Mồ côi cha từ khi mới lọt lòng, chưa đến tuổi đến trường đã phải tự kiếm sống để nuôi hai người mẹ ốm đau, bệnh tật. Bước qua những mặc cảm và nỗi đau của số phận, Nguyễn Thị Thanh Thảo đã cố gắng học thật giỏi để thực hiện ước mơ của mình. Sau biết bao ngày tháng vừa lao động mưu sinh, vừa cặm cụi học tập, giờ đây em đã là sinh viên năm thứ tư của Trường Đại học Y Hải Phòng.
Vụn vỡ … nỗi đau
Khó khăn lắm tôi mới tìm được nhà nhân vật. Ngôi nhà tình nghĩa cũ kỹ, tồi tàn với đầy những nilon, giấy vụn, và tải rách… Vỏ ốc vương vãi ngoài sân, trong nhà trơ trọi một chiếc giường, mặc kệ cho cơn gió đầu mùa lùa vào làm tê cóng chân tay. Quang cảnh mái ấm của gia đình em Nguyễn Thị Thanh Thảo ở thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái (Thuận Thành, Bắc Ninh) ít nhiều làm cho tôi nghĩ đến cái lều mà một ai đó dựng lên để hành nghề thu mua phế liệu.
Với thân hình nhỏ thó, nước da hơi ngăm đen, bận chiếc áo thấm đẫm mồ hôi, ánh mắt buồn xa xăm, Thảo bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện với chuỗi ngày tháng bất hạnh vây kín cuộc đời của hai mẹ con. Biết bao nhiêu cái Tết trôi qua, trong bữa cơm chỉ có ba người phụ nữa với nhau, lặng lẽ nhìn đĩa rau với bát nước mắm trên chiếc mâm sắt ngả màu.
Lúc còn nhỏ, Thảo vô tình cất tiếng hỏi: “Cha con đâu hả mẹ?”, thấy mẹ mình không nói gì, nước mắt cứ tuôn rơi. Khi lớn lên Thảo mới biết mình bị bố bỏ rơi ngay từ khi còn trong nôi. Nỗi buồn từ đó cứ dai dẳng, dài theo năm tháng cho đến khi những tai ương khác tìm đến người mẹ gầy gò ốm yếu của Thảo. Căn bệnh thận không chỉ cướp đi sức lao động của mẹ Thảo mà còn đeo bám, ăn mòn một phần tư quả thận của bà. Còn người bác gái mà Thảo coi như bà mẹ thứ 2, suốt 24 năm nay lay lắt, điêu đứng với căn bệnh tâm thần phân liệt và vôi hóa cột sống.
Vì gánh nặng mưu sinh mẹ Thảo đành nén lại những cơn đau để đi làm thuê làm mướn, mong kiếm được chút tiền đong gạo. Ở quê nhàn việc thì bà lại đạp xe sang Bát Tràng để gánh gạch, nặn than thuê. Khi sức khỏe yếu dần không thể gánh gạch nặn than được nữa thì bà lại đi nhặt nilon, giấy vụn về bán. Một ngày kia, những cơn đau quặn thắt, tối tăm mặt mũi tìm đến mẹ Thảo, thì bà mới cam tâm nằm viện điều trị. Bác sỹ kết luận bà bị suy thận độ 4, sức khỏe không đảm bảo cho một ca mổ nào nữa, đến nước này chỉ còn đường chạy thận nhân tạo. Vậy là gánh lo cơm áo, gạo tiền đều dồn lên đôi vai Thảo.
Khi được hỏi em sợ điều gì nhất? Thảo gạt nước mắt nói: “Nỗi ám ảnh lúc nào cũng đeo bám gia đình nhỏ bé của em đó là cơm, áo, gạo tiền. Nhưng đáng sợ nhất đó là sự hành hạ của bệnh tật đối với bác gái và người mẹ của em anh ạ”….
“Ngày em còn bé, lúc đó mẹ em vẫn còn khoẻ. Mẹ đi làm suốt ngày. Ngay cả buổi trưa nắng trong khi mọi người về nhà hết thì mẹ em vẫn mò cua, bắt ốc ở ngoài đồng. Những ngày giáp hạt, nhà em bị đói thường xuyên phải ăn rau trừ bữa. Nhà em thường nấu lưng bát gạo lẫn với nhiều rau để ăn cho no”…
Thảo đang học bài ở ký túc xá |
Bước qua những mặc cảm
Vừa đi học vừa cáng đáng việc đồng áng, thời gian đó bữa đói nhiều hơn bữa no, nhiều khi hai mẹ con đau ốm, chịu đói ôm nhau khóc. Để có tiền đi học, Thảo tiết kiệm hết mức có thể, vì thế có lần em bị ngất dọc đường vì đói lả. Đứng trước ngã rẻ phải bỏ học vì miếng cơm, manh áo nhưng mẹ Thảo đã động viên: “Dù hoàn cảnh có khó khăn như thế nào thì con cũng phải quyết tâm học tập thật tốt. Và con phải vì ước mơ chữa bệnh cho mẹ, và bác gái để mẹ không phải chịu những cơn đau thận quằn quại nữa cơ mà”.
Bước qua những mặc cảm về hoàn cảnh, ngày ngày Thảo vẫn đến trường đều đặn. Vì không có thì giờ để học bài về nhà nên Thảo học thuộc bài ở ngay trên lớp. Các bạn cùng lớp luôn nể phục bởi thành tích học tập của Thảo: 12 năm đạt học sinh giỏi và đặc biệt nhiều năm liên tiếp đứng đầu lớp về thành tích học tập. Dù phải đối mặt với miếng cơm manh áo ngay từ khi còn thơ bé, nhiều lúc tưởng trừng như ngã gục vì kiệt sức, vậy mà Thảo chưa bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống. Thảo luôn mơ ước một ngày nào đó mình sẽ trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho mẹ, bác gái và những người nghèo không có tiền chữa bệnh.
Thảo gắng đạt được ước mơ của mình cho bằng được. Dù người mẹ đã động viên rất nhiều nhưng trước khi đặt bút điền vào hồ sơ thi đại học Thảo không khỏi suy nghĩ: “Cuộc sống gia đình mình sẽ ra sao nếu mình tiếp tục theo học? Tiền ăn uống, tiền thuốc thang hàng ngày cho mẹ và bác. Dù có vay có được hỗ trợ nhưng học ngành y rất tốn kém”. Biết Thảo lo lắng về chuyện học hành nên mẹ Thảo đã động viên: “Con cứ lo thi cho tốt, học hành cho tốt, mẹ sẽ nhờ mọi người giúp đỡ. Hãy cố gắng thực hiện ước mơ của con. Mẹ và bác dù có phải ăn rau cháo cũng không để con phải thất học, khó khăn thì mình sẽ cùng cố gắng vượt qua con nhé”. Từng lời của mẹ như từng lời yêu thương xoáy vào sâu tâm hồn, vì thế Thảo quyết định sẽ thi trường Y.
Gần ngày thi, mẹ Thảo bán tất số thóc trong hòm được gần 200.000, hai mẹ con gói ghém lên đường đi thi. Đến Hải Phòng, 2 mẹ con tiếc tiền đi xe ôm nên đã đi bộ 4 cây số từ ga vào ký túc xá. Khi thi xong, hai mẹ con lại lên xe về nhà ngay vì đang vào vụ cấy.
Ngày đỗ Đại học, Thảo sung sướng đến rơi nước mắt, mẹ Thảo cũng vui lắm nhưng không dấu được nỗi lo bởi cuộc sống phía trước. Ước mơ đi lên từ cuộc sống bình dị, từ những nỗi đau mà không phải cô bé nào cũng có thể làm được. Và rồi may mắn đã mỉm cười, Thảo đã nhận được học bổng của Qũy bảo trợ Úc giành cho trẻ em Việt Nam (viết tắt là ACCV).
Khi đã là sinh viên, Thảo thấy mình cần phải cố gắng nỗ lực học tập hơn nữa để trở thành một bác sĩ vững vàng về tay nghề, y đức tốt. Thảo luôn tận dụng thời gian rảnh để đi làm thêm lấy tiền trang trải cho học hành. Tất bật với cuộc sống sinh viên vậy mà kỳ nào Thảo cũng giành học bổng của trường. Chia sẻ với tôi Thảo nói: “Em sẽ giành học bổng của mình để chạy thận nhân tạo cho mẹ và mua thuốc chữa bệnh cho bác gái.”
Đi tiếp con đường đã chọn
Những khó khăn đã đi qua, những bất hạnh cũng dần nguôi ngoai, chỉ có ước mơ và sự kiên trì tồn tại trong cô bé. Sức mạnh của niềm tin và tinh thần kiên cường của một đứa con nhà nghèo đã đưa Thảo đến thành công.
Giờ đây đã là sinh viên năm thứ tư khoa Bác sĩ Đa khoa của Trường Đại học Y Hải Phòng. Dù biết cuộc sống còn nhiều điều phải lo lắng, song Thảo vẫn cố gắng đi làm thêm để có tiền trang trải cho việc sinh hoạt hàng ngày. Tiễn tôi ra tận đầu làng, Thảo hứa với tôi: “Em sẽ đi tiếp con đường mình đã chọn anh ạ. Dù con đường đó còn nhiều khó khăn nhưng em sẽ cố gắng hết sức…!”
Nhìn cô bé xứ Kinh bắc vượt lên hết nỗi đau này đến nỗi đau khác, rồi kiên cường biến ước mơ của mình trở thành sự thật. Tôi biết rằng: Trước biết bao sóng gió ngoài cuộc đời kia cô sinh viên trẻ ấy sẽ bước tiếp trên con đường em đã chọn…
Giang Vy
Theo Phaluatvn
Bình luận (0)