Trong khuôn khổ “Tuần lễ sách của người làm báo” diễn ra tại Đường sách TP.HCM, nhà báo Hoàng Hải Vân đã gặp gỡ giao lưu với độc giả về cuốn sách “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” xoay quanh những câu chuyện chưa kể về vị tướng tình báo lỗi lạc Đặng Trần Đức tức ông Ba Quốc.
Nhà báo Hoàng Hải Vân chia sẻ những chuyện chưa kể về vị tướng tình báo lỗi lạc Đặng Trần Đức
Thông qua những câu chuyện lần đầu tiên được kể dưới góc nhìn của một nhà báo đã giúp công chúng hiểu hơn về cuộc đời và những cống hiến của ông Ba Quốc.
Làm nhiều nhưng không thích kể
Trong hơn 20 năm hoạt động “trong lòng” địch, ông Ba Quốc là điệp viên duy nhất thâm nhập được vào cơ quan tình báo cao cấp nhất của chính quyền Sài Gòn với tư cách là sĩ quan tình báo làm việc tại Cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống và Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo. Ông cũng là một trong những vị tình báo bí ẩn nhất, không chỉ với công chúng mà còn với cả lực lượng vũ trang và lãnh đạo đất nước. Rất ít người biết về những chiến công lẫy lừng của ông, trừ những cán bộ có trách nhiệm trong ngành tình báo cùng một số ít vị lãnh đạo cấp cao trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng và an ninh quốc gia.
Nhà báo Hoàng Hải Vân (người được gặp ông Ba Quốc để phỏng vấn) kể lại, cách đây hai mươi năm, qua sự kết nối của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, chúng tôi có duyên may được gặp chú Ba Quốc. Tuy nhiên, lúc gặp, ông từ chối chia sẻ. Ông nói hãy để câu chuyện của ông rơi vào quên lãng, không có gì đáng viết. Sau đó, nhà báo Hải Vân đã nhờ nhiều nhà tình báo lão thành thuyết phục như ông Ẩn, ông Mười Nho nhưng ông Ba Quốc đều lắc đầu. Cuối cùng, nhà báo Hải Vân nhờ tướng Nguyễn Chí Vịnh, lúc đó là Tổng cục trưởng Tổng cục II và là người học trò gần gũi xuất sắc nhất của ông Ba Quốc. “Anh Vịnh đưa tôi đến gặp ông Ba Quốc và bảo lãnh tư cách của chúng tôi thì ông Ba Quốc mới đồng ý để chúng tôi viết về ông”, nhà báo Hải Vân tiết lộ.
Trong quá trình trao đổi, nhà tình báo Ba Quốc cũng chỉ kể cho nhà báo Hải Vân nghe một cách vô cùng khiêm tốn về những hoạt động của mình. Bởi những nhà tình báo tuy có thể nói rất chính xác về những việc đã xảy ra nhưng lại rất ít khi nói về bản thân mình. “Muốn viết về ông Ba Quốc rất khó, tôi phải gặp tất cả những người có liên quan. Từ gia đình hai bên cho đến người giao liên năm xưa tôi mới có thể dựng được một bức tranh tương đối đầy đủ về hoạt động của ông trước năm 1975”, nhà báo Hải Vân cho biết.
Nhà báo Hoàng Hải Vân chụp ảnh lưu niệm cùng những người yêu quý ông tại buổi giao lưu
Từ nguồn tư liệu dày công thu thập được, nhà báo Hải Vân đã ghi lại những điệp vụ mà ông Ba Quốc từng thực hiện trong suốt quãng thời gian hoạt động tình báo. Từ giải cứu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Quốc vương Norodom Shihanouk cho đến việc xóa sạch tất cả các ổ gián điệp mà đối phương cài ở miền Bắc, hay cung cấp về tổng hành dinh những báo cáo quân sự quan trọng của Bộ tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn… Trong đó, sự kiện mà ông Ba Quốc cho là nguy hiểm nhất là giải cứu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và 9 đặc khu ủy viên Sài Gòn – Gia Định thoát khỏi sự truy bắt của mật vụ. Tuy nhiên, vào thời điểm câu chuyện được công bố, nhiều người, trong đó có gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không tin vào việc này cho đến khi thông tin được Tổng cục II xác nhận. Sau đó, nhà báo Hải Vân cùng tướng Vịnh và lãnh đạo Báo Thanh niên đã đến gặp gỡ, giải thích với gia đình ông Nguyễn Văn Linh về câu chuyện này.
Viết lịch sử thành câu chuyện sẽ hấp dẫn
Nhà báo Hải Vân cho biết, cái hay của người làm tình báo là họ không có kẻ thù riêng. Họ làm thất bại những mưu đồ phá hoại Tổ quốc nhưng vẫn có những bạn bè ở bên kia chiến tuyến. Ông Ba Quốc là một trong những người như vậy. Nói thêm về điều này, nhà báo Hải Vân nhớ lại câu chuyện mà tướng Phạm Xuân Ẩn kể với ông năm xưa về số phận của những nhà tình báo Việt Nam làm cho CIA sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Khi được hỏi các ông sẽ đi đâu sau khi Mỹ rút quân về nước, đa phần các nhà tình báo Việt Nam làm cho CIA đều trả lời rằng họ sẽ tiếp tục đi theo Mỹ. Cũng có người nói họ sẵn sàng ở lại Việt Nam nhưng đặc biệt nhất có lẽ là một người nói rằng ông căm thù Cộng sản và quyết theo Mỹ tới cùng cho dù phải ở lại “tử thủ” tại Việt Nam. Khi tuyên bố như vậy, người này bị đuổi khỏi CIA bởi theo như ông Ẩn, “người làm tình báo không nuôi lòng căm thù”.
“Lịch sử Việt Nam rất hấp dẫn nhưng cái chúng ta đưa cho người đọc không phải là sự hấp dẫn mà là những khuôn mẫu, công thức dưới dạng chuyên khảo dành cho các nhà nghiên cứu. Nếu lịch sử mà được viết thành câu chuyện thì theo tôi sẽ rất hấp dẫn”, nhà báo Hải Vân nói về cách truyền đạt lịch sử cho thế hệ trẻ. |
Thông qua những câu chuyện được kể thấm đẫm tình nhân nghĩa về ông Ba Quốc chứa đựng nhiều bài học quý báu không chỉ về nghiệp vụ tình báo mà còn về cách đối nhân xử thế, những quan điểm và thái độ sống mà thế hệ trẻ ngày nay cần học hỏi. Nhà báo Hải Vân khẳng định, các tác phẩm viết về đề tài lịch sử – chính trị không khô khan, khó hiểu như nhiều người nghĩ. Nếu biết cách kể, những câu chuyện lịch sử bao giờ cũng hấp dẫn người đọc. Và hấp dẫn nhất là đọc thực lục, tức là những câu chuyện hằng ngày. Nhưng thực lục của lịch sử Việt Nam ít khi được phổ cập.
“Lịch sử Việt Nam rất hấp dẫn nhưng cái chúng ta đưa cho người đọc không phải là sự hấp dẫn mà là những khuôn mẫu, công thức dưới dạng chuyên khảo dành cho các nhà nghiên cứu. Nếu lịch sử mà được viết thành câu chuyện thì theo tôi sẽ rất hấp dẫn”, nhà báo Hải Vân nói về cách truyền đạt lịch sử cho thế hệ trẻ.
Thúy Kiều
Bình luận (0)