Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chuyện cạnh tranh cước di động thời phá giá

Tạp Chí Giáo Dục

3 đại gia mạng viễn thông di động đều đưa ra mức giảm cước từ 10-15% và đây sẽ là đợt giảm cước cuối cùng của năm 2010.
Sau quyết định siết chặt các hình thức khuyến mại từ ngày 1/7 của Bộ TT&TT, một điều có thể thấy rõ là nhà mạng nào cũng bị ảnh hưởng về chỉ tiêu phát triển thuê bao và doanh thu vì thế ít nhiều cũng bị hao hụt. 
Ảnh minh họa
Nếu trước đây, bán một SIM "rác" doanh nghiệp có thể thu hồi ngay ’tiền tươi thóc thật’ thì giờ đây, với việc tài khoản khuyến mại bị giới hạn, thẻ cào không được tặng giá trị "khủng", người dùng gần như không còn mấy mặn mà với cách sử dụng này.
Lẽ dĩ nhiên, sự  linh hoạt kinh doanh không cho phép các đại gia di động Việt Nam ngồi im chờ khách. Thay vào đó, việc ngày 1/8 vừa qua 3 nhà mạng lớn gồm VinaPhone, MobiFone và Viettel đồng loạt giảm cước di động từ 10 đến 15% được xem như "cứu cánh" cuối cùng của 3 ông lớn này trong năm nay.
Theo chỉ đạo của Bộ TT&TT từ đầu năm, các doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần khống chế sẽ chỉ được giảm tối đa 15% theo lộ trình thống nhất từ đầu năm và chỉ được giảm một lần duy nhất trong cả năm. Đây cũng là rào cản mà Bộ đặt ra nhằm đảm bảo tính công bằng trong bài toán cạnh tranh khi khả năng các ông lớn ’lấy thịt đè người’ các nhà mạng nhỏ là điều thường xuyên xảy ra.
Với mức giảm này, các thuê  bao trả trước và trả sau của mạng Viettel có thể giảm từ 100 đồng tới 200 đồng mỗi phút thoại. Về phía 2 anh em VNPT gồm VinaPhone và  MobiFone, cũng có mức giảm tương đương nhưng một số gói cước sẽ thấp hơn Viettel khoảng 10 đồng. Nhìn chung mức giảm cước vừa công bố là không lớn và bản thân giá cước viễn thông di động tại Việt Nam hiện nay đã ở mức rất thấp.
Theo một thống kê chưa  đầy đủ của Tổ chức nghiên cứu và thống kê  Wireless Intelligence thì chỉ số ARPU Việt Nam hiện nay ở khoảng mức 4 USD/tháng, nằm trong số top những nước có chỉ số thấp nhất châu Á. Điều này là một sự thật bất lợi bởi lẽ, chỉ số ARPU của Việt Nam đã có những bước giảm liên tục trong 3 năm qua, từ ngưỡng 6,8 USD/tháng của năm 2008. Tuy nhiên, con số này cũng tỷ lệ thuận với những tình trạng đang diễn ra trên thị trường viễn thông di động khi cước thoại liên tục giảm.
Đứng từ nhiều góc độ, các chuyên gia phân tích đều nhận định nếu tiếp tục giảm cước, viễn thông di động Việt Nam sẽ rơi vào thế bất lợi và sẽ dễ dẫn đến tình trạng khủng hoảng. Việc các ông lớn với thị phần áp đảo liên tục cạnh tranh bằng chính sách cước sẽ khó có thể tạo ra một sự bình đẳng trong việc phát triển viễn thông. Cả 3 mạng di động lớn hiện nay đều có trên 10 năm đầu tư hạ tầng và đã đang bước vào giai đoạn hoàn vốn. Trong khi đó, một số nhà mạng nhỏ như VietNamMobile,Beeline thì lại mới "chân ướt chân ráo" bước vào thị trường, khách chưa có nhiều, vẫn còn đang trong giai đoạn đầu tư thì đã phải cạnh tranh với các đại gia khiến cho các nhà mạng này vướng phải vô vàn bất lợi.
Nếu tình hình này còn tiếp tục theo chiều hướng cạnh tranh về giá cước, việc trong một tương lai gần các mạng nhỏ hoặc sẽ sáp nhập hoặc rời bỏ thị trường là điều dễ xảy ra. Tới lúc đó, sẽ chỉ còn các nhà mạng lớn cùng các mạng MVNO (mạng di động ảo) cộng sinh mà thôi. Ắt hẳn tới lúc đó người tiêu dùng sẽ gặp không ít thiệt thòi do thị trường mất đi tính cạnh tranh và bắt buộc chấp nhận thực tế "có gì ăn nấy" mà các nhà mạng đưa ra.
Một thực tế khác cho thấy, việc giảm cước thời điểm này còn mang nhiều tính chất nóng vội. Thứ nhất, mức cước giảm không nhiều, không tạo được tâm lý cho người tiêu dùng. Thứ 2, nhà mạng đang phải đầu tư cho dịch vụ 3G, cước 2G giảm mà 3G không giảm sẽ là một nghịch lý dễ thấy. Bản thân các nhà mạng cũng đã từng có chính sách tăng giá 3G khi đồng loạt xóa bỏ các gói cước trả trọn gói với dung lượng không giới hạn, do đó việc giảm cước vào lúc này cũng sẽ khiến việc phát triển 3G bị ảnh hưởng theo.
Rõ ràng, nhãn tiền có  thể thấy cuộc chơi di động hiện nay chỉ là  cuộc đua tam mã của 3 đại gia. Việc giảm cước chỉ là một đòn vét khách nhằm tận thu sau khi bị Bộ TT&TT siết chặt các hình thức "buôn thúng bán mẹt" SIM rác tràn lan, tài khoản khuyến mại ngất ngưởng.
Thị trường viễn thông Việt Nam cần có một định hướng lâu dài và  bền vững thay vì cạnh tranh theo kiểu ăn xổi chạy  đua giảm cước như hiện nay. Nếu tiếp tục đà giảm cho các năm kế tiếp trong khi lượng khách hàng không tăng, đây sẽ là một vấn đề nan giải bởi tới lúc đó bài toán tái đầu tư phát triển hạ tầng sẽ gặp không ít khó khăn do doanh thu thấp vì thị trường bão hòa.
Theo Bee

Bình luận (0)