Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Chuyện chưa kể về những không gian xanh trên núi

Tạp Chí Giáo Dục

Phủ xanh "bãi rác", mang “Hà Lan” lên núi, gieo hoa trên đá… Sức người bền bỉ và những ý tưởng táo bạo đã làm nên những không gian ngợp hoa lá giữa lưng chừng trời khắp ba miền đất nước.
Tây Ninh: biến núi rác thành vườn hoa
Đến Chùa Bà (Tây Ninh) dịp Tết Canh Tý và Hội xuân núi Bà Đen, hàng triệu du khách không khỏi ngỡ ngàng: Nóc nhà Đông Nam Bộ đã hoàn toàn lột xác. Cảnh tượng rác tràn lan từ chân lên đỉnh núi, trong khuôn viên sân chùa nhiều năm qua đã được thay thế bằng không gian quang đãng, sạch sẽ, với hoa nở ngợp ngời và những thảm cỏ xanh mướt.
Hành trình hô biến núi rác nơi đây thành những vườn hoa đẹp đẽ là cả một chặng đường 2 năm không ngừng nghỉ của hàng trăm cán bộ nhân viên khu du lịch (KDL) Sun World Ba Den Mountain (thuộc Tập đoàn Sun Group).
Những ngày đầu tiếp nhận KDL Núi Bà Đen năm 2018, hết thảy lãnh đạo và CBNV nơi đây đều có chung một ký ức đến ám ảnh: rác. Rác trên đường đi, dưới chân núi, trên đỉnh, tràn lan ngay cạnh Chùa Bà… Giữa danh thắng nổi tiếng là một núi rác khổng lồ, chồng chất qua nhiều năm, bốc mùi hôi thối. “Lúc đó, hàng trăm CBNV đã được huy động để dọn rác. 200 thùng rác cỡ trung và 6 thùng cỡ lớn đặt quanh KDL. 5000 bao rác thải đã chuyển xuống núi mà vẫn… không thấm vào đâu. Thuê thêm nhân công bên ngoài thu dọn nhưng chỉ được 3 ngày, ai nấy đều… “bỏ của chạy lấy người", dù KDL chấp nhận trả thêm tiền cho họ”, chị Nguyễn Lâm Nhi Thùy – Giám đốc KDL nhớ lại.
“Cái khó ló cái khôn”, cùng với việc tổ chức tập kết, thu gom rác thải và chuyển rác xuống núi qua đường cáp, cho xe công trình dọn rác đúng giờ nơi tập kết, những nhân viên cây xanh của Sun World Ba Den Mountain đã miệt mài chuyển đất lên trên núi, phủ lên bề mặt hố rác để “biến rác thành cây”. Mưa xuống, lớp đất có cây trồng bên trên lại trôi đi mất. Đất lại được chuyển lên cùng với phân bón. Cứ thế, cây rồi cũng ra rễ, bám đất sâu. Hơn 175.000 chậu hoa đủ các loài như hoa xác pháo, sao nhái, dạ yến thảo, cúc lá nhám, cúc mâm xôi, phi yến tới trạng nguyên, cẩm tú cầu, hoa đời, hoa cúc… phủ từ chân núi lên tới đỉnh Bà Đen. Thảm họa rác ngày nào ở một khu du lịch nổi tiếng vùng Đông Nam Bộ chỉ còn trong ký ức của những người trồng cây, nhặt rác.
Đà Nẵng: mang “xứ sở cối xay gió” lên đỉnh Bà Nà
Hai năm trở lại đây, du khách bốn phương hồ hởi kéo nhau tới Đà Nẵng, lên Bà Nà du xuân, thưởng ngoạn lễ hội hoa tulip lớn chưa từng có ở Việt Nam.
Nếu năm 2018, lễ hội gây ấn tượng với 1 triệu bông tulip thì năm nay, Bà Nà đã phá vỡ kỷ lục của chính mình khi mang tới cho du khách một “Hà Lan thu nhỏ” với 1,5 triệu bông đủ chủng loại. 80.000 củ hoa và 57 giống hoa trong đó là rất nhiều giống tulip quý hiếm là điều kỳ diệu mà khu du lịch Sun World Ba Na Hills đã nỗ lực để đem đến cho du khách, mặc dù, để “mang Hà Lan về núi Chúa” không phải dễ dàng.
Những cán bộ cây xanh ở Bà Nà Hills chia sẻ, tulip là loài hoa vô cùng đỏng đảnh. Để tìm được vùng thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp ươm trồng thành công giống hoa này, khu du lịch đã phải trồng đi trồng lại nhiều lần ở nhiều khu vực từ chân núi đến đỉnh núi. Không những thế, 57 giống hoa lại có thời gian sinh trưởng và nở hoa khác nhau. Phải tỉ mẩn phân chia nhiều nhóm ngày sinh trưởng: 28 ngày, 30-32 ngày rồi 45 ngày… để lên kế hoạch hoa nào trồng trước, hoa nào trồng sau, đảm bảo tất cả nở đúng thời gian vào dịp lễ hội. Rồi từ nhiệt độ bảo quản củ hoa như thế nào, nhiệt độ khi ra ngoài trời ra sao, làm thế nào để không bị gió sương ảnh hưởng, xử lý củ hoa phòng ngừa nấm bệnh thế nào trước khi trồng… Tất cả đều được được tính toán cụ thể, cẩn thận từng li bởi chỉ cần lệch một chút thôi, thời gian sinh trưởng của hoa sẽ bị ảnh hưởng.
Kỳ công ấy, đã được đáp đền bằng niềm vui sướng vỡ òa của nhiều du khách khi đến với Bà Nà mỗi mùa xuân, để năm sau, rồi năm sau nữa, rất có thể, con số kỷ lục 1,5 triệu bông kia sẽ tiếp tục được phá vỡ, bởi chính những con người đã “mang Hà Lan lên núi Chúa”.
Sa Pa: trồng hoa trên đá
Trồng hoa trên đá ư? Ai mà làm nổi! Nhất là ở một nơi bốn mùa sương núi lạnh buốt, gió thổi ràn rạt như khu vực đỉnh Fansipan.
Thế mà những người làm du lịch ở Sun World Fansipan Legend (Sa Pa, Lào Cai) suốt 3 năm qua vẫn ngày ngày đang miệt mài “ươm cây trên đỉnh trời”.
Gánh bộ từng gùi đất đắp lên đá tạo nền trồng cây, nhọc nhằn thuần hóa từng loại cây, giống hoa trong thứ thời tiết đa phần là lạnh cắt da thịt, khi băng giá, lúc nắng cháy da, và sương mù luôn là đặc sản, những người làm cây xanh cần mẫn, kiên trì từng ngày để nhận về trái ngọt. Thành quả là một thung lũng hoa rộng lớn, đặc sắc nhất miền Bắc được du khách trong và ngoài nước trầm trồ yêu thíchn đã ra đời, từ con số 0 tròn trĩnh.
Và quả thực Fansipan bây giờ đã đẹp đến ngỡ ngàng. Những suối hoa cải vàng, cải trắng mùa này chảy mênh mang bên sườn núi, Thung lũng hoa kim ngư thảo, hoa hồng rực lên sắc xuân nối dài tới đồi hoa tím. Ngay cả những loài hoa khó trồng như tulip, rum, cẩm tú cầu cũng nở căng mọng tròn đầy khắp khu du lịch. Bắp cải tím, hoa đá mướt xanh theo chân người suốt từ chân núi lên tới đỉnh cao hơn 3000 mét so với mực nước biển.
Hành trình dệt hoa từ đá ấy vẫn chưa ngừng nghỉ. Thung lũng hoa cứ mở rộng mãi ra, năm sau gần gấp đôi năm trước. Những giống mới cũng liên tục được đưa về ươm trồng, nhân rộng để không chỉ phủ xanh vách núi, mà còn làm nên vẻ đẹp riêng cho Sa Pa, để nơi này ngày càng hấp dẫn, để Fansipan không chỉ được biết đến với chóp tháp huyền thoại, mà còn là điểm phải đến nhiều lần trong cuộc đời.
PV (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)