta. Chuyện thực tế ở quê tôi cũng gần với các dẫn chứng trong bài viết và bối cảnh cũng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Quê tôi ở tỉnh Bến Tre, một tỉnh nghèo của miền Tây. Hồi tôi học tiểu học (đầu những năm 1980), trong xã có một vài anh chị học đến cấp III được ra thị trấn học trường trung học thì đã là niềm tự hào của cả dòng họ. Năm tôi học lớp 6, cả xã có 1 trường cấp II và chỉ có 2 lớp 6 với hơn 40 học sinh, còn các khối 7, 8, 9 chỉ có 1 lớp và mỗi lớp chỉ trên dưới 20 học sinh. Năm tôi lên lớp 7 thì 2 lớp 6 nhập lại chỉ còn 21 học sinh, như vậy mới qua một năm học có khoảng 20 bạn bỏ học. Cuối năm học đó, tôi theo gia đình chuyển đến nơi khác sinh sống (sau này tôi mới biết trong 20 người còn học, có 12 bạn học hết cấp III và chỉ 5 bạn học đến ĐH). Những bạn bỏ học thì lập gia đình sớm, vào đời sớm nhưng cuộc sống hầu hết đều khó khăn, trừ một vài bạn có điều kiện kinh tế gia đình tốt (cha mẹ có đất đai nhiều, có cơ sở làm ăn sẵn…). Còn lại, với những bạn có điều kiện gia đình như nhau, ai học hành tốt hơn thì có cuộc sống sau này tốt hơn.
Cũng phải nói thêm là hồi đó không có học bổng khuyến học, không có các chương trình tiếp sức đến trường, và do tình trạng bỏ học khá phổ biến nên các giáo viên cũng ít khi chịu khó đến tận nhà vận động học sinh trở lại lớp. Đặc biệt, do cha mẹ ít quan tâm đến việc học của con cái nên trẻ trốn học, học kém… cũng chẳng ai biết để kèm cặp. Do đó, những ai còn theo được việc học là do tự thân vận động, tự ý thức.
Hậu quả của việc bỏ học sớm là khá rõ ràng: Vì thiếu tri thức, thiếu bằng cấp nên việc học nghề rất khó khăn, do đó khó có cơ hội tìm được việc tốt để kiếm sống. Đã vất vả trong kiếm sống thì khó có thể tích lũy vốn liếng để làm giàu, trừ những người có cơ hội đặc biệt nào đó. Ngoài ra, bỏ học sớm thì phần lớn có xu hướng lập gia đình sớm khi còn khá trẻ, thường có nhiều con và có con khi chưa có điều kiện kinh tế ổn định nên việc chăm sóc chúng cũng thường rất hạn chế.
Trong điều kiện đó, để xóa đói giảm nghèo một cách căn cơ, bền vững thì không chỉ là vấn đề cho “con cá”, giúp “cần câu” mà quan trọng là phải hướng dẫn “cách câu cá” kết hợp với hỗ trợ “cần câu” hoặc tạo điều kiện để người dân có thể “sắm được cần câu”. Cái gốc vấn đề ở đây là giáo dục. Trên tinh thần đó, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, phải quyết liệt khắc phục tình trạng bỏ học, các địa phương cần quyết tâm thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học một cách thực chất và tiến tới giáo dục phổ thông (hết cấp III) bắt buộc. Trong đó, ngành giáo dục nói chung và nhà trường nói riêng cần nắm chắc những trường hợp có nguy cơ bỏ học để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em không bỏ học, đồng thời vận động, hỗ trợ các học sinh đã bỏ học trở lại lớp. Về vĩ mô, cần tổ chức việc phân luồng, phân ban ở bậc phổ thông để học sinh có thể chọn ngành học phù hợp với khả năng mà hạn chế bỏ học.
Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực và rộng rãi đối với các học sinh thuộc diện gia đình nghèo, cận nghèo, ở khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn. Các địa phương cần tiến hành bình xét hộ nghèo và cận nghèo một cách thực chất để thực sự giúp đỡ những hộ khó khăn, từ đó tạo điều kiện các gia đình này có thể cho con em tiếp tục học tập…
Thứ ba, phát huy tích cực mô hình “tiếp sức đến trường” của các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông, các hội khuyến học… Trong đó, cần chú ý mô hình “dòng họ khuyến học”, “cơ quan khuyến học”… để những người trong dòng họ, trong cơ quan có thể trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ việc học tập của học sinh ngay trong dòng họ, cơ quan mình. Trong hoạt động này cần chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của giáo dục nói chung và ý nghĩa của công tác khuyến học nói riêng.
Thứ tư, chú trọng phát triển các hình thức học tập tại cộng đồng cho những người đã bỏ học sớm hoặc có nhu cầu nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghề nghiệp. Cần tổ chức các trung tâm học tập cộng đồng, chương trình dạy nghề cho nông dân… một cách thiết thực và hiệu quả, phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới toàn diện và căn bản GD-ĐT có nêu một quan điểm: “Ưu tiên đầu tư phát triển GD-ĐT đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách”. Một trong những vấn đề của các khu vực này là tình trạng học sinh bỏ học nên thường tạo ra cái vòng luẩn quẩn: Điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều học sinh bỏ học và vì có nhiều em bỏ học nên khó có điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này cần chú trọng nâng cao tri thức cho người dân ở các vùng khó khăn và trong nhiều cách thì cần đặc biệt chú trọng đến việc tác động, tạo điều kiện để hạn chế tình trạng bỏ học.
Trúc Giang (Q.3, TP.HCM)
Hậu quả của việc bỏ học sớm là khá rõ ràng: Vì thiếu tri thức, thiếu bằng cấp nên việc học nghề rất khó khăn, do đó khó có cơ hội tìm được việc làm tốt để kiếm sống.
 

Bình luận (0)