Cha mất sớm, người mẹ sớm hôm tần tảo ở chợ kiếm từng đồng lo cho con trai ăn học. Và người đàn bà nghèo khổ ấy đã khóc trong hạnh phúc khi đứa con nuôi trong khốn khó mang về HCV Olympic Vật lý quốc tế.
Câu chuyện em Nguyễn Thế Quỳnh (học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình) giành HCV tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2016 diễn ra tại Thụy Sĩ vừa qua như một giấc mơ có thật.
Hun hút tự hào
Từ khi nhận tin Quỳnh giành HCV danh giá đến khi đón em vinh quang trở về quê hương và cho đến hôm nay, cảm giác sung sướng, quá đỗi tự hào vẫn cứ lâng lâng trong nhiều người con của dải đất hẹp nhất đất nước. Đặc biệt đối với thầy cô giáo, gia đình, bạn bè của em – những người gắn bó, nuôi dưỡng, dạy bảo em trong suốt thời gian qua, tất cả vỡ òa trong hạnh phúc.
Đi cùng đoàn của Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp ra đón Quỳnh trở về tại chân Đèo Ngang, tôi đã chứng kiến và sẽ khó để quên cảm giác hồi hộp, những ánh mắt rạng ngời và nụ cười mãn nguyện của người thân, thầy cô giáo và bạn bè khi Quỳnh bước xuống xe.
Lần đầu tiên sau 70 năm, Quảng Bình mới có học sinh đạt giải cao về khoa học tự nhiên như thế. Quỳnh đạt tổng số điểm 40,8/50 cho 2 phần thi lý thuyết và thực hành, trong đó phần thực hành đạt 18/20 điểm.
“Đây là thành tích đáng nể”, ông Hoàng Thanh Cảnh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, người sát cánh với Quỳnh khi sang Thụy Sĩ tự hào nói.
Việc Quỳnh chỉ mới học lớp 11 nhưng lại giành được thành tích xuất sắc đã gây ấn tượng mạnh với nhiều người. Trước đó, Quỳnh cũng đạt HCB Olympic Vật lý Châu Á 2016 với số điểm rất cao, chỉ thua người giành HCV 0,75 điểm.
Ở kỳ thi trên, Quỳnh có 3 ưu điểm được đánh giá cao: thí sinh có điểm thi thực hành đạt điểm tuyệt đối, thí sinh có bài thi lý thuyết đạt 20/20 điểm và thí sinh duy nhất của đoàn Việt Nam đang học lớp 11.
Ít ai biết, Quỳnh chỉ bén duyên với Vật lý từ cuối lớp 8 đầu năm lớp 9, lúc đó vì thất bại trong một đợi tuyển chọn mà Quỳnh trở nên yêu vật lý hơn. Trước đó Quỳnh thích học toán và giành giải cao trong kỳ thi cấp tỉnh.
Nhận xét về cậu học trò vàng của mình, thầy giáo Nguyễn Phượng Hoàng, Tổ trưởng Tổ lý, giáo viên chủ nhiệm lớp 11 lý nói: “Quỳnh rất thông minh, vào học lớp 10 được vài tháng thì tôi phát hiện ra và lựa chọn em, rồi lên chương trình bồi dưỡng. Em rất đam mê, say sưa học tập; càng vào sâu Quỳnh học càng tốt, ngay từ lớp 10 em đã đạt giải nhất vật lý toàn tỉnh dành cho lớp 11"
"Khi tôi giao sườn từng chuyên đề cho em thì Quỳnh hoàn thành rất tốt. Chúng tôi chọn 6 em trong đội tuyển vật lý của trường, theo đó có 6 giáo viên bồi dường theo từng mảng. Điều đặc biệt nữa ở Quỳnh đó là em luôn vui vẻ thoải mái, học hành rất tích cực và luôn trong trạng thái thoải mái; cái hay ở em là không bao giờ căng thẳng, lúc nào cũng cười tươi chứ không căng cứng như nhiều em khác, kể cả học sinh ở các tỉnh bạn”, thầy Hoàng kể thêm.
Sự vô tư, hồn nhiên của Quỳnh dễ dàng nhận ra ngay lần tiếp xúc đầu tiên. Lúc đón đoàn ở chân Đèo Ngang vào chiều 20.7, vừa bước xuống xe, Quỳnh và các bạn cùng lớp đã chào nhau rộn rã và lao vào ôm chầm lấy nhau.
Đến lúc đứng trên bục sân khấu bày tỏ cảm xúc với đông đảo lãnh đạo địa phương, Sở GD-ĐT, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và bạn bè, Quỳnh cũng luôn cười và chỉ biết nói "cảm ơn". Còn khi chia sẻ riêng với phóng viên Thanh Niên về bài làm ở kỳ thi quốc tế tại Thụy Sĩ, Quỳnh thật thà: “Bài thi lý thuyết thì có 1 câu em không làm được”.
Quỳnh lớn lên trong một gia cảnh khó khăn. Cha của Quỳnh mất sớm, mẹ em tảo tần sớm hôm ở chợ Cộn (P.Đồng Sơn, Đồng Hới) để lo cho 2 anh em Quỳnh ăn học. Anh trai Quỳnh cũng là cựu học sinh trường chuyên, hiện học đại học năm thứ 3 tại Hà Nội. Hiểu gia cảnh của mình, anh em Quỳnh đã nỗ lực học giỏi, riêng Quỳnh không ngừng học hỏi để khiến người mẹ hãnh diện mà vơi bớt nỗi nhọc nhằn.
Trương Quang Nam (TNO)
Bình luận (0)